Người níu giữ hồn xưa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:57, 30/09/2010

(HNM) - Thoạt nhìn thì Nguyễn Trọng Thành cũng xứng với cái tên Thành "đất", bởi vóc dáng chắc khỏe, nước da đậm màu nắng gió. Đã chứng kiến Thành "đất" trần mình, dồn hết tâm sức vào việc tạo dáng cây, càng thấy anh có chất "lão nông tri điền".

1. Tôi đến nhà Thành, cũng là nơi vườn sinh vật cảnh "Thành Công Kỳ Viên" tọa lạc (ở số 41 phố Yên Duyên, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), vào một buổi sáng trung tuần tháng 9, trước hôm anh khai mạc triển lãm. Đó là triển lãm sinh vật cảnh cá nhân duy nhất ở Hà Nội được tổ chức để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. "Thành Công Kỳ Viên" ghép từ tên Thành và con trai lớn của anh đang du học nước ngoài. Anh đặt tên vườn như thế, mong muốn sau này cu cậu nối nghiệp cha mà gìn giữ, phát huy giá trị khu vườn.

Nguyễn Trọng Thành với tác phẩm “Hồn quê”...

Thành sinh năm 1964, cầm tinh Rồng, mệnh Hỏa, sinh ra và lớn lên tại quê hương Yên Sở, vựa cá nổi tiếng của Hà Nội. Bố anh là nhà giáo, anh chị em đều là cán bộ, viên chức nhà nước. Nhà có 4 anh em trai đều đã tham gia quân ngũ cả. Thành từng là lính đặc công, 4 năm bảo vệ biên giới tại Cao Bằng. Năm 1988 anh ra quân, về một cơ quan thuộc quận Hai Bà Trưng công tác từ đó đến giờ. Vốn năng động, nên từ những năm 90 của thế kỷ trước anh đã "đá đấm" sang lĩnh vực bất động sản. Chả biết "đại gia" tới cỡ nào nhưng từ đó bạn bè đã gắn cho cái tên Thành "đất".

2. Thích cây cảnh, tập tọe trồng vạn tuế, trân châu từ bé, nhưng phải đến năm 1995, Thành mới thực sự đến với nghiệp chơi cây. Quãng đầu đường Trần Khát Chân lúc ấy (mới mở đường) có ngôi nhà mặt tiền, người ta đã di chuyển cả một vườn cây cảnh từ khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đó. Thỉnh thoảng Thành lại tạt vào ngắm nghía. Được chủ nhân - giới chơi cây gọi là Hùng "Cá" - giảng giải đôi chút, Thành mới vỡ lẽ rằng, nghệ thuật chơi cây không chỉ vì vẻ đẹp của cây, mà còn vì những triết lý nhân văn sâu sắc, những ước vọng cao đẹp của con người thể hiện qua cái cây. "Cảnh dĩ tải đạo" là thế. Sau đó Thành mua của Hùng "Cá" mấy cây dạng phôi, có cả một cây sanh khoảng 70-80 tuổi, giá 2,5 triệu đồng. Ngày ấy chưa có nhiều người chơi cây cảnh (ăn còn chả đủ, nói gì chơi) nên có người bảo Thành "ném tiền qua cửa sổ". Năm 1998, Thành bỏ ra 100 triệu đồng - số tiền có thể tậu được một miếng đất đẹp lúc ấy - mua 1 cây sanh, 2 cây du của ông Hòa Bảo Hưng (em ông chủ tiệm may Bảo Hưng nổi tiếng ở phố Bạch Mai). Từ đó, kiếm được đồng nào Thành lại dốc vào cây. Thấy đẹp là mua, mua đủ chủng loại chứ không chuyên loại nào. Giờ thỉnh thoảng nghĩ lại thấy tiếc, "giá như mua toàn cây sanh thì đã to tiền". Nhưng mấy ai học hết chữ ngờ, và nếu không thế thì làm sao có được cái vườn phong phú, với hơn 200 cây cảnh nghệ thuật thuộc trên 40 chủng loại, như bây giờ?

