"Định mệnh" một vương triều

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 05/10/2010

(HNM) - Dời đô không phải chuyện hiếm trong lịch sử nhưng chỉ ở những thời khắc có tính quyết định tới vận mệnh một vương triều. Hồ Quí Ly, một nhà cải cách, ôm mộng kinh bang dựng thành An Tôn (Thành nhà Hồ), làm cuộc đổi dời, thế nhưng Quốc đô của nước Đại Ngu nhà Hồ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1400-1407) với vai trò một trung tâm quân sự khiến

Nhiều đoạn thành bị sụt lún nghiêm trọng.


Vua Nghệ Tông qua đời, Nhà Trần hết vận, giặc Minh phương Bắc lăm le. Là người có học vấn, Thái sư Hồ Quí Ly hiểu hơn ai hết những lời can gián nhưng buộc phải chọn "đất chật hẹp hẻo lánh, nơi cuối nước đầu non, nên với loạn mà không nên với trị" để làm cuộc chuyển dời. Một vương triều mới không thể hình thành trên đất "đế đô muôn đời" nhưng đẫm lộc tiên triều, lòng dân ly tán. Dời đô về xứ Thanh vốn là quê hương của mình, Hồ Quí Ly mong nhanh chóng đoạn tuyệt với nhà Trần, thực hiện hoài bão canh tân và tổ chức chống giặc phương Bắc nhưng vận số chẳng đủ dày.

Cuộc đổi dời và những bí ẩn lịch sử
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư": Năm Đinh Sửu, mùa xuân, tháng Giêng (1397), sai Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng ba thì công việc hoàn tất. Đó là thành An Tôn, còn gọi là thành Tây Giai hay thành nhà Hồ. Cũng năm đó Hồ Quí Ly đưa vua đến trấn Thanh Hóa và tháng ba năm sau (Mậu Dần - 1398), ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử Án để đi tu ở cung Bảo Thanh cũng vừa mới xây bến núi Đại Lại. Kể như nhà Trần chấm dứt - một cuộc đổi dời hiếm có trong lịch sử, không có máu chảy đầu rơi. Cũng từ đó thành An Tôn trở thành kinh đô mới.

Sử cũ chép về nhà Hồ không nhiều và cho đến bây giờ, việc đánh giá về nhà Hồ vẫn tốn nhiều giấy mực. Kết nối những chi tiết liên quan đến cuộc đổi dời của Hồ Quí Ly 600 năm trước, chúng tôi vào xứ Thanh mang theo không ít nỗi phân vân và một câu hỏi lớn: Tại sao các triều đại rời mảnh đất mà Đức Lý Thái Tổ đã định đặt đều đoản mệnh? Càng đi, càng ngấm, càng miên man, cõi vô hình như tấm lưới đan quá khứ và hiện tại.

Cung Bảo Thanh nơi chứng kiến cuộc đổi ngôi nay chỉ còn là mảnh đất hoang. Nắng chiều loang buồn theo thế núi tay ngai xuống nhà bia nhỏ nhoi dựng trên nền điện xưa tráng lệ. Mấy chú bò điềm nhiên gặm cỏ bên dòng suối nhỏ không chỉ gợi một cảm giác cô quạnh. Thành An Tôn - Quốc đô của nhà Hồ vẫn còn đó, nhưng hình hài chẳng giữ được bao nhiêu. Lầu thành với những phiến đá lớn cố cưỡng thời gian ủ một màu rêu xám. Những chiếc hố khảo cổ dưới chân thành lõng bõng nước mưa như che đậy phồn hoa một thuở. Đôi rồng đá bên con đường từ cổng Nam sang cổng Bắc thành nhỏ nhoi giữa bốn bề đồng lúa, lúp xúp nhà dân. Và những đoạn thành đổ sụp đã biến kinh đô nước Đại Ngu thành phế tích trong con mắt hậu thế...

Lên núi Đốn Sơn, nhìn thế núi hình sông, ngẫm ra Thành nhà Hồ không phải ở nơi đường cùng ngõ cụt. Người xưa từ động An Tôn xuôi sông Mã đến Đồng Cổ theo hệ thống sông đào thời Tiền Lê và thời Trần vào Nam hoặc theo cửa Lạch Trường ra Bắc. Dẫu thế nào đi nữa thì việc Hồ Quí Ly bỏ nơi bốn phương hội tụ, lui về đất hiểm để dụng võ cũng là ở cảnh "thế thời phải thế" mà thôi. Thế nhưng việc xây một kinh thành hai mặt Nam, Bắc dài hơn 900m, hai mặt đông tây hơn 700m, có nơi cao tới 10m với những khối đá khổng lồ, chưa kể cung điện, đền đài được xây dựng với thời gian ba tháng, là một câu chuyện khác, với nhiều điều không dễ lý giải.

