Xem xét công tác quản lý tài chính và phòng, chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 01/10/2010
Liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả tiết kiệm chi phí kinh doanh và vốn đầu tư theo số liệu báo cáo năm 2010 của 11 tập đoàn, tổng công ty là hơn 2.349 tỷ đồng. Để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DN 100% vốn nhà nước, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo tăng cường thực hiện chức năng giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với DN có vốn nhà nước. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư vốn của các DN 100% vốn nhà nước, DN nhà nước giữ quyền chi phối, đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản.
Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH khẳng định "vẫn còn nhiều lãng phí".
Cùng ngày, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo UBTVQH công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, chống tham nhũng. Kết quả cho thấy, từ đầu năm đến nay, các cơ quan điều tra đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng; VKSND các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can… Khá nhiều bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao dự toán vượt định mức, chi tiêu vượt dự toán, sử dụng sai nguồn kinh phí, vượt tiêu chuẩn, chế độ quy định. Cụ thể, 9 tháng qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán trên 160 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi. Ngành tài chính đã xử lý vi phạm tài chính trên 1.626 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm 4.796 tỷ đồng, 21.746ha đất các loại…