Nghề chơi vốn lắm công phu. Thành bảo, biết chơi sinh vật cảnh phần lớn nhờ đọc sách và học lỏm. Lúc đầu chỉ chú tâm vào kỹ thuật tạo dáng, với những "ngón" cắt - chuyền - chuyển - giật, giật "vó nai"… chứ chưa để ý đến kỹ thuật nông nghiệp. Sự ấu trĩ khiến anh phải trả giá, chết mất vài cây quý. Từ đó Thành nghiên cứu sâu về kỹ thuật trồng trọt, tìm hiểu cách luyện đất, tỷ lệ trộn giá thể (xỉ than, xơ dừa, phân ủ mục…) thích hợp để bảo đảm độ tơi xốp; cắt tỉa mùa nào thì hợp, tiết nào tốt cho việc đánh trồng hoặc thay đất đối với nhóm cây có mủ (sanh, si, đa, đề…), với loại lá kim (tùng, phi lao…), hay lá nhỏ như nguyệt quế, du… Nghe giọng nói say sưa, mắt ánh lên niềm đam mê, có cảm giác như nghệ thuật cây cảnh đã ngấm vào máu Thành, dù so thâm niên với các tên tuổi trong "làng" cây cảnh anh chỉ là kẻ "mới vào nghề".

Tác phẩm “Huynh đệ tương cổ”.

3. Mấy ai biết được rằng, để có một "Thành Công Kỳ Viên" như ngày nay với nhiều cây "khủng" (cả về giá trị nghệ thuật lẫn vật chất), Thành đã phải kỳ công, lao tâm khổ tứ đến thế nào... Dường như mỗi cây đều gắn với một "sự tích" nào đấy. Hồi năm 2004, đang đi Nam Định cùng bạn bè, chợt Thành đòi dừng xe rồi hỏi mua cây sanh đang được một người chở đằng sau xe máy. Người kia bảo: "Tôi vừa mua với giá 3,8 triệu đồng, đang chở về Thái Bình. Ông thích cộng bao nhiêu thì tùy". Thành trả 4 triệu đồng, sau nâng lên 4,3 triệu mới mua được. Tối đó mang cây về, nhìn nó trụi lá, nom như khúc củi tươi, không ít người tỏ ý nghi ngại. Vậy mà ngay sau đó một "dân chơi" có nghề đã gạ mua với giá 40 triệu đồng, song Thành từ chối, 2 tháng sau ông ta lại đến và trả giá 60 triệu, Thành vẫn lắc, vì anh cho rằng trong tương lai nó sẽ là một cái cây rất giá trị. Có người bảo: "Thành "đất" bị điên hay sao mà giá đấy còn không bán?". Thế rồi, sau mấy năm tạo tác, "khúc củi tươi" đã giành Huy chương vàng tại triển lãm do Hội Sinh vật cảnh Hà Nội tổ chức dịp 10-10-2008 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau triển lãm, có người sẵn sàng trả hơn 2 tỷ đồng để được sở hữu cây, nhưng Thành từ chối vì "cây này không phải để bán". Bây giờ, nhìn tác phẩm "Hồn quê" tạo tác cực kỳ công phu, với cổ thụ tỏa bóng xuống mái đình, bến nước, con đò… gợi hình ảnh quê hương bình dị trong tâm hồn mỗi con người, mới hay rằng nghệ thuật chơi cây cảnh không chỉ cần kỹ thuật, mà còn đòi hỏi mắt thẩm mỹ, tầm nhìn xa, trí tưởng tượng và óc sáng tạo… Và Thành "đất' là mẫu người như vậy.

