Để thực sự là đột phá

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:22, 27/09/2010

(HNM) - Một tin được người Hà Nội rất chú ý sau nhiều năm chờ đợi, đó là việc ngày 25-9-2010, đã khởi công giai đoạn 1 tuyến đường sắt đô thị số 3 nối liền thị trấn Nhổn, dọc theo trục đường 32 (với các ga Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy, Kim Mã, Văn Miếu, đường Trần Hưng Đạo) để giai đoạn 2 sẽ xây dựng tiếp từ ga trung tâm Trần Hưng Đạo tới quận Hoàng Mai.


Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên trong số 8 tuyến dự định sẽ được xây dựng tại nội đô Hà Nội (trong đó có 5 tuyến đã được phê duyệt) tạo ra bước đột phá về giao thông đô thị, vốn là vấn đề bức xúc lâu nay của Hà Nội.

Theo mô tả của Ban Quản lý dự án, tuyến đường sẽ chạy trên cao (8,5km) và đi ngầm (4,5km), năng lực vận chuyển 300.000 hành khách/ngày, với số vốn dự tính ban đầu 18.408 tỷ đồng (tương đương 783 triệu euro) chủ yếu là vốn vay nước ngoài. Nhìn trên sơ đồ, tuyến đường sắt đô thị số 3 vừa khởi công gợi nhớ rất nhiều đến tuyến tàu điện Cầu Giấy - Bờ Hồ và Bờ Hồ - Bạch Mai trước đây nhưng với chiều dài và trình độ hiện đại cao hơn rất nhiều. Việc khởi công tuyến đường được coi là một bước đột phá về hạ tầng giao thông của Thủ đô, đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Vấn đề hạ tầng giao thông công cộng ở Hà Nội lâu nay là một bài toán nan giải về không gian giao thông. Muốn giảm lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân trên đường, phải tăng cường giao thông công cộng. Muốn tăng giao thông công cộng phải có đường, điểm đỗ và bãi đỗ xe và hạn chế đến mức thấp nhất việc đi chung với các phương tiện khác, chưa kể đến nguy cơ về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Những yêu cầu đó rất khó thỏa mãn với khu trung tâm tức Hà Nội cũ, vốn chỉ thiết kế cho 25 vạn dân sinh sống ở đầu thế kỷ XX. Con đường khai thông bế tắc chỉ có thể là mở rộng không gian, đi trên cao và đi ngầm, nhưng cả hai đều cần đến kỹ thuật và vốn, thứ mà chúng ta thiếu. Việc tổ chức tuyến đường sắt đô thị là một cố gắng lớn của lãnh đạo thành phố và Chính phủ trong việc giải quyết bài toán giao thông. Nếu xây dựng xong cả 8 tuyến theo dự kiến, đúng tiến độ, đúng thiết kế, chi phí tối ưu kết hợp với các giải pháp khác sẽ giúp Hà Nội giải quyết cơ bản vấn đề giao thông ít nhất là ở trung tâm Thủ đô với 10 quận nội thành, bao gồm cả khu phố cũ và khu phố cổ.

Nhưng vấn đề lại nằm ở chính việc xây dựng đúng tiến độ, đúng thiết kế với chi phí tối ưu. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, hầu hết các dự án không hoàn thành đúng 3 yêu cầu trên đều do thủ tục hành chính rườm rà, kinh phí chậm về, bàn giao mặt bằng không đúng tiến độ, kiểm tra chất lượng còn bị buông lỏng, thất thoát tài sản lớn. Có đoạn đường xây dựng dễ dàng hơn đường sắt đô thị rất nhiều nhưng chậm đến hàng chục năm, đội kinh phí lên hàng chục lần, trở thành "con đường đắt nhất hành tinh" cũng vì những nguyên nhân ấy. Có đoạn đường chỉ vài ba cây số nhưng không hoàn thành đúng tiến độ được, trở thành điểm đen về giao thông cả chục năm nay chỉ vì một vài ngôi nhà chưa giải tỏa. Có những đoạn đường, công trình giao thông chậm tiến độ do nhà thầu chây ì, dây dưa khiến hàng trăm hộ dân, hàng vạn người, xe qua lại hằng ngày phải chịu khổ.

Khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên của Hà Nội, rõ ràng là một tin vui, một bước đột phá về giao thông. Nếu như việc xây dựng này là công trình mẫu về đúng tiến độ, đúng thiết kế, tiết kiệm vốn thì thật hoàn hảo, thật sự là đột phá, thật sự đáng nhớ vào dịp trọng đại này.

Vũ Duy Thông