Không chỉ thiếu vốn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 05/10/2010

(HNM) - Đường bộ là lĩnh vực giao thông đóng vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Nhiều năm nay, Chính phủ luôn ưu tiên đầu tư cho xây dựng, mở rộng, hoàn thiện mạng lưới đường bộ, nhưng phần lớn dành cho đầu tư xây mới. Lĩnh vực quản lý, duy tu, bảo trì đường bộ luôn rơi vào cảnh thiếu vốn, dẫn tới chất lượng đường nhiều nơi chưa bảo đảm.


Công nghệ không thiếu


Với các nước phát triển, quản lý, duy tu, bảo trì đường bộ được đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm chất lượng kỹ thuật, an toàn giao thông và những quốc gia này về cơ bản đều đã có hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn thiện. Nhiều công nghệ về quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ đã được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể của họ để duy trì chất lượng giao thông.


Thảm nhựa thường xuyên là một trong những biện pháp bảo trì đường bộ hiệu quả.
Ảnh: Ph
ương An

Một trong những nhân tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống, chương trình quản lý đường bộ là cơ sở dữ liệu. Tại cuộc hội thảo quốc tế về triển khai quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội, Giáo sư Kobayashi Kiyoshi (Hiệu trưởng Trường Quản lý - Đại học Tổng hợp Kyoto, Nhật Bản) cho biết, việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu là hết sức cần thiết. Trên cơ sở dữ liệu chính xác, có thể dự báo mức độ xuống cấp, hư hỏng cũng như kế hoạch đầu tư sửa chữa cho giai đoạn ngắn hoặc dài hạn. Theo Giáo sư Kiyoshi, để thu thập dữ liệu tốt, cần xây dựng phần mềm phù hợp với điều kiện từng quốc gia. Phần mềm HDM4 đã được sử dụng ở Việt Nam, Hàn Quốc hoặc phần mềm RoSy đang ứng dụng ở Việt Nam đều chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Nhật Bản đã tự xây dựng phần mềm để thu thập dữ liệu, quản lý đường bộ, gọi là phương pháp Kyoto, đem lại hiệu quả cao.

Ông Daeseok Han, Viện Công nghệ xây dựng Hàn Quốc cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ nước này đã quan tâm nhiều tới việc quản lý hạ tầng đường bộ và cũng tự nghiên cứu xây dựng cho mình phần mềm riêng, phù hợp với điều kiện quốc gia. Hiện ngân sách Hàn Quốc cấp cho bảo trì đường chiếm tới 71% tổng số vốn phân bổ cho hạ tầng giao thông. Vì vậy, Hàn Quốc đang rất quan tâm, phát triển hệ thống quản lý đường bộ. Theo ông Daeseok Han, phương pháp Kyoto có nhiều ưu điểm và dễ sử dụng, phù hợp với những quốc gia đang phát triển... Điều đó cho thấy, công nghệ trên thế giới không thiếu, vấn đề là lựa chọn, sử dụng công nghệ nào cho hiệu quả.

… Nhưng thiếu vốn

So với Nhật Bản, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn để quản lý, bảo trì đường bộ. Ông Keizo Kamiya, Viện Nghiên cứu đường cao tốc Nippon (Nhật Bản) dẫn chứng, diện tích của Nhật Bản chỉ hơn Việt Nam chưa đến 50 nghìn kilômét vuông, nhưng diện tích rừng nước này lại gần gấp đôi. Điều này cũng đồng nghĩa với hệ thống giao thông của Nhật phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do phải xây dựng qua rừng, núi. Không những vậy, quốc gia này còn có rất nhiều hầm, cầu đường bộ nhưng hệ thống giao thông vẫn bảo đảm.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là vốn. Là quốc gia đang phát triển, hầu hết ngân sách cấp cho lĩnh vực giao thông được ưu tiên cho xây mới, hoàn thiện hạ tầng. Đó là chưa kể hàng loạt dự án xây mới sử dụng vốn vay quốc tế, song dường như vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của nền KT-XH. Kinh phí dành cho duy tu, sửa chữa tất nhiên sẽ hạn chế. Năm nào Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kêu trời vì vốn dành cho duy tu bảo trì chỉ đáp ứng 40-50% nhu cầu. Với các địa phương, kinh phí cho việc này còn khó khăn hơn nhiều.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, việc xây dựng quỹ bảo trì đường bộ đang là vấn đề nóng. Bộ GTVT đã xây dựng đề án thành lập cơ quan quản lý mạng lưới đường cao tốc Việt Nam, dự kiến sẽ có 3 đơn vị đóng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Về công nghệ, sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp không chỉ với điều kiện hiện tại mà còn hữu ích với thế hệ sau.

Nguyễn Đức