Một chuyện "điên" tương tự: Năm 2006, nghe tin mạn cầu Mai Lĩnh (Hà Đông) có người nhập về một cây tùng la hán "đẹp như trong cổ tích", Thành bèn tìm đến. Đứng trước cổ thụ sừng sững, tuổi đời phải đến vài trăm năm, vỏ bong tróc hết, vè bạnh gân guốc, rêu mốc… anh sởn cả gai ốc, tự nhủ phải mua bằng được. Ông chủ nhất quyết không bán, phải đi lại năm lần bảy lượt, nói chuyện "tình cảm" ông mới chịu nhượng lại. Có điều, để được sở hữu "cụ" tùng này Thành đã phải bán ngôi nhà ở phố Lò Đúc để lấy tiền mua cây! Lúc mới mang về, đã có người đánh tiếng hỏi mua, lãi trên bạc tỷ nhưng Thành không bán. Giờ thì… Giới chơi cây nhiều người đã đánh giá tác phẩm "Thanh tùng ngạo tuyết" (Tùng xanh khinh tuyết) của Thành hiện là "một trong những cây tùng la hán đẹp nhất Việt Nam", còn giá trị thì quả thực là... vô giá!

Một "quái thụ" nữa là cây sanh cổ hàng trăm tuổi, thực ra là hai cây cổ thụ xoắn xuýt, cuốn bện, "bắc kèo, bắc cột" sang nhau, Thành mua gần chục năm trước. Hồi ấy, nghe tin ở Phủ Lý có cây sanh cao tới 2,7m, ngang rộng 1m nhưng lại trồng lâu năm trong chậu, anh liền đến hỏi mua. Người chủ bảo đã bán cho một họa sỹ với giá hơn 50 triệu đồng, nhưng người ta chưa đến lấy. Thời điểm ấy hiếm người chơi cây to, phần lớn chơi bonsai, nhưng Thành quyết tâm mua, vì nghĩ rằng "của mua là của được, sẽ không thể có cái cây thứ hai như thế". Phải đi lại 4-5 lần, mỗi lần trả thêm 5 triệu, cuối cùng cũng mua được với giá 75 triệu đồng. Sau nhiều năm kỳ công chăm sóc, tác phẩm "Huynh đệ tương cố" (Anh em tương trợ, đùm bọc nhau) đã được hoàn thiện, có nhiều người trả giá rất cao.

4. Mỗi lần đến "Thành Công Kỳ Viên" đều có cảm giác như lạc vào chốn đào nguyên. Lần theo tiếng nước róc rách là đến tiểu cảnh non bộ đặt ở vị trí đắc địa: trung tâm khu vườn, nổi bật giữa hệ thống cây cảnh được sắp đặt hài hòa. Một con rồng đá thiên tạo ngoảnh đầu nhìn sang khối đá hình rùa, cõng trên lưng ngọn núi hình phụ tử, thác nước chảy thẳng xuống hồ nhỏ, nơi có đàn cá tung tăng bơi lượn giữa những khóm hoa súng tím. Bao quanh quần thể núi đá là đồi tùng "Sơn hạ vân cẩm" với những ngọn thông vươn thẳng lên trời xanh. Núi đá và đồi tùng tượng trưng cho vạn cổ trường tồn, vạn cổ trường sinh, đồng thời thể hiện khí phách của người quân tử. Đá tĩnh, nước động, chim hót, cá lượn, cỏ xanh, hoa thắm… phong cảnh thật hữu tình, thể hiện chiều sâu nội tâm của chủ nhân. Để có được một tiểu cảnh hút hồn người đến và làm ngẩn ngơ người đi, Thành đã phải mất mấy năm trời tìm kiếm, loay hoay sắp đặt mấy lần mới được như ý. Giới chuyên môn đánh giá "Thành Công Kỳ Viên" hội tụ cả 4 yếu tố "mộc, thạch, ngư, cầm" (cây, đá, cá, chim), tất cả đều đạt tới sự kỳ mỹ.

Tôi mê mải ngắm tác phẩm "Chốn xưa" mà Thành mới tạo dựng để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là một cây sanh trên 100 trăm tuổi được anh "thổi hồn" thành cây đa, tỏa bóng xuống quần thể ngôi làng Hà Nội cổ ven hồ Gươm, gắn với truyền thuyết vua Lê trả gươm và bóng dáng ngôi đền thiêng nào đó trong Thăng Long Tứ Trấn. Có cảm giác như hồn cốt của nghìn xưa văn hiến đã được tái hiện và kết tụ về đây, nhờ tài hoa và tâm huyết của một người Hà Nội biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa của Thủ đô ngàn năm yêu dấu...

Đức Hải