Bài 3: Điểm đen, điểm nóng và nỗ lực hụt hơi

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:10, 28/09/2010

(HNM) - Lâu nay, cùng với QL1 - tuyến đường chiếm tới 50% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cả nước, các vụ tai nạn liên tiếp, thảm khốc trên QL5 đã trở thành đề tài cửa miệng của các bà hàng nước "làm quà" cho người dừng chân. Ngồi ở lề đường khu vực ngã tư trước cổng KCN Đại An, chị Hà chẹp miệng: "Ôi dào, ngày nào chả có va chạm". Rồi chị kể một thôi một hồi...

Mọi con đường đều có "điểm đen"

QL5 chạy qua tỉnh Hải Dương "khét tiếng" với ba đoạn đường cong tử thần: Khu vực qua xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Giàng), xã Nam Đồng (huyện Nam Sách) và xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành). Trong đó, ngã tư trước cổng KCN Đại An và đường cong qua Nam Đồng đã hằn sâu trong đầu các bà hàng nước vô số tai nạn kinh hoàng. Tính chung cả các tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2010, "kẻ giết người hàng loạt" đã cướp đi 152 sinh mạng, làm bị thương 73 người. Tức là, ở Hải Dương, cứ khoảng 1 ngày lại có một người chết hoặc bị thương vì TNGT.

Một vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 5 đoạn qua Hải Dương.

Thông thường, một điểm (hay đoạn) giao thông được coi là "điểm đen" khi "đạt" cả ba chỉ tiêu về số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương... Trong khi các điểm đen do nguyên nhân kỹ thuật - đường cua gấp, bị che khuất tầm nhìn... cả ở các quốc lộ lẫn khu vực đô thị, nhất là tuyến đường miền núi - chậm được khắc phục thì hàng loạt điểm đen xuất phát từ nguyên nhân kinh tế - xã hội không những không bị ngăn chặn mà còn mọc ra như nấm. Hàng loạt chợ bám mặt đường, đặc biệt là QL, buôn bán rất sầm uất. Nhiều nơi, người dân vẫn giữ nguyên tập quán sản xuất nông nghiệp: thu hoạch, phơi phóng thóc, rơm rạ... trên mặt đường... Đặc biệt, người dân còn vô tư và công khai tự "quy hoạch" các "đường ngang dân sinh", "lỗ chui dân sinh", "cầu dắt xe dân sinh"... cắt ngang dải phân cách hoặc chém vào mép đường... QL5 là ví dụ điển hình: Người dân địa phương đục hàng rào, phá các dải phân cách để tiện cho việc "đi ngang về tắt"... Những ai cầm lái từng đi qua tuyến đường này hẳn đã không ít phen rùng mình bởi bỗng dưng có người vọt ra từ dải phân cách theo kiểu "liều mình như chẳng có"...

Dường như mọi cung đường đều... "đen" chứ không phải chỉ có các "điểm đen". Tai nạn có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Ông Bùi Đức Tĩnh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam, lý giải:

- Dù các điểm đen (trên địa bàn tỉnh - PV) đã được xóa hết từ năm 2008 nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra, nhiều vụ hết sức nghiêm trọng. Bởi lẽ, hạ tầng giao thông đã được nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu khi mỗi tháng có khoảng 1.500-2.000 xe máy, 100-200 ô tô đăng ký mới. Đường sá chật chội, được mở rộng với tốc độ rùa bò song số phương tiện tăng phi mã...

Trong khi đó, oái oăm thay, quy hoạch giao thông Việt Nam có một điều kỳ lạ là các tuyến đường lớn, QL thường bám sát các khu vực dân cư trong khi người dân lại có tập quán thích sống... bám mặt đường, vừa tiện di chuyển vừa dễ sinh nhai. Tai nạn nhiều là điều dễ hiểu.

