Nghịch lý những công trình chống ngập

Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 29/09/2010

(HNM) - Những nỗ lực chống ngập của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa mang lại hiệu quả, người dân vẫn phải bì bõm lội nước, nửa đêm dọn đồ sau cơn mưa hay đợt triều cường dâng. Các dự án chống ngập có nguy cơ lạc hậu trước hiện tượng biến đổi khí hậu.

Học sinh phải lội nước mỗi khi triều cường dâng ngập đường D2 quận Bình Thạnh.


Càng thêm nhiều dự án… càng ngập nặng
Tình trạng ngập nặng sau mỗi cơn mưa trong nội thành đang diễn ra liên tục và thường xuyên cho thấy các công trình chống ngập vẫn chưa giải quyết được cơ bản vấn đề nguy nan này trên địa bàn TP. Ba dự án chống ngập từ nguồn vốn vay ODA với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD, theo thiết kế sẽ giảm đến 90% ngập lụt trên địa bàn. Thế nhưng, nghịch lý là những dự án đang triển khai này lại "đóng góp" không nhỏ cho những trận ngập sâu và kéo dài hơn. Sự xuất hiện của hàng trăm chiếc "lô cốt" án ngữ trên mọi tuyến đường kéo dài từ năm này qua năm khác làm cho hệ thống thoát nước bị tắc, nước không thể thoát được.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, tình trạng ngập nước tại TP diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm 2010 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra, phát hiện 269 vị trí của hệ thống thoát nước bị xâm hại gây ngập. Tình trạng thi công bê bối gây ngập nước đã được trung tâm phát hiện và chấn chỉnh từ đầu năm 2009, nhưng rồi các nhà thầu vẫn liên tục vi phạm!? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc thi công ì ạch, kéo dài nhiều năm liền của các công trình chống ngập nước. Bê bối nhất là dự án Vệ sinh môi trường (chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gồm các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình). Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành từ năm 2008, nhưng sau nhiều lần xin gia hạn, đến nay dự án mới chỉ hoàn thành hơn 60% khối lượng. Tương tự, dự án Cải thiện môi trường nước (chống ngập cho 7 quận, huyện thuộc lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, gồm 1, 3, 5, 8, 10, 11 và Bình Chánh) vẫn còn một khối lượng công việc rất lớn, trong khi đáng ra phải xong toàn bộ từ 2 năm trước. Và dự án Nâng cấp đô thị (chống ngập cho 9 quận thuộc lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm), dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tiểu dự án thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng... đến nay vẫn còn nhiều hạng mục chưa triển khai do… vướng mặt bằng!

Tuy nhiên, điều lo ngại là các dự án trên được thiết lập có số liệu lạc hậu. Lý do là lượng mưa tăng bất thường trong 20 năm trở lại đây đã làm hệ thống cống thoát nước đã và đang xây dựng bị quá tải vì được thiết kế cho những cơn mưa có lượng nước dưới 93mm. Thực tế những năm gần đây, những cơn mưa trên 93mm xuất hiện thường xuyên hơn, thậm chí đã xuất hiện mưa lên đến 140- 160mm. Ths Hồ Long Phi, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu cả 4 dự án chống ngập lớn hoàn thành trong 5 năm tới, dự báo cũng chỉ giảm được 50% số lượng điểm ngập.

Triều dâng góp thêm phần úng ngập
Không dừng lại đó, mực nước thủy triều cũng liên tục tăng cao thời gian gần đây đang khiến cho giới khoa học lo ngại. Năm 1999, đỉnh triều cường cao nhất đo được ở trạm Phú An là 1,36m với thời gian hai lần/năm, thì nay triều cường thường xuyên từ 1,42m đến 1,5m. Nghiêm trọng hơn, năm 2009, đỉnh triều lên cao ở mức 1,56m (là đỉnh triều cao nhất trong 50 năm qua), kéo dài trong 6 ngày, đã gây ngập hơn 100 tuyến đường. Ðáng báo động là tình trạng ngập lụt do triều cường ngày càng lan rộng làm ảnh hưởng đến gần 11.000ha diện tích thuộc địa bàn 154 phường, xã của TP Hồ Chí Minh và gây xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người dân. Tại các địa điểm thấp trũng như khu cư xá Thanh Ða, khu Văn Thánh (quận Bình Thạnh); khu biệt thự An Phú, An Khánh (quận 2); khu dân cư các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức); khu vực quận 8… người dân phải sống chung với nước ngập và ô nhiễm môi trường!

Theo Tiến sỹ Trịnh Công Vấn, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thực hiện quy hoạch thủy lợi chống ngập khu vực TP Hồ Chí Minh, thì địa hình thấp cùng những bất lợi về khí hậu và thủy văn là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ngập lụt tại thành phố.

Để đối phó với những tác động bất lợi này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện nhiều chương trình dự án chống ngập lụt có quy mô cũng như công nghệ khác nhau. Tuy nhiên trong thực tế, hiệu quả của những chương trình dự án này chưa cao vì chưa kết nối thành một hệ thống chống ngập khép kín.

Nguyên Hoàng