Giữ nghề tò he Xuân La

Xã hội - Ngày đăng : 06:05, 01/10/2010

(HNM) - Chúng tôi về thăm Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Chưa khang trang như nhiều làng quê khác của thời đô thị hóa, nhưng người Xuân La chung thủy với nghề, vẫn cố gắng giữ gìn sự tinh túy trong mỗi món đồ chơi bé nhỏ.

Qua bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, những người thợ ở đây đã nặn từ bột gạo thành những nhân vật cổ tích, nhân vật hoạt hình, vật nuôi… được trẻ em ưa thích.

Gìn giữ tinh túy của nghề

Những sản phẩm độc đáo của làng Xuân La được nặn từ bột gạo nhuộm màu đang góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nghệ nhân Đặng Văn Hạ (82 tuổi) vừa say sưa bày cho khách cách làm tò he, vừa trò chuyện về nghề. Ông cho biết, công phu nhất là làm bột, bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ theo tỷ lệ 1/10 nghiền nhỏ dẻo, trắng, tròn và mịn đến độ không dính tay. Nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quện vào nhau, vê thành cục. Nước đun sôi cho bột vào nồi đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội và nhuộm màu. Màu sắc đều được chế từ cây nhà lá vườn như rau ngót tạo màu xanh, quả gấc tạo màu đỏ, củ nghệ làm màu vàng, nghệ đen cho màu tím...

Nặn Tò he. Ảnh: Nguyệt Ánh

Người Xuân La hành nghề ở khắp nơi, nhất là dịp hội làng, đình đám. Tò he trở thành đồ chơi yêu thích của bao thế hệ trẻ thơ từ Bắc vào Nam. Qua bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, chỉ trong phút chốc, người thợ đã nặn từ bột thành những vị anh hùng, nhân vật cổ tích, những bông lúa vàng óng ngày mùa, con cá chép cong mình vượt vũ môn, chú trâu thong dong gặm cỏ, rồi Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Quan Công, Lưu Bị, rồng, phượng, lợn, gà và cả Pikachu, Đôrêmon - nhân vật hoạt hình được trẻ em ưa thích... Những món đồ chơi dân gian ấy không chỉ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ, mà còn tạo được sức hấp dẫn rất riêng với du khách quốc tế.

Tuy nhiên, giờ đây, tò he đang phải chống chọi với sự lấn át của đồ chơi nhập ngoại. Anh Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ nhân tò he Xuân La - một thợ nặn tò he, mới ngoài 30 tuổi nhưng tay nghề đã nổi khắp làng, chia sẻ: Vì thường ngồi ở công viên, sở thú… nơi tập trung nhiều khách hàng "nhí" để hành nghề, người nặn tò he bị đánh đồng với người bán hàng rong. Cuộc mưu sinh của dân làng trở nên khó khăn. Không có địa điểm làm nghề, nặn tại nhà thì chẳng biết bán cho ai. Cứ thế, nhiều người thợ dần bỏ nghề. Từ nghề truyền thống, nhiều người đã kiếm sống bằng nghề làm tượng thờ, làm tranh khảm giấy. Số người làm tranh lên tới gần 3.000 người, gấp 15 lần số người còn tồn tại với nghề cũ.

Trước nguy cơ nghề truyền thống bị mai một, tháng 5-2009 làng đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ nhân tò he Xuân La hiện đang thành lập chi hội di sản văn hóa làng nghề truyền thống nhằm duy trì và phát triển nghề. Với ước nguyện được đóng góp những sản phẩm thiết thực của làng vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những người thợ ở đây đang rất háo hức thực hiện ý tưởng nặn 3 sản phẩm: con rồng thời Lý (cao khoảng 1m, dài 3m, hết khoảng 200kg bột), con rùa cõng cúp kỷ lục Ghiness khoảng 30kg bột và mâm ngũ quả lớn nặn từ 70kg bột. Đây sẽ là cơ hội để Xuân La quảng bá thương hiệu làng nghề truyền thống của mình với nhân dân Thủ đô và du khách gần xa.

Tìm hướng đi mới cho tò he…

Làng Xuân La đã từng đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về nghề. Trong đó có không ít người đặt vấn đề đưa tò he ra nước ngoài. Nhưng tiếc là sản phẩm làm ra, không giữ được lâu nên chưa thực hiện được... Để khắc phục nhược điểm này, người thợ Xuân La không ngừng thử nghiệm, tìm kiếm những chất liệu mới nhưng chưa thành công. Mong muốn lớn nhất của họ là được sự giúp đỡ của chính quyền, cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, tìm ra biện pháp giúp sản phẩm vừa đẹp, vừa bền. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội, Sở Công thương cùng các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ như tạo địa điểm tại các khu vui chơi, điểm du lịch… để các nghệ nhân được biểu diễn tay nghề, giới thiệu sản phẩm, giúp làng nghề phát triển.

UBND xã Phượng Dực đã coi tò he Xuân La là một điểm nhấn để xã bắt tay vào xây dựng quy hoạch du lịch và dịch vụ làng nghề. Hiện nay, một số cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, chợ đang được đầu tư nâng cấp. Đây sẽ là cơ hội để những giá trị văn hóa truyền thống qua bàn tay người thợ tài hoa Xuân La ngày càng được khẳng định và tôn vinh. Hy vọng Xuân La sẽ trở thành điểm trong chuỗi điểm du lịch làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội.

Thanh Hiền