Chạy giữa lòng Hà Nội

Thể thao - Ngày đăng : 05:04, 03/10/2010

(HNM) - Tôi cam đoan với bạn, trên thế giới có lẽ chỉ Hà Nội là có một sân chơi độc đáo như thế. Nói là một giải thể thao quần chúng cũng đúng, nói là giải nâng cao cũng chẳng sai, song cái cốt tử của Giải chạy Báo Hànộimới theo tôi là cuộc biểu dương lớn về ý chí và lực lượng của các thế hệ người Hà Nội và đây là nội hàm của hoạt động văn hóa thể chất rất đặc biệt này.


Chạy hưởng ứng Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 36 - Vì hòa bình. Ảnh: Bá Hoạt

Hiện nay, dù có rất nhiều hoạt động thi đấu trong và ngoài nước nhưng Giải chạy Báo Hànộimới vẫn luôn giữ một vị trí thân thuộc, gần gũi và gắn bó với mỗi người dân Thủ đô, thậm chí với cả các VĐV người nước ngoài. Nhưng đâu phải bây giờ mới vậy. Vào thời buổi ban sơ của sân chơi này, chao ơi, háo hức lắm mà cũng sục sôi lắm. Thử tưởng tượng ngày đầu tiên ấy mà xem, khi đó, Hà Nội cùng cả nước đang trải qua những cao trào của công cuộc chống Mỹ, Thủ đô ta vừa đi vào lịch sử với một Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, vậy mà bên bờ hồ Gươm đã có một cuộc thi chạy nhiều ý nghĩa đến như thế. Đã có người bảo, chạy ở đâu mà chả là chạy, vâng, nhưng chạy quanh Bờ Hồ giữa lòng Thủ đô lại là cái chuyện khác hẳn! Bài hát xuất sắc nhất về Hà Nội của Nguyễn Đình Thi đã mở đầu bằng câu "Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây", từ đó có thể thấy hồ Gươm càng được thừa nhận là một trong số rất ít những biểu tượng của Thủ đô Việt Nam, của Thành phố vì hòa bình. Thế nên đã có những VĐV tỉnh, thành khác tâm sự với tôi rằng, mơ ước một lần được chạy ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm đã theo anh ta biết bao tháng ngày. Mãi ghi trong lòng cái náo nức, không khí đua tranh sôi nổi của ngày ấy…

Nhà thể thao Bùi Lương tâm sự với tôi, ông đã xem giải chạy này là vô song. Bùi Lương nhớ lại rằng, chính ông từ Trường Huấn luyện TDTT Trung ương (Nhổn) đã trở về Hà Nội góp phần xây dựng môn điền kinh, trong đó có cả nội dung chạy sức bền, mà giải này là một phần quan trọng. Ban đầu, Gia Lâm là đơn vị tiên phong về phong trào, sau đó là Đông Anh, hai đơn vị này luôn đi đầu trong phong trào chạy của Hà Nội. Hàng loạt tên tuổi được phát hiện từ giải này, chẳng hạn Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị Soa, Nguyễn Thị Khanh, Nguyễn Văn Hỷ… và sau đó, một số tài năng đặc biệt đã xuất hiện ở đây, đó là Đặng Thị Tèo, rồi đến Nguyễn Thị Tĩnh - hai cô gái này sau đó đã trở thành những nhà thể thao xuất sắc của Việt Nam, họ là các học trò xuất sắc của lão tướng Bùi Lương. Về phần mình, tôi thật khó quên không khí của những ngày ban sơ ấy.

