Bệnh viện tư “chê” bảo hiểm y tế?

Xã hội - Ngày đăng : 07:31, 29/09/2010

(HNM) - Ngay sau khi Bộ Y tế có chủ trương tăng viện phí, trong đó có nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh tăng lên đến hàng chục lần, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây là

Viện phí là nỗi lo của không ít người bệnh.


Theo thống kê mới nhất của BHXH TP Hồ Chí Minh, hiện TP có hơn 40 bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tham gia KCB BHYT với số lượng 10 nghìn thẻ, chiếm khoảng 0,25% số thẻ BHYT tại TP.  Tuy nhiên, thực tế thì chỉ có một vài bệnh viện tư với quy mô nhỏ tham gia KCB BHYT. Một số bệnh viện tư "chất lượng cao" như: Bệnh viện FV, Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện Quốc tế Vũ Anh… vẫn không tham gia (và cũng không hề có ý định sẽ tham gia) nếu đề án tăng viện phí của Bộ Y tế được phê duyệt. Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, một số bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tham gia KCB BHYT cũng chỉ vì được thuyết phục nhiều lần, nhằm giảm tải cho các bệnh viện công, nhất là các bệnh viện quận, huyện hiện đang quá tải số lượng bệnh nhân BHYT. Mặc dù đăng ký, nhưng các bệnh viện này chỉ khám được rất ít thẻ BHYT, có bệnh viện còn chưa khám được thẻ nào. Điển hình nhất là Bệnh viện Triều An, sau nhiều lần được ngành BHXH TP thuyết phục, thì mãi đến đầu tháng 7-2010 mới chính thức ký hợp đồng triển khai KCB BHYT cho những đối tượng đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện và những bệnh nhân tại nơi khác có giấy chuyển viện hợp lệ. Nhưng đến nay bệnh viện này vẫn chưa khám được trường hợp BHYT nào.

Thật sự chuyện các bệnh viện tư ký hợp đồng với BHXH TP để KCB BHYT chỉ là hình thức làm "ấm lòng" ngành BHXH TP, bởi với họ, việc khám BHYT hay không BHYT cũng chẳng có lợi ích gì cho bệnh nhân. Theo bác  sĩ Jean - Marcel Guillon - Giám đốc Bệnh viện FV, chi phí của BHYT trả cho mỗi bệnh nhân đến KCB tại Bệnh viện FV chỉ bằng 5% tổng chi phí. Như vậy còn 95% chi phí bệnh nhân phải bỏ tiền túi. Bên cạnh đó, một số loại điều trị không được BHYT chi trả như điều trị tại Trung tâm Điều trị khúc xạ bằng laser thì các bệnh nhân có BHYT hay không cũng phải chi trả 100%. Đó là chưa kể cách tính chi phí KCB cho bệnh nhân BHYT của BHXH cũng khác với bệnh viện. Thường bệnh viện tính chi phí tổng thể, còn BHXH lại tính từng khâu, chi tiết, nên nhiều lúc không trùng khớp với nhau. Chính việc đăng ký KCB BHYT không những không đem lại lợi ích cho người tham gia bảo hiểm mà còn mất thời gian, nên đầu năm 2010, Bệnh viện FV đã quyết định ngừng không KCB BHYT.

Qua tìm hiểu, sở dĩ các bệnh viện tư chưa thật sự "mặn mà" với KCB BHYT là vì thủ tục đăng ký với BHXH TP còn quá nhiêu khê, tốn nhiều thời gian, nhất là thanh toán bảo hiểm chậm, bệnh nhân phải đóng viện phí chênh lệch nhiều dẫn đến mất khách. Bởi nhiều người tham gia BHYT thường nghĩ rằng, họ sẽ được ưu đãi giống như các bệnh viện công, nhưng đâu biết mức chênh lệch các dịch vụ KCB ở bệnh viện tư cao gấp nhiều lần so với quy định của Nhà nước. Do đó, các bệnh viện tư chấp nhận không tham gia KCB BHYT để tránh gây hiểu lầm cho bệnh nhân: Tại sao đã được BHYT mà phải đóng tiền cao đến như vậy?  Cũng chính vì sự nhiêu khê, chậm trễ này, bác sĩ Jean - Marcel Guillon cho biết, nếu sau này chủ trương tăng phí KCB của Bộ Y tế có được thông qua thì bệnh viện cũng không ký hợp đồng tham gia KCB BHYT. Khi chi phí tăng thì người tham gia BHYT được chi trả cao nên họ có thể lựa chọn những nơi có chất lượng cao để chữa trị. Bởi theo Luật BHYT mới, các bệnh nhân được đến KCB tại những nơi không đăng ký BHYT ban đầu nhưng vẫn được BHXH thanh toán thông qua hóa đơn tại nơi đó. Vì vậy, nhiều khả năng, các đối tượng tham gia BHYT sẽ tự đổ về khám và điều trị tại các bệnh viện tư - nơi được xem là có chất lượng chăm sóc tốt hơn.

Văn Định