Ngành y tế Thủ đô: Thành công trong phòng dịch và chữa bệnh
Đời sống - Ngày đăng : 08:03, 27/09/2010
Sử dụng hệ máy sinh hóa tự động chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh phục vụ điều trị tại Trung tâm Y tế bác sỹ gia đình 50C Hàng Bài (Sở Y tế Hà Nội). Ảnh: TTXVN |
Kể từ khi được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì vào năm 2004, liên tục trong 5 năm qua, ngành y tế Thủ đô đã được đón nhận nhiều phần thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội trong nhiều năm. Để có được thành tích đó, đội ngũ cán bộ y tế đã phải vượt qua nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gặp nhiều trở ngại; tình trạng quá tải ở các bệnh viện (BV) chưa được cải thiện là bao; đặc biệt, việc mở rộng địa giới hành chính cũng phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống y tế...
- Có lẽ, 5 năm vừa qua là quãng thời gian Hà Nội phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm nhất, trong khi đây lại là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước. Ngành y tế đã làm thế nào để khống chế thành công dịch bệnh, thưa ông?
- Để những bệnh dịch như cúm A/H5N1, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết không trở thành dịch lớn ở Hà Nội trong những năm qua, ngành y tế đã tập trung vào khâu phòng bệnh, chỉ đạo các đơn vị trong ngành từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn phối hợp giám sát, sớm phát hiện các trường hợp mắc bệnh. Khi phát hiện ổ dịch, chúng tôi xử lý triệt để, tổ chức trực dịch, giám sát tình hình bệnh nhân tại cộng đồng 24/24 giờ. Khi có những diễn biến phức tạp của thời tiết - điều kiện để các dịch bệnh tái xuất hiện và bùng phát - ngành đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, huy động lực lượng tổ chức phòng, chống, giám sát dịch tại các bệnh viện, trong cộng đồng. Chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan làm tốt công tác vệ sinh môi trường để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Kết quả là Hà Nội đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của nhân dân.
- Hiện nay, hệ thống y tế của thành phố đã phát triển rộng khắp với 11 BV đa khoa thành phố, 13 BV đa khoa huyện, 12 BV chuyên khoa, 29 trung tâm y tế quận, huyện, 574 trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt là tuyến trên. Giảm tải luôn là một mục tiêu được đặt ra vì nó đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh, ngành y tế Hà Nội đã và sẽ phấn đấu vì mục tiêu này như thế nào, thưa ông?
- Tính chung trên toàn hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) của thành phố thì công suất sử dụng giường bệnh khoảng 107% so với giường bệnh thực kê. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các tuyến có sự khác nhau đáng kể và tình trạng quá tải vẫn luôn là vấn đề bức xúc trong KCB. Trong những năm qua, mức đầu tư cho y tế từ ngân sách ngày càng tăng và ngành đã tập trung xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị y tế, nhờ đó nhiều BV đã khang trang hơn, với trang thiết bị ngày càng hiện đại. Cụ thể, 589,805 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng một số cơ sở y tế lớn, 237 tỷ đồng được đầu tư nâng cấp BV tuyến huyện, trung tâm y tế xã, phường. Hiện nay, các dự án xây dựng mới BV đa khoa Gia Lâm, BV Xanh Pôn cơ sở 2, BV Mắt, BV Nhi cũng đang được thúc đẩy. Với sự đầu tư này, rõ ràng cơ sở vật chất, năng lực của các BV đã tăng lên đáng kể. Chất lượng KCB được nâng cao, các dịch vụ chất lượng cao phát triển, nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng. Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố và hoàn thiện: 80% trạm y tế xã, phường có bác sĩ; 69 trạm được xây mới, 263 trạm được cải tạo; 86,1% xã, phường có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Để làm giảm tình trạng quá tải, Bộ Y tế đề ra 4 giải pháp, đó là nâng cao chất lượng KCB, phấn đấu giảm ngày điều trị trung bình cho các bệnh nhân điều trị nội trú tại các BV; trước mắt tận dụng tối đa các diện tích hiện có của các BV để kê thêm giường cho bệnh nhân điều trị, hạn chế để bệnh nhân nằm ghép; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến theo đề án 1816, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, nơi có điều kiện hỗ trợ cho các vùng khó khăn để nhân dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở; nghiên cứu xây dựng mạng lưới mở rộng các BV theo quy hoạch, dãn mật độ tập trung các BV lớn trong các quận nội thành, trung tâm thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành y tế thành phố còn phải nỗ lực nhiều để nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở, làm sao để người bệnh tin tưởng hơn nữa vào trạm y tế xã, phường và không KCB vượt tuyến. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng KCB để giảm số ngày bệnh nhân phải nằm viện, giảm thời gian làm các xét nghiệm... góp phần cải thiện tình trạng quá tải ở BV tuyến trên.
- Một trong những nhiệm vụ của cơ quan quản lý ngành là kiểm tra, kiểm soát các hoạt động y tế trên địa bàn. Ông có thể cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ này như thế nào?
- Trong những năm qua, chúng tôi tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính về lĩnh vực y tế, kiện toàn củng cố các đơn vị theo hướng tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân, ATVSTP. Về công tác bảo đảm ATVSTP, ngành đã thành lập đơn vị chuyên trách là Chi cục ATVSTP, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn, mặc dù rất nhiều sự kiện đã được tổ chức trên địa bàn Thủ đô. Ngành cũng đã thường xuyên triển khai các văn bản mới về hành nghề y, dược tư nhân, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở này. Kết quả là không có vụ việc lớn nào xảy ra trong lĩnh vực này.
- Xin được chúc mừng những thành tựu lớn của ngành y tế Thủ đô và xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.