Dưới chân tường thành bên rặng chuối, cô nhân viên Ban Quản lý di tích Thành nhà Hồ Triệu Thị Hương kể chuyện: Chồng của nàng Bình Khương là Trần Cống Sỹ được giao xây tường thành phía Đông, trên dòng sông cổ. Xây xong ban ngày, tối lại sụt lở. Không chịu cảnh dã tràng xe cát, lại hiềm nghi mưu phản, nhà vua lệnh chôn sống Trần Cống Sỹ dưới chân thành. Nghe tin dữ, Bình Khương đến đây thảm thiết khóc chồng, rồi đập đầu vào đá, nay còn chỗ lõm xuống. Người dân mang phiến đá về lập đền thờ. Rồi chuyện ông Vũ Công, ông quản Ca làm thành bằng giấy, sáng ra biến thành đất đá. Và cả chuyện sau mỗi ngày có hàng rổ ngón tay bị nghiến đứt, rồi cánh thợ thiết kế  bị đánh đập như những người nô lệ...

Chúng tôi vào đền thờ nàng Bình Khương bên mé Đông thành, thắp nén nhang tưởng nhớ người thiên cổ. Nấm mộ nàng nằm phía dưới mộ chồng bảng lảng nỗi u hoài.

Những huyền thoại cho thấy việc dựng thành vô cùng cực nhọc người xưa đã sử dụng những bản vẽ rất lớn để tiến hành việc xây dựng. Và tự thân nó đã mang theo nhiều nghi vấn. Liệu những người thợ bị đứt ngón tay có thể làm gì, cánh vẽ thiết kế bị đánh oằn lưng còn nghĩ tới việc dựng thành hay không?

- Thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là một di tích văn hóa - lịch sử được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Đây là thành cổ duy nhất được xây dựng bằng đá, gắn với một triều vua tuy ngắn (1400 -1407) nhưng đã có những cách tân đáng ghi nhận như cải cách thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ Nôm, phát hành tiền giấy. Thành có 4 cửa. Cửa Nam giống với cửa Nam thành Thăng Long.
- Thành nhà Hồ đã và đang được từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm khôi phục và gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo và là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Thành nhà Hồ đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Trong câu chuyện với cánh nhà báo Hà Nội, nhà nghiên cứu xứ Thanh - ông Phan Bảo chắc như đinh đóng cột: không thể nhầm Tây Đô với Thành nhà Hồ. Tây Đô có từ thời Tiền Lê. Lê Hoàn là người Ái Châu, sử gọi Tây Đô là phía Tây Hoa Lư, rộng ra là cả vùng Thanh Hóa và còn có thành Tây Đô nằm trên sông Lỗi Giang. Với ông, vấn đề đáng nói nhất với Thành nhà Hồ là những bí mật lớn về kỹ thuật xây dựng. Xứ Thanh lúc bấy giờ như một đại công trường với trăm ngàn lò gạch nghi ngút khói, cảnh khai thác, vận chuyển vật liệu rầm rập ngày đêm... Và chỉ riêng chuyện tổ chức xây thành đã là cả một hệ thống câu hỏi lớn chưa lý giải được. Trên mảnh đất cuối nước đầu non, việc vận chuyển, tập kết vật liệu thế nào? Bao nhiêu thợ, bao nhiêu đốc công được huy động cho việc xây dựng kinh thành? Rồi đào hào trước hay xây thành trước?... Đây là những thắc mắc lớn cho cả nhà kỹ thuật ngày nay và tất cả đều liên quan mật thiết với nhau.


Có lẽ người xưa đã sử dụng nhiều hệ thống máy móc, ròng rọc cho việc dựng thành. Vật liệu được thiết kế theo đúng bản vẽ chuyển đến công trường trên cộ với những con lăn gỗ, dùng voi kéo... Và với thời gian gấp gáp, không gian chật hẹp như vậy, người xưa không thể tổ chức xây dựng mà chỉ có thể lắp đặt. Đó cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi. Bí mật xây dựng Thành nhà Hồ vẫn lẩn khuất trong lớp rêu phong lịch sử. Có điều chắc chắn rằng với những nhà bác học như Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn An... Nhà Hồ đã đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật. Nhưng từ đây cũng nảy sinh những vấn đề khác: Ai là thầy của Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn An; họ có liên quan thế nào với Thành nhà Hồ?

