Những mục tiêu, nhiều kỳ vọng
Giáo dục - Ngày đăng : 06:52, 30/09/2010
Thiếu trường, lớp cho trẻ
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP có 827 trường MN và 10.900 nhóm, lớp, thu hút gần 334.000 trẻ đến trường, tăng hơn so với năm học 2008-2009 gần 18.000 trẻ. So với cùng kỳ năm học trước, quy mô của giáo dục MN đã tăng hơn 37 trường và 329 nhóm, lớp, song cũng mới chỉ đáp ứng chỗ học cho 26% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 86,3% số trẻ mẫu giáo và 99% số trẻ 5 tuổi.
Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Cổ Loa (huyện Đông Anh). Ảnh: Trung Kiên |
Như vậy là còn tới 74% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 13% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo chưa được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở giáo dục MN. Ở khu vực nội thành có 6 phường chưa có trường MN công lập. Riêng ở quận Hoàng Mai, dân số ngày mới thành lập quận là 17 vạn người, nay tăng lên 30 vạn, nhưng số trường MN vẫn không thay đổi. Còn ở địa bàn mở rộng còn hơn 2.000 phòng học cấp 4, gần 2.000 phòng học tạm, học nhờ… Nhiều trường MN nông thôn còn nhiều điểm lẻ, trung bình mỗi trường có từ 3-4 điểm, cá biệt có nơi 9-10 điểm. Theo thống kê toàn TP, hiện còn tới gần 70% số điểm trường trong tổng số gần 1.700 điểm trường chưa đủ các điều kiện chăm nuôi và giáo dục trẻ MN.
Số trường, lớp dù tăng song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi con ngày càng cao của phụ huynh, điều ấy khiến cho các trường, lớp MN vài năm gần đây càng trở nên quá tải, tình trạng mỗi lớp có từ 50 đến 60 trẻ, thậm chí 70 trẻ đã thành phổ biến. Theo tính toán của Sở GD-ĐT, để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trong thời điểm hiện nay, Hà Nội còn thiếu khoảng 70 nghìn mét vông đất để xây trường MN. Còn theo Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, từ nay tới năm 2020, trong số 669 trường học cần xây dựng cho HS các cấp học thì cấp học MN cần xây thêm 403 trường, chiếm tỷ lệ 60%.
Để giải quyết bài toán thiếu chỗ học cho trẻ MN, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 86/KH-UBND với mục tiêu hết năm 2010 xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4 với kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó số phòng học cần xóa ở cấp học MN chiếm gần 50% với 2.479 phòng. Đề án phát triển giáo dục MN (kinh phí 3.042 tỷ đồng) cũng đã được HĐND TP thông qua nhằm củng cố, phát triển vững chắc hệ thống giáo dục MN với việc xây dựng ở mỗi xã, phường ít nhất từ 1 đến 2 trường MN công lập; thay thế hoàn toàn số phòng học cấp 4; gom điểm lẻ, khu trung tâm không đủ điều kiện. Riêng trong năm học 2009-2010, Hà Nội đã dành hơn 1.400 tỷ đồng để xây mới 839 phòng học, đầu tư cho 24 trường đạt chuẩn quốc gia, cải tạo và xây mới 200 công trình nước sạch, 1.700 khu vệ sinh…
Thiếu chính sách đãi ngộ
So với định mức, Hà Nội hiện còn thiếu gần 2.700 GV MN, song việc tuyển dụng không dễ bởi đặc thù công việc chăm sóc trẻ nhỏ vất vả, lương và các chế độ đãi ngộ chưa đủ sức hút trong khi thời gian làm việc mỗi ngày trung bình từ 9-10 giờ. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục MN (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Thu nhập của GV MN công lập và ngoài công lập đang có sự chênh lệch đáng kể. Dù mới xin vào làm việc tại các trường ngoài công lập song GV MN đã có thể được trả lương 2 triệu đồng/tháng/người, song nếu ở trường công lập, GV phải phấn đấu vài năm mới có thể đạt được mức lương này. Một thiệt thòi khác của GV MN là GV phổ thông được hưởng chế độ tiền thừa giờ, thì GV MN lại không có, trong khi thời gian làm việc mỗi tuần đến 40 giờ.
Không chỉ chịu chênh lệch về mức lương giữa loại hình trường công và ngoài công lập, GV MN khu vực nông thôn cũng còn một khoảng cách khá xa với các trường ở địa bàn thuận lợi. Điều này nảy sinh khi Hà Nội chuyển toàn bộ 507 trường MN bán công nông thôn ở khu vực mở rộng sang loại hình công lập. Thu nhập GV ở các trường được chuyển đổi sang công lập bị giảm đi, lý do là trường bán công được thỏa thuận mức học phí nên mức huy động đóng góp của phụ huynh có thể từ 80 đến 100 nghìn đồng/tháng/HS, nhưng khi chuyển sang công lập thì phải thu theo quy định của TP với mức thu ở khu vực ngoại thành là 15 nghìn đồng/tháng/HS (với HS có cha mẹ làm nông nghiệp), khu vực thành thị là 50 nghìn đồng/HS/tháng. Nguồn thu từ học phí giảm đi khiến thu nhập của GV cũng giảm theo. Theo lộ trình, từ nay tới năm 2015, tất cả số GV này sẽ được xem xét vào biên chế, trong đó ưu tiên thực hiện trước cho số GV dạy trẻ 5 tuổi, sau đó tới GV dạy trẻ 4 tuổi, 3 tuổi… Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, những giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ MN và thu hút GV gắn bó với nghề của các ban, ngành TP có lẽ chưa thể đem lại ngay hiệu quả rõ rệt, song lộ trình của chính sách và quy định trên đã khẳng định sự quan tâm thiết thực cho cấp học đầu đời của trẻ em ở Thủ đô.