Giải pháp đột phá trong sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 29/09/2010
Năng suất lúa cao hơn 10-15%
Trung tâm Khuyến nông TP tổ chức thao diễn gieo lúa thẳng hàng bằng giàn kéo tay. Ảnh: Thu Hằng
Ông Nguyễn Duy Miên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Thụy Hương (Chương Mỹ) cho biết: Năm 2010, xã Thụy Hương thực hiện mô hình gieo lúa thẳng hàng (LGT) với diện tích 70ha, do thực hiện phương pháp gieo lúa thẳng hàng ít bị sâu bệnh nên năng suất đạt 62tạ/ha cao hơn phương pháp cấy truyền thống 5,5 tạ/ha. Không những cho năng suất cao, việc gieo lúa thẳng hàng góp phần thay đổi tập quán sản xuất, thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa… Đây còn là tiền đề để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp.
Hà Nội là một trong những địa phương mạnh dạn áp dụng kỹ thuật LGT bằng công cụ sạ hàng đã cho hiệu quả rõ rệt. Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, quy trình thực hiện LGT về thời vụ, phương thức gieo, lượng giống, chế độ phân bón, điều tiết nước, sâu bệnh… đã cơ bản hoàn thiện. Hiện nay Hà Nội có khoảng 2.000 chiếc máy gieo sạ hàng. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khẳng định, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng kỹ thuật LGT; năm 2010, các huyện ngoại thành đã thực hiện LGT được 10.920ha, trong đó vụ xuân là 5.934ha, vụ mùa 4.986ha. Mặc dù thời tiết, dịch bệnh vụ xuân 2010 phức tạp nhưng LGT sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh sớm và tập trung, độ đồng đều cao, sạch sâu bệnh; ruộng LGT quần thể phát triển và có ưu thế tốt hơn so với lúa cấy truyền thống. Nông dân giảm chi phí giống và công lao động, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 7-10 ngày rất phù hợp với cơ cấu 3 vụ lúa của TP. Do đó, lợi nhuận cao hơn so với phương pháp gieo cấy truyền thống bình quân 5 triệu đồng/ha, năng suất trung bình tăng từ 10-15%.
Xây dựng vùng trồng lúa tập trung
Cũng theo ông Nguyễn Duy Miên, tuy GLT với nhiều ưu điểm nổi trội nhưng vẫn còn khó khăn như: đồng ruộng của Thụy Hương vẫn manh mún nên việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất không thuận lợi. Ngoài ra, do thói quen sản xuất lúa truyền thống từ nhiều năm nay nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất LGT vẫn là khó khăn đối với số đông nông dân.
Ông Nguyễn Văn Chí khuyến cáo: Các địa phương cần thực hiện tốt xây dựng các mô hình điểm LGT ở cả 2 vụ (xuân và mùa); tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ vào các thời kỳ sinh trưởng của lúa như đẻ nhánh, chín; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho nông dân; thành lập các tổ dịch vụ… Nâng cao vai trò Ban quản lý HTX nông nghiệp để đứng ra thành lập các tổ dịch vụ từ khâu ngâm ủ, làm đất, gieo, phun thuốc trừ cỏ… nhằm từng bước chuyên môn hóa, tạo sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ. Tại Hà Nội, hiện có gần 200 HTX nông nghiệp của 16 huyện, thị xã đã tổ chức làm dịch vụ ngâm ủ, gieo tập trung cho xã viên, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Lý giải về một trong những thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Đây là một tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp với nhiều ưu việt, tuy nhiên đòi hỏi về kỹ thuật khá chặt chẽ. Nhưng hiện nay, vẫn còn một số nơi lãnh đạo xã, HTX nông nghiệp chưa tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới này, vì vậy chưa cương quyết trong chỉ đạo, công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế, do đó chưa thay đổi được tập quán cố hữu của nông dân. Để mở rộng diện tích gieo lúa thẳng hàng bằng giàn kéo tay, trong thời gian tới Chương Mỹ tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân dồn điền, đổi thửa hình thành các vùng lúa tập trung quy mô lớn, thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.