Nhớ Nguyễn Huy Tưởng để yêu hơn Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 07:47, 29/09/2010

(HNM) - Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam ngày 24-9 có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tới dự tọa đàm 50 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1960-2010). Trong những bước đi đầy xúc cảm của thời gian để chạm mốc ngày Thủ đô tròn nghìn tuổi, giới văn nghệ nhớ đến một nhà văn đã đau đáu với Hà Nội trên suốt những trang viết của mình…


Một ngòi bút bền bỉ với Hà Nội
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc hội thảo mới đây của Viện Văn học Việt Nam về "Văn học với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", ít nhất đã có 2 tham luận đề cập trực tiếp đến những đóng góp của Nguyễn Huy Tưởng đối với diện mạo văn học Thăng Long - Hà Nội. Đó là "Hình ảnh kẻ sĩ Thăng Long qua sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng" (Ths. Đỗ Thanh Nga) và "Hình ảnh Hà Nội từ Sống mãi với Thủ đô và Lũy Hoa của Nguyễn Huy Tưởng đến bộ phim "Hà Nội mùa đông năm 46" của Đặng Nhật Minh" (Ths. Lê Thị Dương).

Nguyễn Huy Tưởng là người con làng Dục Tú, phủ Từ Sơn (Đông Anh, Hà Nội). GS Phong Lê cho rằng "gọi ông là người Hà Nội cũng phải nhưng đúng hơn là người Kinh Bắc". Ông viết văn bởi "Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi" (nhật ký khi 18 tuổi). Nhưng điều đáng nói là Nguyễn Huy Tưởng bằng kiến văn rộng rãi, vốn sống đầy đặn đã tìm được "một chất liệu thẩm mỹ cho sáng tác của mình". Đó là chất Hà Nội đậm đà trên nền chung của sự am hiểu sâu sắc lịch sử và văn hóa dân tộc.

GS. Phong Lê nói "Ở nhà văn có tư chất là nhà văn hóa này, Hà Nội được hiện lên suốt chiều dày lịch sử, kể từ thời Trần với "hào khí Đông A" trong kịch "An Tư", qua thời vua Lê   Tương Dực trong kịch "Vũ Như Tô", đến thời Lê Mạt trong     kịch "Đêm hội Long Trì"…". Đương nhiên là tới những năm tháng cuối cùng trong 20 năm đời viết trời cho của mình, Nguyễn Huy Tưởng vẫn bền bỉ với Hà Nội trong "Sống mãi với Thủ đô", "Lũy Hoa" (1960).

PGS, TS. Bích Thu còn cho rằng bên cạnh danh hiệu "nhà chép sử bằng văn chương", Nguyễn Huy Tưởng còn là "nhà Hà Nội học" trong văn chương. TS. Bích Thu phân tích "không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Tuân trong lời bạt cuốn tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô" đã cảm nhận "Đọc lại tiểu thuyết lịch sử, kể cả "Sống mãi với Thủ đô", người đọc vẫn thấy gây gây mùi khói vương vấn ngàn năm Thăng Long chốn cũ".

Có một điều thú vị nữa khi nhìn nhận sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng trên bình diện văn học thiếu nhi. Cho đến nay, lớp nhi đồng của thế kỷ XXI vẫn say mê đọc "Lá cờ thêu sáu chữ vàng". Từng lời nói của Trần Quốc Toản với đoàn quân 600 thiếu niên hào kiệt vẫn mang đến cho chúng ta rất nhiều cảm xúc. Hình như, trong văn ấy có sức hấp dẫn đã chắt lọc từ sự am hiểu lịch sử, lại qua cảm quan tinh tế của một tâm hồn Hà Nội. Nhà văn Lê Phương Liên thì nhớ lại "những cảm xúc ấu thơ về dáng đi, cách nói của Trần Quốc Toản và cả đoàn nhân vật trong "Sống mãi với Thủ đô" đã ảnh hưởng nhanh chóng lắm đến tư thế lớp thanh, thiếu nhi Hà Nội ngày đó".

Nhớ Nguyễn Huy Tưởng để yêu thêm Hà Nội
Nhớ Nguyễn Huy Tưởng không phải chỉ là cuộc hồi tưởng có tính chất lễ nghi, mà chính là một lối đi về với quá khứ để tìm lại sự tin tưởng trong trẻo với Hà Nội, tìm những giải đáp cho việc xây dựng con người Hà Nội văn minh thanh lịch trong cơn lốc phát triển. Mỗi người yêu Hà Nội có thể tham gia vào cuộc bàn luận sắc sảo giữa thầy giáo Trần Văn với Vũ Minh, Thu Phong, Benla trong "Sống mãi với Thủ đô". Rồi đi cùng ông trong "Một ngày chủ nhật" và từ câu chuyện Hồ Gươm nghĩ về bao điều khác để tinh tế hơn trong ứng xử, đau đáu hơn, quyết liệt hơn trong giữ gìn tất cả những gì làm nên vẻ đẹp khác biệt của Hà Nội. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhắc lại những dòng lo âu của nhà văn về Hồ Gươm cách đây mấy chục năm. Ông nói: "Tôi khâm phục sự lo âu rất sớm của nhà văn về cái hiện tượng hầu như không có ai chăm sóc ở mọi công trình xã hội… Đó là những lo âu có tính "bản lề". Rất nhiều băn khoăn "bản lề" khác của Nguyễn Huy Tưởng trong các tác phẩm văn chương dường như vẫn rất cần thiết để đồng hành cùng Hà Nội trong công cuộc phát triển và hội nhập hôm nay.

Nguyễn Huy Tưởng ra đi vào đúng 950 năm Thăng Long - Hà Nội, khi những trang viết về Hà Nội còn dang dở… Đúng như GS. Phong Lê nói: "Nếu sự tinh tế đến tài hoa luôn lấp lánh trên các trang Thạch Lam thì chiều sâu những khát khao trăn trở, kiếm tìm lại luôn luôn trĩu nặng trên các trang của Nguyễn Huy Tưởng".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói thay điều nhiều người muốn nói trong dịp tưởng nhớ 50 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và trước thềm Đại lễ: "Nguyễn Huy Tưởng ra đi mang theo tất cả trăn trở ước vọng của một người con Hà Nội (…) cho xứ Kinh kỳ, kẻ chợ đẹp hơn lên, văn hóa hơn lên. Tưởng như bất cứ cái gì đụng đến Hà Nội hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn khiến ông xúc động và lo lắng, dù đã tan vào cõi thinh không nửa thế kỷ nay. Và những con chữ trên trang viết của ông về Hà Nội, cho Hà Nội, vì Hà Nội đọc lên dịp nghìn năm Thăng Long vẫn thấy động cựa xôn xao".

Vậy thì, nhớ Nguyễn Huy Tưởng cũng là vun đắp cho một tinh thần yêu Hà Nội sâu lắng, thiết thực.

Thi Thi