Chính trường Italia chao đảo

Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 04/10/2010

(HNM) - Với 342 phiếu thuận, 275 phiếu chống và 3 phiếu trắng, Chính phủ của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 29-9 ở Hạ viện về chương trình cải cách 5 điểm gồm cải cách tư pháp, cải cách thuế, nhập cư và chống tội phạm, áp dụng chính sách thuế liên bang và trợ cấp cho miền Nam.

Với thắng lợi này, Chính phủ Italia tạm thời thoát khỏi nguy cơ sụp đổ do những mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền, tình trạng tham nhũng của nhiều quan chức và cuộc khủng hoảng chính trị triền miên dẫn đến việc mất niềm tin của đa số các cử tri. Tuy nhiên, như vậy chưa hẳn chính trường ở quốc gia hình chiếc ủng này đã hết sóng gió khi phe cầm quyền không còn đa số áp đảo tại Hạ viện và những mâu thuẫn nội bộ vẫn chưa được giải tỏa.

Mâu thuẫn giữa Thủ tướng S. Berlusconi (phải) và Chủ tịch Hạ viện G. Fini làm chao đảo chính trường Italia.

Mấu chốt của những rắc rối hiện nay chủ yếu xoay quanh quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Silvio Berlusconi và Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini - vốn là cặp bài trùng có một không hai trong lịch sử chính trị ở Italia. Đây là một trong những nguyên nhân kéo tỷ lệ ủng hộ của cử tri cho đảng Nhân dân tự do (PDL) xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi ông S. Berlusconi lên nắm quyền. Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, uy tín của Thủ tướng S. Berlusconi và chính phủ của ông đã xuống dưới 35%, giảm 10 điểm so với cách đây một năm và 20 điểm so với thời điểm nội các được thành lập vào tháng 5-2008.

Trên thực tế, nếu không có những mâu thuẫn với Chủ tịch Hạ viện G.Fini thì cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua không khiến Thủ tướng Silvio Berlusconi phải quá đau đầu. Đơn giản vì hai nhân vật này là những người sáng lập ra PDL khi bước vào chính trường 16 năm trước. Không có ông G.Fini, ông S.Berlusconi đã không 3 lần trở thành người đứng đầu Chính phủ Italia. Vì vậy, việc đôi bạn từng "đồng cam cộng khổ" lâu năm này quay lưng lại với nhau là chuyện chưa ai từng nghĩ đến. Và người ta càng không ngờ rằng Thủ tướng S.Berlusconi khai trừ ông G.Fini khỏi đảng và ráo riết vận động ép từ chức sau khi chỉ trích người đứng đầu Chính phủ tìm cách sửa đổi luật pháp để được miễn truy tố tại những phiên tòa cáo buộc ông tham nhũng.

Có lẽ điều mà Thủ tướng S.Berlusconi không tính đến là chẳng mất nhiều thời gian sau khi ra khỏi PDL, "cố hữu" của ông lại có thể tập hợp được ủng hộ của 34 hạ nghị sĩ và 10 thượng nghị sĩ để thành lập đảng mới có tên Tương lai và tự do (FDL). Và cũng thật không may cho vị Thủ tướng đầy tai tiếng này, số nghị sĩ đi theo ông G.Fini không đâu khác chính là các thành viên của PDL. Đây là yếu tố chính có thể phá vỡ sự cân bằng trong Quốc hội và khiến thế đa số của Thủ tướng S.Berlusconi trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Sở dĩ Chủ tịch Hạ viện G.Fini chưa rút khỏi liên minh cầm quyền vì ông muốn có thêm thời gian để tận dụng vị thế hiện tại để huy động được lực lượng đủ mạnh có thể cạnh tranh ngang ngửa với đảng PDL trong các cuộc đua trên chính trường. Sở dĩ vị Thủ tướng lọc lõi kinh nghiệm chính trường vượt qua được cuộc "sát hạch" lần này là do sự ủng hộ của nhóm nghị sĩ vừa "ly khai". Song, việc thiếu hụt số lượng các nghị sĩ rõ ràng đã làm suy yếu vị thế PDL và Thủ tướng Berlusconi. Điều này cũng cho thấy, tương lai của Chính phủ Italia sẽ phải phụ thuộc vào những lá phiếu của nhóm nghị sĩ này.

Ngoài ra, tham vọng của thủ lĩnh đảng Liên đoàn phương Bắc cũng là một yếu tố đe dọa tới sự ổn định của Liên minh cầm quyền. Lâu nay, ông Umberto Bossi không hề giấu giếm mong muốn có bầu cử sớm để giành thêm ghế trong Quốc hội và mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình xuống phía Nam đất nước. Do đó, thật dễ hiểu vì sao phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông U.Bossi lại cho rằng biện pháp duy nhất giúp ổn định tình hình chính trị ở Italia vẫn là tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 3-2011.

Từ năm 1945 đến nay, Italia đã có tới 61 Thủ tướng và hiếm có vị nào có thể trụ được trên vị trí này trọn vẹn cả nhiệm kỳ. Thủ tướng S.Berlusconi dù được coi là người có khả năng giữ chiếc ghế đứng đầu Chính phủ lâu nhất, song với những gì đang diễn ra, nhiều khả năng ông cũng phải "nối gót" những người tiền nhiệm. Trong bối cảnh Italia đang ngập chìm trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, những sóng gió trên chính trường có thể đẩy nước này rơi vào cuộc "khủng hoảng kép".

Quỳnh Chi