Điểm nóng ý thức

Trở lại vụ tai nạn đường sắt tại "điểm nóng" ở xã Tiên Tân, khi ấy lỗi cũng tại người lái xe ô tô tham "nhanh một phút". "Nhanh một phút" để rồi người lái xe ấy đã "chậm một đời". Tai nạn giữa tàu hỏa với các phương tiện khác liên tiếp xảy ra bởi những nguyên nhân: Giao cắt không có biển báo, không có barie, bị che khuất..? Chị Hà khẳng định, trong mọi trường hợp, mọi người đều không khó để nhận biết có tàu từ xa. Khi cái điểm nóng nằm ngay trong ý thức người tham gia giao thông, khi họ liều lĩnh, coi thường tính mạng bản thân thì mọi giao cắt giữa đường bộ - đường sắt đều trở thành điểm nóng.

Còn ông Đinh Công Chính, Đội trưởng Đội tự quản TTATGT xã Thanh Phong (Thanh Liêm, Hà Nam), người đã có kinh nghiệm hơn hai chục năm tham gia cứu hộ, cứu nạn cho không biết bao nhiêu người, bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra trên đoạn QL chạy qua xã cũng ngậm ngùi: "Ý thức của nhiều người tham gia giao thông kém quá. Phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu. Mới đây, tôi vừa "cứu" một cái xe chở 30 tấn xi măng trắng bụng ngay ngã ba phố Bói. Lái xe phóng nhanh, phanh gấp, thế là...".

Đại úy Phạm Văn Hưởng, Đội Cảnh sát Giao thông huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết, hầu như các điểm đen nào trên địa bàn cũng có biển cảnh báo chú ý quan sát hoặc hạn chế tốc độ. Thế nhưng nhiều người đã phớt lờ hoặc không để ý. Chỉ riêng tại điểm đen khu 3, thị trấn Thanh Miện, tai nạn liên tục xảy ra. Hầu hết do người tham gia giao thông vượt quá tốc độ.

Kết quả phân tích nguyên nhân TNGT tại Thanh Hóa 8 tháng đầu năm nay cho thấy: 28% do vi phạm về tốc độ, làm 43 người chết (không kể số bị thương); 33% vi phạm phần đường, làm 59 người chết; 20% thiếu chú ý quan sát; 11% tránh vượt sai quy định...

Kết quả phân tích tương tự tại Hà Nam không mấy khác biệt: 24% điều khiển xe vượt quá tốc độ; 28% tranh cướp phần đường, không đội mũ bảo hiểm, vượt không đúng quy định... Rõ ràng lỗi tại người chứ không phải tại... đường dù đường nói riêng, cơ sở hạ tầng nói chung trong nhiều trường hợp là "thủ phạm" không thể chối cãi.

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận lớn người dân còn quá kém. Chua xót ở chỗ phần lớn đối tượng bị tử vong hoặc chấn thương do... va phải điểm nóng ý thức lại là thanh, thiếu niên, những người hoặc chuẩn bị hoặc trong độ tuổi lao động, đang có một tương lai rất dài ở phía trước.

Nỗ lực... hụt hơi

Ông Bùi Đức Tĩnh bức xúc: "Chúng tôi đã kiến nghị đầu tư làm hệ thống đường gom các khu vực hành lang đường sắt nhưng chưa có vốn". Một cán bộ Ban An toàn Giao thông tỉnh Hải Dương thì vừa đùa vừa thật: "Bọn em đề nghị "xử lý" các điểm đen trên QL5 như lắp đèn tín hiệu hoặc xây gờ giảm tốc... nhưng chắc giao thông phức tạp quá nên kiến nghị chửa đến nơi".

