Chính thức thông xe và gắn biển Đại lộ Thăng Long
Xã hội - Ngày đăng : 10:26, 03/10/2010
Đến dự buổi lễ, ngoài sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ,còn có nhiều các đồng chí lãnh đạo của Trung ương và TP Hà Nội như: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi.
Thủ tướng Chính phủ gắn biển Đại lộ Thăng Long.
“Hôm nay, trong không khí tưng bừng của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; TP Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trọng thể tổ chức Lễ thông xe và gắn biển công trình “Đại lộ Thăng Long” – đây là một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình Đại lễ” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch cũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng Hòa Lạc là dự án lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, TP Hà Nội có trách nhiệm huy động nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương và phối hợp trong suốt quá trình triển khai dự án. Dự án có tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 1.800 tỷ đồng, của Hà Nội và Hà Tây (cũ) là 5.700 tỷ đồng.
Bước vào thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, nhất là công tác GPMB và cơ chế huy động vốn đầu tư, cũng như việc tổ chức thu công. Riêng với công tác GPMB phải thu hồi, đền bù trên 500 ha đất với hơn 8000 hộ gia đình và một số cơ quan, tổ chức, trong đó phải di chuyển một số nghĩa trang trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức và Từ Liêm; mặt khác qua các thời kỳ khác nhau, cơ chế chính sách có thay đổi, địa giới hành chính được điều chỉnh. Đó là một trong những vấn đề khó khăn, thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án.
Tuy vậy, với sự nỗ lực cao từ Trung ương đến địa phương, đến nay tuyến đường cao tốc có mặt cắt lớn nhất và hiện đại nhất cả nước được thông xe, đưa vào sử dụng. Đó là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hoàn thành đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm, được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và được Hội đồng nhân dân TP quyết nghị đặt tên “Đại lộ Thăng Long”.
Đại lộ Thăng Long hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần quan trọng hoàn chỉnh giao thông của cả vùng, kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nam với thủ đô Hà Nội, kết nối giữa các khu đô thị, khu công nghiệp, các huyện, thị xã phía Tây với trung tâm thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng – an ninh. Đại lộ Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết định quy mô, tính chất của đô thị vệ tinh Hòa Lạc và các đô thị vệ tinh xung quanh, tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển của các huyện, thị xã phía Tây TP.
“Sau khi thông xe và nhận bàn giao tuyến đường, TP Hà Nội sẽ tăng cường lực lượng hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát giao thông, bảo đảm cho phương tiện giao thông thuận tiện và an toàn hiệu quả. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án như: hệ thống đường gom, dải phân cách, cây xanh, nút giao tại Quốc lộ 21, hầm dân sinh, hệ thống thoát nước…” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.
Cắt băng khánh thành Đại lộ Thăng Long.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cũng bày tỏ: Để việc khai thác tuyến đường phát huy được hiệu quả, người tham gia giao thông cần phát huy, nâng cao văn hóa giao thông; UBND TP Hà Nội cần quản lý tốt tuyến đường bằng phương thức hiện đại. Bộ Giao thông Vận tải cũng cam kết sẽ phối hợp cùng TP Hà Nội xây dựng quy hoạch giao thông đô thị, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bằng các phương thức vận tải hiện đại.
Bày tỏ niềm vui lớn, tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Trong không khí nô nức, phấn khởi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thay mặt Chính phủ, tôi chúc mừng Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thủ đô Hà Nội hôm nay có thêm một công trình giao thông mới, đẹp, hiện đại có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong phát triển Thủ đô toàn diện”.
Thủ tướng biểu dương sự phấn đấu vượt qua khó khăn của Bộ Giao thông Vận tải, TP Hà Nội, Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, tổng thầu và các nhà thầu thi công… đã lao động ngày đêm để có được công trình hôm nay. Thủ tướng bày tỏ sự cảm ơn, hoan nghênh đồng bào trong vùng dự án đi qua đã đồng thuận giao đất để dự án được hoàn thành.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội, sau buổi lễ hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao cho TP Hà Nội quản lý tuyến đường, theo đó, Hà Nội phải đầu tư hệ thống quản lý giao thông hiện đại.
Mặt khác, Thủ tướng cũng hoan nghênh tỉnh Hòa Bình, trong ngày hôm nay cũng khởi công tuyến đường nối từ Hòa Lạc đến Hòa Bình, khớp nối với Đại lộ Thăng Long.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ Hà Nội phát huy sự năng động, sáng tạo để huy động mọi nguồn lực, những cách làm hay để Thủ đô ngày càng có thêm nhiều công trình về kết cấu hạ tầng, đặc biệt về giao thông, đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân…
Đại lộ Thăng Long được tính bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng-Khuất Duy Tiến-Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21-đường Hồ Chí Minh. Đại lộ Thăng Long là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có chiều dài 29,264km, điểm đầu là Km1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng-Hòa Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao Hòa Lạc Km31+064 (giao cắt với Quốc lộ 21- đường Hồ Chí Minh). Chiều rộng tuyến đường là 140m bao gồm: hai dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m); hai dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; hai dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị... Trên tuyến đường có 51 cầu vượt sông, vượt nút giao, 3 nút giao liên thông hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh. Tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị. Đối với Thủ đô Hà Nội, tuyến đường này nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đang trong quá trình phát triển như Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giàu tiềm năng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai… Đặc biệt tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc - một trong những dự án lớn, có tác động lớn tới kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh. |
Sau đây là một số hình ảnh tại buổi lễ thông xe và gắn biển Đại lộ Thăng Long: