Cận kề cuộc chiến tiền tệ

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:26, 02/10/2010

(HNM) - Không khó khăn, Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua dự luật mở đường cho việc áp đặt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc với số phiếu áp đảo 348 phiếu thuận và 79 phiếu chống, trả đũa hành động được cho là cố tình duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) thấp dưới giá trị thực.

(HNM) - Không khó khăn, Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua dự luật mở đường cho việc áp đặt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc với số phiếu áp đảo 348 phiếu thuận và 79 phiếu chống, trả đũa hành động được cho là cố tình duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) thấp dưới giá trị thực.

Dự luật "Luật cải cách tiền tệ vì thương mại công bằng" (HR 2378) là cú "phản pháo" mạnh mẽ nhất từ Washington trong nhiều năm qua liên quan đến vấn đề tỷ giá "đồng bạc hồng", từng nhiều phen khuấy động mối quan hệ đầy sóng gió Mỹ - Trung.

Để được Tổng thống Barack Obama ký ban hành luật, văn bản này cần phải thuyết phục các Thượng nghị sĩ Mỹ trong những ngày tới cùng đồng thuận trong chiến lược ứng xử với Trung Quốc về thương mại. Tuy nhiên, với những diễn biến dồn dập vừa đạt được, các nhà lập pháp Mỹ đã tiến thêm một bước trong lộ trình gây sức ép với đối tác thương mại lớn thứ hai của mình phải xem xét điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ đang bị xem là rẻ hơn thực tế từ 25 đến 40%.

Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo thời kỳ hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tiền tệ gây nhức nhối có thể sắp kết thúc. Thay vì tiếp tục theo đuổi chiến thuật vận động hậu trường để kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh chính sách neo tỷ giá thông qua các cuộc đối thoại cấp cao như từng thực hiện trong quá khứ, các nhà lập pháp Mỹ đã công khai chỉ trích Trung Quốc và muốn sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết vấn đề này.

Không hề tỏ ra nhượng bộ, Bắc Kinh lập tức lên tiếng phản đối gay gắt dự luật sẽ khiến hàng hóa từ "công xưởng thế giới" trở nên đắt đỏ tại Mỹ và cho rằng, bước đi này đe dọa hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng kinh tế.

Căng thẳng leo thang quanh đồng NDT cho thấy cuộc xung đột tỷ giá Mỹ - Trung đã phát đi tín hiệu về một cuộc chiến thương mại mang tầm cỡ thế giới đang ngày càng hiển hiện. Cuộc xung đột cho thấy có thể sự khốc liệt do tầm ảnh hưởng của hai nền kinh tế lớn sẽ kéo theo chiến tranh mậu dịch với làn sóng bảo hộ nhằm trả đũa lẫn nhau. Tuy nhiên, chẳng cần chờ một đạo luật khơi mào cho cuộc đụng độ kinh tế toàn diện, trong lúc này, Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng "ăn miếng trả miếng" bằng các vụ áp thuế lên những mặt hàng riêng lẻ, từ chân gà nhập khẩu từ Mỹ, ống đồng, ống thép không dây của Trung Quốc đến việc kiện nhau lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Các vụ va chạm thương mại đang trở nên thường xuyên hơn giữa hai nước thời gian qua là chỉ báo phản ánh thực trạng bất đồng về tỷ giá triền miên giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới đỉnh điểm và sự kiên nhẫn của Washington đã dần cạn khi cho rằng mỗi tuần nước Mỹ bị thiệt hại tới gần 5 tỷ USD do tỷ giá thấp của đồng NDT.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng đây không phải là lần đầu tiên Washington và Bắc Kinh đứng trước bờ vực của chiến tranh tiền tệ và cũng có thể chưa phải là lần cuối cùng hai cường quốc đối diện với những xung đột kiểu này. Nhất là vào những năm gần đây khi thực lực kinh tế của Trung Quốc tăng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao đã đưa nước này vượt qua nhiều trụ cột kinh tế và tiến sát Mỹ. Giới phân tích tài chính quốc tế cho rằng "khoảng cách gần" về kinh tế mà Trung Quốc có được với Hoa Kỳ là nguyên nhân khiến sự cọ xát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên quyết liệt khi tiềm lực kinh tế thường song hành với vai trò chính trị. Nhu cầu kiềm chế đối phương như từng thấy trong lịch sử thường nổi lên như một yếu tố tự thân của lợi ích quốc gia.

"Mỹ không chấp nhận vị trí số hai", tuyên bố của Tổng thống B.Obama là lời khẳng định của ý chí Mỹ trước đồn đoán về khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030. Thế nhưng, để đạt được kỳ vọng này, Bắc Kinh còn nhiều việc phải làm khi trên thực tế, dù được xem là nền kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển và có GDP tính trên đầu người ở mức thấp. Bài học từ Nhật Bản quyết định nâng giá đồng yen từ 240 yen lên 160 yen ăn 1 đô la trong vòng hai năm từ cuối những năm 1980 dưới áp lực từ Mỹ đã đẩy nền kinh tế rơi vào trì trệ và kéo dài tới tận ngày nay hẳn đã được Trung Quốc nhận ra để tránh đi vào vết xe đổ. Đột ngột tăng tỷ giá sẽ không tránh khỏi gây nhiều phiền phức cho cấu trúc kinh tế; đồng thời ảnh hưởng mạnh tới tương lai xuất khẩu của một quốc gia đang phát triển như Trung Quốc.

Cuộc chiến tỷ giá Mỹ - Trung sẽ đi đến đâu? Câu trả lời không chỉ đang nằm trong tay Thượng viện Mỹ và Tổng thống B.Obama mà còn là sự lựa chọn từ người khổng lồ Trung Quốc.

Vân Khanh