Có lẽ phải rất lâu nữa, phải mất rất nhiều thế hệ nước ta mới có được hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ. Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng "có rất nhiều việc phải làm" khi ý thức người tham gia giao thông hạn chế, mật độ phương tiện tăng nhanh song hạ tầng không tăng, đồng thời quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều yếu kém. Trước mắt, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân, từ trường học ra ngoài xã hội. Mặt khác, các địa phương cũng phải tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Mọi chuyện không hề đơn giản. Một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý giao thông vận tải đưa ra cách tiếp cận hơi khác. Theo ông, để giao thông trở nên... thân thiện với người đi đường cần phải bảo đảm ba yếu tố: Thứ nhất, Nhà nước phải gấp rút đầu tư cải tạo, xây dựng hạ tầng khoa học, đồng bộ, hiện đại. Những căn bệnh cố hữu của hạ tầng giao thông Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt từ thời kỳ mở cửa đến nay, là quy hoạch hết sức yếu kém, tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn, hệ thống giao thông huyết mạch không có "khoảng cách an toàn" đối với các khu dân cư, kể cả những địa bàn có mật độ cư trú đông (đường Hồ Chí Minh là tuyến duy nhất đáp ứng tiêu chí này nhưng... ít người sử dụng). Đã thế, tuyệt đại đa số là tuyến giao thông đồng mức hỗn hợp, lại thường xuyên bị lấn chiếm hành lang an toàn. Các "điểm đen", "điểm nóng" liên tục phát sinh... Đây là đòi hỏi khách quan đầu tiên cần khắc phục. Thứ hai, quản lý nhà nước phải thể hiện hiệu quả ở cả mặt chế tài và lực lượng thực thi. Chế tài phải nghiêm, đồng thời phải giảm thiểu tiêu cực trong lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông... các cơ quan thừa hành pháp luật. Thứ ba, phải từng bước xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, trước tiên là kiến thức và ý thức tuân thủ pháp luật, sau đó là ứng xử với người khác ở trên đường...

Tháng An toàn giao thông 2010 có chủ đề "Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng". Hẹp hơn văn hóa là ý thức, như vị chuyên gia trên đã nói. Xin nhắc lại một con số đau lòng: 85,5% nguyên nhân gây tai nạn là bởi con người. Mọi nỗ lực của cơ quan chức năng sẽ hụt hơi, thậm chí không mang lại hiệu quả gì nếu như mỗi người tham gia giao thông chưa biết quý trọng sinh mệnh bản thân và người khác. Số phận nghiệt ngã của những nạn nhân TNGT là nỗi đau riêng của gia đình họ, đồng thời cũng là một mất mát hoặc một gánh nặng cho xã hội.

Nạn nhân của TNGT - "kẻ giết người hàng loạt" nhiều hơn thời kỳ chiến tranh - so sánh đầy cay đắng này bao giờ mới thôi ám ảnh?

Xin được kết thúc loạt bài viết về TNGT bằng một câu chuyện buồn, đó là vụ TNGT xảy ra với Giáo sư toán học người Mỹ Seymour Papert khi ông đi bộ qua một ngã tư ở Hà Nội. Tai nạn khiến ông bị chấn thương sọ não. Vợ giáo sư đã phải thuê một chiếc chuyên cơ từ Mỹ sang để đón ông về nước chữa trị. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đến thăm và chia sẻ nỗi đau với gia đình, đồng thời hỏi gia đình có yêu cầu giúp đỡ gì không? Vợ giáo sư cảm ơn và chỉ xin một chiếc xe cảnh sát dẫn đường xe cứu thương đưa chồng bà ra sân bay, theo bà, giao thông ở Việt Nam hỗn loạn quá. Bà cũng cho biết, cuộc điện thoại cuối cùng mà Giáo sư Seymour Papert gọi về cho vợ trước khi bị nạn là: "Tôi phải sang đường, giao thông ở đây rất nguy hiểm!".

Để xây dựng văn hóa giao thông, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý phải "xây" trước. Đó là gương mẫu thực hiện pháp luật, nhẹ nhàng, vui vẻ với người tham gia giao thông. Ông Chương kể lại kỷ niệm lần sang Mỹ, khi ấy sau một hành trình dài, xe ông dừng lại nghỉ ở ven đường thì có xe cảnh sát đi qua và dừng lại hỏi có cần giúp đỡ gì không. Ngoài ra, văn hóa của cơ quan quản lý còn phải thể hiện ở sự đáp ứng hạ tầng bảo đảm chất lượng - đòi hỏi từ thực tế và cũng là của người dân khi họ đều đặn đóng thuế. Hiện các cơ quan chức năng mới thiên về kiểm tra, xử phạt mà quên mất trách nhiệm trên.

Đức Thuật

Trung Hưng