Rộn rã ngoại thành

Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 02/10/2010

(HNM) - Hôm qua 1-10, các huyện ngoại thành Hà Nội tưng bừng mở hội mừng 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hoành tráng phần lễ, tưng bừng phần hội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia... tất cả đang góp sức tổ chức thành công của Đại lễ.

Tại huyện Mê Linh, từ mờ sáng, mọi nẻo đường đến Đền Hai Bà Trưng, Đồi 79 mùa xuân - biểu tượng tinh thần, niềm tự hào của đất Mê Linh anh hùng rợp sắc đỏ của cờ hoa, biểu ngữ. Dòng người náo nức đổ về khu vực trung tâm dự lễ diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong tiếng trống hội giục giã, hình ảnh vua Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng và Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân nghênh rước, theo sau là hơn 2.000 người, đại diện các khối công, nông, binh, tượng trưng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Màn diễu hành đã diễn ra hoành tráng với sự tham gia của 35 đoàn và 3 phần: Mê Linh truyền thống anh hùng, Mê Linh hội nhập và phát triển và Mê Linh hướng tới tương lai, khái quát quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của huyện Mê Linh hôm nay.

Màn hát múa “Đất nước hùng thiêng” tại Lễ hội văn hóa huyện Mê Linh.  Ảnh: Lê Hoàn

Đúng 8 giờ 30, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường thỉnh chuông, trống kính cáo đất trời, thần phật và anh linh các bậc tiên vương, các anh hùng liệt sỹ, những người có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chính thức khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Chương trình được khép lại bằng màn ca múa nhạc tái hiện lịch sử dựng xây Kinh thành Thăng Long để có một Hà Nội như hôm nay mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Cụ Lê Văn Lãng, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Văn Khê xúc động nói: "Sung sướng biết bao khi được chứng kiến thời khắc linh thiêng - Thủ đô yêu dấu của chúng ta tròn một nghìn năm tuổi. Gần 90 tuổi đời, kinh qua hai cuộc kháng chiến, tôi như được sống lại niềm vui của ngày chiến thắng". Em Nguyễn Thị Huyền Trang, học sinh lớp 9B, Trường THCS Mê Linh cho biết: "Em tự hào vì được sinh ra trong hòa bình, được chứng kiến thời khắc 1000 năm có một. Trong ngày hội của toàn dân tộc, em thấy có trách nhiệm phải học tập thật tốt để ngày mai giúp ích cho quê hương". Ngay sau lễ khai mạc, một chuỗi hoạt động, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể thao, gắn biển các công trình... được tổ chức đến hết ngày 10-10 tại 18 xã, thị trấn của huyện. Trước đó, các xã, thị trấn đều chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tổng vệ sinh môi trường... thiết thực chào mừng Đại lễ.

Không khí chào mừng Đại lễ cũng tràn ngập trên khắp nẻo đường của huyện Thạch Thất. Khắp các làng quê lung linh sắc thắm, lòng người chộn rộn niềm vui. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân Lê Thị Sáng cho biết, từ nhiều ngày nay Ban chấp hành hội tất bật lo tổ chức văn nghệ cho chị em chào mừng Đại lễ. Chị em còn động viên nhau tổng vệ sinh, làm sạch đẹp đường sá, giúp đỡ các hội viên nghèo phát triển kinh tế, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách... Bận rộn, nhưng vui, ai cũng làm hết sức mình. "Từ ngày về với Hà Nội, nhờ sự quan tâm của TP, đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Mường ngày càng được cải thiện. Dịp này, các gia đình chính sách, hộ nghèo còn nhận được quà. Nhân dân tin tưởng và biết ơn Đảng, chính quyền nhiều lắm" - chị Sáng chia sẻ.

Tại xã Cao Dương (Thanh Oai), cờ đỏ sao vàng, panô, áp phích khẩu hiệu chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được treo khắp các trục đường. Cụ Nguyễn Văn Khoa, 86 tuổi, hồ hởi: Cả xã nô nức hướng về Đại lễ với nhiều việc làm có ý nghĩa, không ít hộ gia đình đã hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí lớn cho công tác khuyến học, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây mới, nâng cấp khang trang. Vui nhất là đoàn múa rồng của xã với 100 người đã rước rồng dài 100m từ xã về thị trấn Kim Bài biểu diễn. Đoàn rước rồng đi đến đâu, không khí Đại lễ ở Thanh Oai bừng lên tới đó".

Tại huyện Thường Tín, tham gia lễ hội có trên 600 người là hội viên người cao tuổi, hội viên trong CLB Nhà văn hóa, các em học sinh... với những tiết mục đấu võ cổ truyền, múa rồng, lân thể hiện hào khí đất Kinh kỳ Thăng Long. Xuyên suốt 10 ngày Đại lễ, UBND huyện đều có những chương trình hoạt động riêng cho từng ngày như: Tham gia Giải chạy Báo Hànộimới; tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long bằng xe lưu động; gắn biển công trình kỷ niệm; tổ chức giao lưu văn nghệ với các tỉnh.

Dịp này, tại các huyện đã có nhiều công trình xây dựng được mang tên công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, huyện đã xây dựng 4 công trình trọng điểm, trị giá hơn 22 tỷ đồng nhằm nâng cao đời sống dân sinh. Ngoài ra, các xã đều chỉnh trang trụ sở làm việc, khu vực công cộng, tạo cho nông thôn một diện mạo mới, xanh - sạch - đẹp. Huyện Sóc Sơn cũng vừa xây dựng, đưa vào sử dụng 7 trường học và triển khai nhiều dự án quan trọng thúc đẩy kinh tế huyện phát triển, trong đó, Trung tâm Dạy nghề của huyện Sóc Sơn được khánh thành và gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với đủ phòng học, phòng thực hành hiện đại, công trình sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo ghi nhận của PV Hànộimới, hiện các huyện ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai… đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa mùa, tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống giống đậu tương đông trên đất 2 lúa. Tuy vậy, các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát động phong trào thi đua giữ gìn đường làng, ngõ - xóm - phố xanh, sạch, trang hoàng đẹp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lê Hương và nhóm PV NN-NT