Quy hoạch và lập dự án đều chậm

Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 27/09/2010

(HNM) - Thành phố Hà Nội hiện có 19 xã triển khai thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), trong đó có 1 xã thí điểm của trung ương, 3 xã của thành phố và 15 xã của các huyện. Quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Đặc biệt, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân cũng như việc lập quy hoạch, dự án còn hạn chế làm cho tiến độ xây dựng NTM quá chậm.


Hầu hết mới thực hiện được các công việc trên giấy tờ


Kiên cố hóa kênh mương ở xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ).
Ảnh: Thái Hiền

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mô hình điểm xây dựng NTM của cả nước, được sự hỗ trợ của TƯ và thành phố nhưng đến nay mới đạt 13/19 tiêu chí NTM với tổng khối lượng thực hiện 62/105 tỷ đồng. Trong đó, các DN hỗ trợ 3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 4,6 tỷ đồng. Cùng với Thụy Hương, 3 xã điểm xây dựng NTM của thành phố gồm: Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì) và Song Phượng (Đan Phượng) mới hoàn thành khảo sát, lập đề án, được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 7-2010; sau đó tuyên truyền đến cán bộ chủ chốt, các đoàn thể và nhân dân về nội dung đề án; lập kế hoạch chi tiết trình thành phố phê duyệt. Đặc biệt, những công việc quy định thuộc thẩm quyền các địa phương triển khai còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, xã Song Phượng đã và đang thực hiện 32 dự án xây dựng đường giao thông, trường học, vệ sinh môi trường với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng; xã Đại Áng đã thực hiện được 5 dự án với tổng kinh phí 7 tỷ đồng; xã Mai Đình thực hiện được 6 dự án giá trị 27 tỷ đồng. Đối với 15 xã điểm của các huyện khác thuộc địa bàn thành phố mới ở bước Sở NN & PTNT cung cấp tài liệu tới các huyện. Chi cục PTNT mới tập huấn công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn, giúp huyện xây dựng đề án. Các xã đều đang ở khâu thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) và ban quản lý (BQL) xây dựng NTM, phối hợp với các phòng, ban của huyện rà soát, khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn để lập đề án. Đến nay 7/15 xã, 8/15 huyện lập xong dự thảo đề án xây dựng NTM.

Nhiều lúng túng và không ít vướng mắc

Qua các cuộc kiểm tra mới đây của Tổ công tác giúp việc cho BCĐ xây dựng NTM thành phố cho thấy: Nhận thức về triển khai xây dựng NTM tại các xã điểm còn nhiều hạn chế, việc triển khai còn lúng túng. BQL xây dựng NTM các xã còn thiếu chủ động, chưa bám sát với nội dung đề án được duyệt. Việc triển khai, trình duyệt và tổ chức thực hiện các dự án biểu hiện sự trông chờ ngân sách nhà nước, cấp trên. Trong khi đó, việc huy động đóng góp của nhân dân và khai thác nguồn lực tại địa phương để xây dựng NTM còn hạn chế, chưa huy động được tối đa khả năng của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng Ngân sách địa phương (Sở Tài chính Hà Nội), thành viên của Tổ công tác cho biết, kết quả khảo sát thực trạng, rà soát các tiêu chí ở nhiều xã không đúng với thực tế. Một bộ phận cán bộ hiểu nhầm rằng xây dựng NTM là được Nhà nước đầu tư hoàn toàn, từ đó xuất hiện tâm lý thống kê vống lên so với thực trạng để mong được đầu tư nhiều hơn. Việc tính toán, xác định nhu cầu và mức đầu tư các công trình, dự án chưa bảo đảm đúng theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành. Đơn cử như thế nào là trường học đạt chuẩn phải căn cứ vào diện tích, số lượng học sinh, trang thiết bị dạy học, chất lượng đội ngũ giáo viên nhưng quá trình đánh giá cán bộ xã làm chưa đúng, thiếu chính xác. Ngoài những hạn chế về chủ quan, hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước còn nhiều vướng mắc, việc hướng dẫn thực hiện chưa cụ thể. Về nguồn lực tài chính thực hiện đề án NTM, Chính phủ đã có Quyết định 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM song các bộ, ngành lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; Việc xác định đất xen kẹp, đất giãn dân tạo điều kiện cho xã đấu giá đất lấy kinh phí xây dựng NTM của thành phố chưa rõ ràng thủ tục còn cồng kềnh làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện đề án.

Huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM

Mới đây, trong buổi đối thoại trực tuyến "Xây dựng NTM và những vấn đề cần quan tâm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định: Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Quan điểm chủ đạo của chương trình là cần phát huy vai trò chủ thể của người dân. Mọi việc ở nông thôn phải công khai dân đều biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Khâu nào dân làm được phải để dân làm, Nhà nước, Chính phủ tuyệt đối không làm thay, làm hộ. Nguồn lực để xây dựng NTM, ngân sách TƯ, địa phương sẽ hỗ trợ 40%, còn 60% sẽ huy động từ các nguồn như DN, tín dụng, HTX và người dân đóng góp 10%, có thể bằng tiền, ngày công hoặc hiến đất cho xây dựng NTM.

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho rằng: Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, những đóng góp của người dân trong xây dựng NTM có thể bắt đầu từ những việc rất đơn giản và ai cũng có thể làm được như chỉnh trang lại nhà cửa, thực hiện tốt nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường chung hoặc đầu tư vào sản xuất của chính gia đình mình để nâng cao thu nhập, sau đó tham gia đóng góp tiền hoặc ngày công vào xây dựng các công trình công cộng tại địa phương. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, khuyến nông cho nông dân, hỗ trợ họ tổ chức lại sản xuất, hình thành các loại hình liên kết sản xuất. Bên cạnh đó đề nghị thành phố, các sở, ngành, chính quyền huyện, xã có cơ chế, chính sách thuận lợi, thu hút các DN hỗ trợ, đầu tư vốn tham gia sản xuất vào địa bàn tạo diện mạo mới cho nông thôn.

Nguyễn Mai