Gập ghềnh con đường di sản
Tường thành với những khối đá khổng lồ đẽo vuông thành sắc cạnh không giống với bất cứ công trình kiến trúc quân sự nào trên thế giới; vòng la thành với những lũy tre gai độc đáo; cung điện, đền đài được cấu trúc nghiêm cẩn. Để rồi không một trận chiến nào diễn ra, quốc thành chôn vùi cùng năm tháng. Nhưng chính điều đó đã để lại cho hậu thế một kho tàng quý giá.

Thành nhà Hồ đã được lập hồ sơ đề nghị Trung tâm Di sản thế giới công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. So với Cổ Loa hay Hoàng thành Thăng Long, bức cổ thành này được bảo tồn khá nguyên vẹn, lại không bị lớp lớp văn hóa chồng lấn qua thời gian. Do vậy, các nhà nghiên cứu có thể thực hiện trọn vẹn lát cắt một kinh đô vào thế kỷ XV. Thế nên dẫu thua thiệt về kiến trúc, nhưng Thành nhà Hồ có lợi thế vượt trội về khảo cổ và UNESCO rất chú trọng đến tính nguyên vẹn của di tích này.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lại là câu chuyện dài. Tỉnh Thanh Hóa đã mời chuyên gia của Hội đồng Di sản Anh quốc tham gia tư vấn, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm trả lại cảnh quan cho Thành nhà Hồ, nhưng những gì đang có so với tiêu chí của UNESCO vẫn còn một khoảng cách khó lấp đầy. Và đến bao giờ mới có thể lấp đầy? Tại cửa Bắc, cửa Nam thành, chụp ảnh cũng vướng nhà dân nói gì đến chuyện tạo cảm giác cũ kỹ của một di sản. Đấy là vùng lõi, nói gì đến vùng đệm rộng tới 5.000ha. Chưa kể, bộ máy quản lý di sản hiện nay mới có hơn chục người, phần nhiều mới ra trường, trụ sở thì "lều chõng" bên Nhà văn hóa làng, họ có thể làm gì?

Trong câu chuyện có phần dè dặt, Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Trưởng ban di tích thành nhà Hồ, nói với tôi: Nếu chưa hiểu biết hết thì phải hiểu tương đối, do vậy hướng tiếp cận hiện nay chủ yếu là nghiên cứu để hình dung lại diện mạo của cổ thành. Mới đây các nhà khảo cổ đã phát hiện trục đường thần đạo. Sau nhiều lần khai quật, đàn tế Nam Giao đã bắt đầu hiện rõ trong trầm tích 600 năm lịch sử. Hiện nay, Ban quản lý dự án đã có kế hoạch sớm bảo tồn các đoạn thành sụp lở, phục hồi hào thành đã bị vùi lấp... Riêng phần kiến trúc cần nghiên cứu kỹ hơn. Cũng chỉ có thể ngậm ngùi chia sẻ với ông tiến sĩ "giữ thành" của xứ Thanh bởi không thể so đo với đội ngũ hàng chục chuyên gia đầu ngành đang quản lý, nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Con đường di sản của Thành nhà Hồ quả thật còn lắm đèo, nhiều dốc.

Các vị vua Lý, Trần định đô ở nơi bốn phương tụ hội, xây thành đắp lũy giữa lòng dân, khi giặc đến kinh thành hóa vườn không nhà trống, đánh tan giặc, tụng khúc khải hoàn ca. Hồ Quí Ly chọn nơi hiểm địa, làm cuộc đổi dời, rồi nước mất nhà tan, thân xác phiêu bạt nơi đất khách. Quốc thành cũng như định mệnh vương triều, vùi chôn 600 năm để trở thành một di sản mang tầm thế giới. Và câu chuyện về việc bảo tồn, gìn giữ cổ thành cũng mang theo những nỗi buồn và như đang để ngỏ. 

                                                                            ***

Lịch sử đã đi những bước dài, người đời nay cũng đã có những nhận định mới về một vương triều ngắn ngủi nhưng để lại khá nhiều dấu ấn trong lòng dân tộc. Việc đặt Thành nhà Hồ trong hành trình di sản văn hóa thế giới, tuy còn gian nan nhưng chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới cho không chỉ cư dân nơi một thuở là quốc đô. Một số người đã tìm di cốt Hồ Quí Ly nơi đất khách nhằm đưa di cốt của Ngài về với Thành nhà Hồ, nơi gửi trọn mộng tế thế kinh bang của vị quân vương yêu nước, luôn hướng về cái mới, cũng là để tiền nhân có thể ngậm cười nơi chín suối. Vấn đề này cần được suy ngẫm.

Thế Phương