Hà Nội ngày đó đang cùng cả nước chiến đấu chống chiến tranh phá hoại nên vẫn có nhiều người đội mũ rơm phòng không, trong số khán giả đứng quanh Bờ Hồ để cổ vũ thi thoảng còn có dăm em học sinh đem theo mũ rơm và đeo ở sau lưng. Vậy mà người xem lớp trong lớp ngoài, trầm trồ lắm. Nét đặc biệt của cuộc thi này là có nhiều VĐV chân đất tham dự, từ lớp đầu tiên cho đến lớp kiện tướng như Nguyễn Chí Đông sau này. Hệ thống loa phóng thanh có công suất chưa lớn như bây giờ nên đa số là loa tay của ban tổ chức, song oách nhất là mấy chiếc xe mô tô thuộc đội xe dẫn đường. Ông Trần Hợp Trí chính là người đội trưởng đầu tiên của mô tô thể thao Việt Nam, tôi không quên hình ảnh ông Trí cưỡi xe MZ 350cm3 của Tiệp Khắc, từng nêu kỷ lục "bay" xa nhất, hiên ngang dẫn đầu đoàn mô tô của cuộc chạy Báo Hànộimới. Người kế nhiệm ông Trí là ông Ngọc Cảnh sau này cũng rất oai, đám thanh niên học sinh đứng xung quanh nhìn họ rất thán phục. Song xúc động hơn nữa là khi bác sỹ Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng xuất hiện, ông đã làm tất cả những người xem xung quanh phấn khích khi phất lá cờ ra lệnh xuất phát cuộc thi. BS Trần Duy Hưng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội từ năm 1955 đến năm 1977 và trong thời gian ấy ông rất quan tâm đến hoạt động thể thao, trong đó có Giải chạy Báo Hànộimới. Sau này, các ông Hoàng Văn Nghiên và Nguyễn Quốc Triệu cũng luôn quan tâm đến giải và có mặt trong tốp chạy đầu tiên làm bà con háo hức vỗ tay…

Thành phố vì hòa bình đang lớn lên và mở rộng về nhiều mặt. Cuộc thi chung kết Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 35 - 2008 là lần đầu tiên có sự hợp nhất với Giải chạy việt dã Báo Hà Tây nên có quy mô lớn với hơn 200 nghìn lượt người chạy ở cấp cơ sở và 1.200 VĐV dự VCK. Năm nay, Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn tuổi, là niềm vui vô bờ với cả nước và Giải chạy Báo Hànộimới lại đông vui hơn nữa với sự góp mặt của gần 2.000 VĐV, trong đó có gần 200 VĐV thuộc đội tuyển điền kinh các tỉnh, thành, ngành; 300 VĐV người nước ngoài; đặc biệt là sự có mặt của 11 vị đại sứ. Phải, còn gì hạnh phúc hơn khi được sóng hàng chạy quanh Bờ Hồ thân yêu vào một dịp lễ trọng đến như thế!


Thêm đoàn Bộ Công an tham dự
Một ngày trước khi diễn ra vòng chung kết Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 37 - Vì hòa bình năm 2010, danh sách các đoàn tham dự nội dung nâng cao dành cho VĐV chuyên nghiệp tiếp tục được kéo dài. Ngoài 25 đoàn đã đăng ký, thêm đoàn Bộ Công an quyết định tham dự với đầy đủ 6 VĐV (3 nam) theo quy định. Như vậy, với sự góp mặt của đoàn Bộ Công an, nội dung nâng cao đã thu hút 26 đoàn với gần 200 VĐV, đông nhất từ trước tới nay. Điều này hứa hẹn sự quyết liệt trên đường đua được đánh giá là hấp dẫn bậc nhất của giải chạy Báo Hànộimới.

Tối 1-10, tại trụ sở Báo Hànộimới, BTC đã tổ chức gặp mặt các đoàn VĐV tỉnh, thành, ngành dự Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 37 - Vì hòa bình. Tại đây, BTC đã đánh giá cao sự tham dự của các đoàn, qua đó góp phần nâng cao vị thế của giải. Nhân dịp này, BTC đã trao bằng khen cho 26 đoàn có đóng góp cho Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 37 - Vì hòa bình.

BTC giải cũng đã quyết định, tại lễ khai mạc vào sáng 3-10 sẽ trao 50 triệu đồng tặng Quỹ Vì người nghèo thành phố.


Thùy An

Ama Lâm