"Hậu trường" những người giữ bình yên cho Đại lễ
Giới trẻ - Ngày đăng : 16:07, 02/10/2010
Cảnh sát 113 thống nhất phương án bảo vệ tốt đại lễ |
Vững vàng giữa dòng xe đông đúc
Cùng với lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ), Công an 113 - Công an Thành phố (CA TP), trước những ngày Đại lễ, hình ảnh người cảnh sát giao thông (CSGT) ứng trực hàng đêm trên đường phố làm nhiệm vụ phân luồng bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và giữ vững ANTT đã nhận được sự tin yêu của nhân dân Thủ đô.
Sức ép về giao thông đã hiện quá rõ và cũng đã được hình dung trước, khi lượng người và phương tiện dồn về Thủ đô tăng đột biến. Từ sáng đến tối, nhiều tuyến đường dẫn về hồ Hoàn Kiếm, Quảng trường Ba Đình... nơi tập trung những sân khấu và đường phố được trang hoàng sáng lộng lẫy toả sức hút tự nhiên đối với dòng người và xe ùn ùn đổ về.
"Nóng" nhất vẫn là trên các chốt giao thông xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tại ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay, Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1 thông tin nhanh: “100% quân số của đơn vị đã ứng trực 24/24h. Hơn 60 học viên mới được tăng cường về đơn vị với sức trẻ của mình và niềm tự hào góp sức cho Đại lễ cũng cố gắng cùng với các cán bộ chiến sĩ của Đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo ATGT”.
CSGT căng mình phân luồng trong nhiều giờ liên tục
Theo Trung tá Nguyễn Văn Tòng, ngoài việc triển khai các phương án phân luồng, bảo đảm trật tự ATGT, công tác tuần tra xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc và nguy cơ xảy ra TNGT trong dịp Đại lễ như vi phạm về mũ bảo hiểm, dừng đỗ phương tiện sai quy định cũng được đơn vị tập trung triển khai.
Thượng tá Đào Vịnh Thắng - Phó trưởng Phòng CSGT khẳng định, hiện đơn vị đã bố trí được hàng chục điểm, chốt lưu phương tiện của người vi phạm sau giờ cao điểm mới xử lý vừa tăng tính răn đe đối với người vi phạm vừa tạo điều kiện cho CSGT có nhiều thời gian phân luồng.
Từ 5h chiều ngày 30 - 9, ngày cuối cùng chuẩn bị cho Đại lễ cho đến hôm nay, mọi nẻo đường dẫn về hồ Gươm đều trực tắc nghẹn. Ai cũng muốn đến thật gần hơn nữa để đọc từng câu chữ trên Chiếu dời đô được in với khổ lớn. Đội CSGT số 1 đã nhiều đêm không ngủ, tung hết quân số xuống đường hòa mình giữa dòng xe cộ ngược xuôi.
Cũng tại đêm cuối cùng chuẩn bị cho Đại lễ khai mạc đã xảy ra một sự cố tại ngã tư Hàng Khay – Tràng Tiền và đã được các chiến sỹ CSGT giải quyết thấu tình nhận được nhiều sự khen ngợi của nhân dân. Lúc đó, đồng hồ trên tháp Bưu điện chỉ 19h50. Cũng giống mọi con đường đổ về hồ Gươm, ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay kín đặc người. Tiếng còi xe, hú inh ỏi cùng âm thanh của động cơ tại nên sự ồn ã chưa từng thấy.
Giữa rừng âm thanh đó, tổ công tác Đội CSGT số 1 do Trung tá Bùi Đức Thắng và Đại úy Đàm Minh Trâm đang làm nhiệm vụ vẫn nhận ra tiếng khóc thút thút của một cháu bé tại góc vườn hoa đối diện Trung tâm Thương mại Tràng Tiền. Nhanh chóng, Trung tá Bùi Đức Thắng tiếp cận hiện trường và bế cháu bé đang đứng lạc giữa rừng người về chốt giao thông.
Tại đây, Trung tá Thắng và Đại úy Trâm đã thay phiên nhau người vừa điều khiển giao thông, người vừa hỏi han động viên cháu bé để có những thông tin về gia đình, địa chỉ nhà. Trong vòng tay các chú CSGT, cháu bé đã nín khóc và bình tĩnh cho biết tên là Nguyễn Ngọc Thảo, học sinh lớp 3 trường PTCS Trần Nhật Duật, đang đi chơi với bố mẹ thì bị lạc.
Có được số điện thoại của bố mẹ cháu Thảo, các chiến sĩ CSGT nhờ thông báo trên hệ thống loa công cộng ven hồ. Và sau nhiều lần gián đoạn, Trung tá Thắng đã liên lạc được với anh Nguỹen Tiến Hạnh và chị Hà Thị Tân, ở 35A Lý Thường Kiệt, là bố mẹ cháu Thảo lúc này cũng đang hớt hải tìm con trong dòng người đông đúc.
Vợ chồng anh Hạnh nhận lại cô con gái bị lạc trong đêm hội từ các chiến sỹ CSGT
Nhận lại con gái yêu từ tay các chiến sỹ CSGT, anh Hạnh, chị Tân đã xúc động giãi bày: “Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, một lần nữa chúng tôi càng thấy thêm vững tin và tự hào với những chiến sỹ CA Thủ đô. Một hành động nhỏ của các anh đã nói lên nghĩa cử cao đẹp của người Hà Nội chúng ta luôn biết quan tâm và giúp đỡ mọi người”.
