Làng lúa, làng hoa
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 02/10/2010
Vùng đất cổ nở hoa
Vào dịp Thủ đô 1000 tuổi, chúng tôi tìm đến gia đình anh Ngô Văn Xuân, chị Nguyễn Thị Huấn, khu 10, xóm Chợ, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. 20 năm trước, gia đình anh, chị là một trong những hộ cùng với anh Nguyễn Văn Lợi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đã đặt những mầm hoa đầu tiên trên dải đất phù sa làm nên bốn mùa hoa trái tươi tốt này.
Ruộng hoa của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. |
Trong câu chuyện với chị Huấn, chúng tôi cũng cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất cổ này. Từ một vùng đất thuần nông, độc canh cây lúa, trồng rau màu xưa kia chỉ mong được mùa để đủ lương thực lúc giáp hạt, giờ đã trở thành những cánh đồng hoa bạt ngàn cung cấp hoa cho cả nước. Những cánh đồng hoa chẳng những làm đẹp thêm cho xóm làng mà còn giúp người dân nơi đây giàu có lên từng ngày. Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh Tạ Quang Hưng, phấn khởi cho hay, cả xã có 2.700 hộ thì nhà nào cũng trồng hoa, hộ ít trồng 1-2 sào, nhiều một vài hécta. Nhiều giống hoa như: Hồng Đà Lạt, Pháp, Italia, Hà Lan... được người dân đưa vào trồng nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có những thửa ruộng trồng hoa cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha, cao gấp 10-15 lần so với cấy lúa. Với những hộ mạnh dạn lên tận các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu mở rộng thêm diện tích, vừa trồng hoa, vừa nhân giống và xuất khẩu trực tiếp, trừ chi phí đã cho thu nhập từ 100- 500 triệu đồng/ha/năm.
Bên lúa, bên hoa
Bên cạnh những cánh đồng rộng lớn hoa thơm ngát bốn mùa, xã Mê Linh còn được nhiều người biết đến với phong trào sản xuất lúa giống. Đây là hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa thương phẩm, mặc dù diện tích đất trồng lúa chỉ 120ha, nhưng Mê Linh đã mạnh dạn đưa nhiều bộ giống lúa mới như: Bắc Ưu 64, Bắc Ưu 903 và bồi tạp Thanh Xuân... vào sản xuất. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Liễn Trì Tăng Văn Thanh cho biết, sau 10 năm sản xuất lúa giống, đến bây giờ việc áp dụng các biện pháp thâm canh, chăm bón, nhất là khâu thụ phấn, phun thuốc trừ sâu đều tuân thủ theo trình tự nghiêm ngặt đã được người dân địa phương thực hiện thành thục. Theo Chủ nhiệm Tăng Văn Thanh, cái được của bà con xã viên, ngoài nâng cao thu nhập, còn có điều kiện làm quen với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng. Nhiều người lần đầu tiên biết đến các từ "lúa bố", "lúa mẹ", thì nay với lòng say mê, nhiệt huyết, họ như những nhà khoa học trên đồng ruộng.
Nói về những bước chuyển trong phát triển kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tạ Quang Hưng cho biết, xã Mê Linh luôn xác định kinh tế nông nghiệp và mũi nhọn. Ngoài phát triển nghề trồng hoa, cây ăn trái, chăn nuôi... trong đó cây lúa vẫn là cây trồng chủ yếu. Để đẩy mạnh sản xuất lương thực, cùng với chính sách khuyến nông hợp lý, xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, hoàn thiện hệ thống thủy lợi chống úng, chống hạn... đồng thời khuyến khích người dân địa phương chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, ngày công lao động, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà nông. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng kích lệ. Giá trị thu nhập sản xuất từ nông nghiệp của cả xã năm 2010 ước đạt 48,63 tỷ đồng (tính bình quân thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm). Các lĩnh vực khác như: văn hóa, giáo dục, y tế... có nhiều tiến bộ.
Chia tay Mê Linh, chúng tôi chợt nhớ bài hát "Làng lúa, làng hoa" của nhạc sỹ Ngọc Khuê, phải chăng cánh đồng làng ven đê, hoa lúa bốn mùa ngào ngạt này cũng đang đơm hoa từ lòng đất, rộn ràng những mùa xuân.