Thắng lợi chưa trọn vẹn
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 04/10/2010
Cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của 66,45% trong tổng số hơn 17 triệu cử tri Venezuela, được đánh giá là có tầm quan trọng quyết định đối với quá trình chuyển đổi tại quốc gia Nam Mỹ này; đồng thời là phép thử đối với sự ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Hugo Chavez.
Tuy nhiên, đây là thắng lợi chưa trọn vẹn của PSUV, khi đảng này không đạt được mục tiêu đề ra là giữ vững đa số ghế, chiếm 2/3 trong số 110 ghế. Điều này có nghĩa là, phe cầm quyền sẽ phải thương lượng về việc thông qua các đạo luật về cơ cấu và ngân sách, đồng thời Chính phủ sẽ phải đàm phán về việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao. Thậm chí, Tổng thống Hugo Chavez sẽ gặp khó khăn trong việc điều hành bằng các sắc lệnh.
Ðảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela, lực lượng trụ cột của phong trào cánh tả hiện nay, ra đời từ trong lòng Chính phủ mới, Quốc hội mới mà đảng viên PSUV chiếm 147/167 đại biểu. Với lợi thế giành đa số ghế, PSUV đã tiến hành cải cách luật bầu cử, phân bổ lại nhiều ghế nghị sĩ cho các vùng nông thôn (nơi phe cầm quyền nhận được sự ủng hộ cao hơn) và giảm số ghế của các bang đông dân do thống đốc đối lập kiểm soát. Thế mạnh lớn nhất của PSUV là thành quả xã hội trong những năm qua (lương thực, y tế, giáo dục), với phạm vi lan tỏa rộng đến những thành phần xã hội nghèo nhất, thuộc thang D và E (2 thang cuối trong 5 thang xã hội của Venezuela xếp theo thu nhập bình quân), chiếm tới 75% dân số. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005, PSUV đã dễ dàng giành đa số kiểm soát tại nghị viện khi các đảng đối lập tẩy chay bầu cử. Tuy nhiên lần này, PSUV đối mặt với nhiều thách thức hơn trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Chavez xuống dưới 50% lần đầu tiên trong 5 năm qua, chủ yếu do tình trạng lạm phát (30,5%) và mất an ninh. Trong khi đó, liên minh Tập hợp Đoàn kết dân chủ (MUD) giành được 59 ghế nghị sĩ đã về thứ hai trong cuộc bầu cử lần này và là một thách thức cho đảng cầm quyền. Nguyên nhân là phe đối lập chủ yếu hướng vào lĩnh vực chính trị như tự do báo chí, tham nhũng, tình trạng mất an ninh, với tác động mạnh hơn tới tầng lớp trung lưu. Người phát ngôn khối đối lập Armando Briquett tuyên bố: "Điều này trao cho chúng tôi nhiều quyền lực chính trị. Chúng tôi rất vui mừng".
Vì thế kết quả trên sẽ gây khó khăn cho những cải cách xã hội sắp tới của Tổng thống H.Chavez. Tuy nhiên, Quốc hội mới của Venezuela sẽ được triệu tập vào tháng 1-2011, do đó, người đứng đầu Venezuela còn cơ hội và thời gian để thông qua một số cải cách then chốt.