Suy nghĩ này của vợ chồng anh Hạnh cũng nhận được sự đồng tình của bao người dân đang xuống đường chung vui, cảm thông và sẻ chia với những khó khăn của những chiến sỹ CA thức cho dân ngủ vì bình yên của Đại lễ.
Chuyện "ông bà Ngâu" của Cảnh sát 113
Hà Nội 23h đêm những ngày đầu tiên trọng đại của tháng 10, trời về khuya, đường phố lại trở về với sự bình yên sau những giây phút lo toan cho ngày Đại lễ. Trên chiếc xe đặc chủng của CS113 lao vun vút trên đường vẫn cảm nhận rõ được cái sức nóng của dòng người trên những nẻo đường dẫn vào Thành phố và cả những nguy cơ tiềm ẩn về mất ANTT. Chiến sỹ CS113 được Ban GĐ CATP giao những nhiệm vụ đặc biệt ứng trực sẵn sàng 24/24h trên mọi nẻo đường.
Vòng bánh của chiếc xe đặc chủng vẫn lăn nhanh trên đường Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền hướng Cửa Nam, Điện Biên Phủ... Tại Đội CS113 ở Trung Tự nhận được tín hiệu từ Trung tâm thông báo ở khu vực đê Trần Nhật Duật xuất hiện một đám thanh niên choai choai có dấu hiệu tụ tập để chuẩn bị đua xe.
Trên mỗi nẻo đường tuần tra
Sau những mã hiệu thông báo, chiếc xe CS113 lao vút trong bóng đêm. Cầm chiếc bộ đàm trên tay, Trung tá Nguyễn Văn Quang-Đội phó Đội CS113 liền thông báo cho các đơn vị như CSCĐ, CSGT ứng trực CA các phường gần đó để phối hợp xử lý. Sau những tiếng còi hú vang, chiếc xe tiếp tục lao nhanh về điểm nóng. Lúc này, một tổ công tác của Đội CSGT số 1 đón lõng ở ngã tư Tràng Tiền-Đinh Tiên Hoàng phối hợp với CS113 nhanh chóng giải tán đám đông.
Ngồi trên cabin điều khiển ô tô, Thiếu úy Trương Tuấn Anh vững tay lái cười đùa với cánh phóng viên rằng mấy ngày này thời tiết nắng quá nên thích trực đêm hơn ban ngày. Qua câu chuyện mới biết, Tuấn Anh đã có hơn 48 giờ liên tục vần vô lăng, giữ vững ANTT trên khắp địa bàn Thủ đô.
Từ nay đến hết Đại lễ sẽ còn hơn 200h đồng hồ nữa để những chiến sĩ như anh tiếp tục chặng đường tuần tra, bất kể đêm ngày vì bình yên của Thủ đô. Chặng đường đó luôn là sự thử thách sự dẻo dai và tinh thần quả cảm của các chiến sỹ CS113 như Thiếu úy Trường Tuấn Anh. Nhưng khi được hỏi về những vất vả, Thiếu úy Tuấn Anh chỉ cười dẫn dắt ngay về câu chuyện“Ông Ngâu bà Ngâu” của CS113 – CATP.
Tiếp lời của người thuộc cấp trẻ, Trung tá Nguyễn Văn Quang giải thích, cả Phòng CS113 - CATP đã gọi vợ chồng Thượng úy Đỗ Hải Hà là “Ông bà Ngâu” thời hiện đại bởi tình yêu cảm động của họ. Mới đó cách vài giờ đồng hồ khi TP bắt đầu lên đèn, được đơn vị tạo điều kiện về thu xếp công việc gia đình, Thượng úy Hà mới tranh thủ tạt về nhà nói lời tạm chia tay vợ là Trung úy Trần Thị Ngọc Loan, công tác tại Đội QLHC – CA huyện Từ Liêm cũng cũng lên đường chuẩn bị trực chiến tại đơn vị phục vụ công việc bảo vệ an toàn cho Đại lễ. Cháu Đỗ Hà My mới 3 tuổi luôn phải gửi ông bà hai bên nội, ngoại để bố mẹ yên tâm công tác.
Nhiệm vụ nào cũng cam go, vất vả
Nhiệm vụ của người chiến sỹ CS113 vất vả trên từng km đường phố của Thượng úy Hà cũng gian nan không kém với việc rà soát từng đối tượng nhập cư trên địa bàn huyện Từ Liêm của Trung úy Ngọc Loan. Thương vợ, nên thỉnh thoảng trên chặng đường tuần tra, Thượng úy Hà lại gọi điện động viên, chia sẻ với vợ
Thượng úy Đỗ Hải Hà tâm sự: “Hai vợ chồng yêu nhau khi còn là sinh viên khoác áo chiến sỹ CA nên luôn cảm thông và hiểu nhau. Khi xa nhau thế này mới thấy giá trị tinh thần để động viên nhau thật ý nghĩa. Em dành tặng cô ấy lời hát Họ tạm xa/từng ngày qua… trong bài hát mà cả hai đứa đều yêu thích để động viên nhau lức này!”
Những chuyện cảm động như “ông ngâu, bà ngâu” của Thượng úy Đỗ Xuân Hà ở trong các đơn vị CATP không phải là duy nhất. Nhưng cháy bỏng hơn cả ở mỗi chiến sỹ CA Hà Nội bên cạnh trách nhiệm, niềm tin ở họ còn có một tình yêu cháy bỏng với Hà Nội bằng hành động sẵn sàng hiến dâng sức trẻ cho Thủ đô, cho bình yên trên mỗi nẻo đường.