Công bố những phát hiện mới nhất về khảo cổ học năm 2010
Văn hóa - Ngày đăng : 18:00, 29/09/2010
(Ảnh minh họa)
(HNMO)- Ngày 29/9, Viện khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức hội nghị thông báo "Những phát hiện mới về khảo sát học lần thứ 45 năm 2010", công bố những phát hiện khảo cổ học mới nhất. Trong đó những phát hiện tại Dự án khai quật, di dời và xử lý các di tích khảo cổ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được giới chuyên môn quan tâm nhiều nhất.
Theo thông báo của Viện khảo cổ học VN, hiện tại 31 di chỉ tại lòng hồ thủy điện Sơn La đã được di dời thành công. Tại các di tích này các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật giá trị, hầu hết trong giai đoạn phát triển từ thời đại đá cũ đến thời đại Kim khí phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu.
Ngoài di tích cư trú, ở đây đã xuất hiện các xưởng chế tác công cụ đá giai đoạn muộn cùng nhiều loại hình mộ táng của cư dân đá mới hoặc kim khí. Cũng trong năm qua, hai di chỉ Đình Tràng và Thành Dền- Hà Nội cũng được khai quật với quy mô lớn. Ở di chỉ Đình Tràng, xuất lộ một loạt các dấu tích lò nấu đồng cùng vết tích luyện kim, cùng nhiều mũi tên đồng, đồ trang sức....điều đó góp phần minh chứng, địa điểm này cách đây hơn 2.000 năm, từng là nơi quần tụ đông đúc của cư dân Văn hóa Đông Sơn.
"Hạt thóc 3000 năm"
Bên cạnh đó, Viện khảo cổ học Việt Nam cũng sẽ thảo luận để đưa ra những kết luận cuối cùng về “hạt thóc 3000 năm”. Hôm nay (30/9), các tiểu ban của Hội nghị sẽ tiếp tục nhóm họp và những vấn đề của “hạt thóc 3000 năm” sẽ được giải thích cặn kẽ dưới góc nhìn của khảo cổ học tại cuộc họp của tiểu ban Thời đại Kim khí. Hiện tại, theo những nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp, gene của hạt thóc này khá giống với giống lúa Khang Dân hiện đại. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung thì có rất nhiều thông tin chưa chính xác xung quanh “hạt thóc 3000 năm nảy mầm”.