Dâng hương tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nghệ An), Lam Kinh (Thanh Hóa) và Đền Trần (Nam Định)

Chính trị - Ngày đăng : 07:17, 27/09/2010

Gặp mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ (HNM) - Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 26-9, Thành ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ TP Hà Nội tổ chức gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TP qua các thời kỳ.


Tới dự có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Quyết, Lê Xuân Tùng, Phạm Thế Duyệt cùng hơn 100 đại biểu nguyên là cán bộ lãnh đạo của Hà Nội và Hà Tây qua các thời kỳ. Về phía TP có các đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Đào Văn Bình, Chủ tịch UB MTTQ TP.


Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ.   Ảnh: Nguyệt Ánh

Trước thời khắc lịch sử chào đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trân trọng gửi lời chúc mừng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo của TP - những người đã cống hiến công sức, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Tại buổi gặp mặt đầm ấm, Bí thư Thành ủy đã điểm lại những công việc của TP thời gian qua, đặc biệt là thành tựu kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị; các hoạt động chuẩn bị cho Đại lễ và ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội và hướng tới ĐH toàn quốc lần thứ XI của Đảng...

Đồng chí nhấn mạnh, trước bối cảnh Thủ đô mở rộng, diện tích và dân số tăng, công việc bộn bề, có khó khăn và thuận lợi, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, Hà Nội đã đề cao phương châm "hợp tác - đoàn kết - trách nhiệm", chung sức, chung lòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra, kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước.

Chia sẻ niềm vui với các đại biểu khi Thủ đô chuẩn bị bước vào thời khắc lịch sử 1000 năm tuổi, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp trí tuệ, trách nhiệm của các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP qua các thời kỳ để cùng chung tay xây dựng, phát triển Thủ đô, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Thay mặt lãnh đạo TP qua các thời kỳ, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy và đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã phát biểu bày tỏ niềm phấn khởi trước những thành tựu của Thủ đô đạt được thời gian qua và xúc động chia sẻ những tình cảm tâm huyết, trách nhiệm với Hà Nội. Tự hào được sống và làm việc tại Hà Nội, thế hệ cán bộ đi trước luôn mong muốn Thủ đô ngày càng vững mạnh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến, phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội, mở ra giai đoạn phát triển mới của Thủ đô.

* Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 26-9, các đoàn đại biểu của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến; Chủ tịch UB MTTQ TP Đào Văn Bình dẫn đầu đã tới dâng hương tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (tỉnh Nghệ An), di tích Lam Kinh (tỉnh Thanh Hóa) và di tích Đền Trần (tỉnh Nam Định).

Đoàn do Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh dẫn đầu đã tới dâng hương, hoa tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Đàn, Nghệ An). Với lòng tôn kính vô hạn đối với Bác - vị cha già, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh đã kính cẩn dâng hương kính báo với anh linh Bác Hồ về công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã ra sức thi đua, hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đề ra trên các mặt kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, giữ vững an ninh, trật tự, bảo đảm an sinh xã hội để chung tay xây dựng Thủ đô của nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại theo tâm nguyện Di chúc của Người.

* Tối 26-9, trước cửa Đền Trần - Khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần (ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định) - nơi thờ 14 vị vua nhà Trần, Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Nam Định long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 710 năm ngày mất Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến dự lễ có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Tại lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật "Màn sử thi Hào khí Đông A được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của hơn 2.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Cũng trong dịp này, tỉnh Nam Định đưa vào sử dụng khu trưng bày Thăng Long - Thiên Trường tại Bảo tàng tỉnh; xuất bản 2 ấn phẩm "175 năm Thăng Long - Thiên Trường" và "Tuyển tập 175 tác phẩm nghệ thuật về mối quan hệ Thăng Long - Thiên Trường"…

Chiều cùng ngày, đồng chí Đào Văn Bình, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội đã dẫn đầu đoàn cán bộ đại diện các ban, ngành của TP về dâng hương tại Khu Di tích Đền Trần, nơi thờ 14 vị vua; Đền Cố Trạch nơi thờ gia quyến của Hưng Đạo Đại vương.

Đoàn cũng dâng hương tại Đền Trùng Hoa - nơi năm 2000 thành phố Hà Nội đã đầu tư 700 triệu đồng để trùng tu xây dựng.

* Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến dẫn đầu đoàn đại biểu của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP tới dâng hương tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa). Sau khi dâng nén tâm hương tại Thái miếu (nơi thờ các vị vua), tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các liệt tổ, liệt tông, Phó Bí thư đã ghi lưu bút: "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đoàn đại biểu của Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP Hà Nội đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh để thể hiện tình cảm và sự tri ân của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đối với các đức vua triều Lê đã có công đánh đuổi giặc Minh xâm lược…".

* Lễ yểm tâm, khai quang, điểm nhãn tượng Thánh Gióng và lễ cầu quốc thái dân an đã diễn ra tại đỉnh núi Đá Chồng, xã Phù Linh, Sóc Sơn (Hà Nội) vào tối ngày 26-9 với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng hơn 500 hòa thượng và hàng nghìn tăng ni, phật tử, du khách thập phương.

Tượng Thánh Gióng bằng đồng có trọng lượng gần 100 tấn, chiều cao thẳng đứng là 14,2m, tính cả độ vươn ra là 20m được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ đúng mẫu thiết kế của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân với hình ảnh Thánh Gióng tay mang tre ngà, cưỡi ngựa bay về trời xanh, mà còn hiện thực hóa vị thần là biểu trưng cho tinh thần, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

* Sáng qua 26-9 (tức ngày 19 tháng Tám ÂL), tại Tiên Du, Bắc Ninh diễn ra lễ gắn biển công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa chùa Phật Tích. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước chiếm khoảng 40%, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, phật tử trong cả nước. Trước đó, tối ngày 25-9, Đại lễ khai quang Đại Phật tượng trên núi Phật Tích đã được tổ chức long trọng trước sự chứng kiến của hàng ngàn tăng ni, phật tử.

* Nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và phát triển đất nước, Nhà hát Chèo Hà Nội và Công ty CP Truyền thông và Du lịch Hà Lan tổ chức chương trình lễ hội "Hành trình theo dấu người xưa" diễn ra từ ngày 30-9 đến 2-10 tại Ninh Bình, Hưng Yên và Hà Nội.

Đây là chương trình lễ hội tổng thể với một chuỗi các sự kiện văn hóa và tâm linh dựa trên cuộc "Thiên đô" lịch sử của Đức vua Lý Thái Tổ bằng đường thủy, có những hoạt động giao lưu trên bến dưới thuyền độc đáo. Hành trình bắt đầu từ cố đô Hoa Lư từ chiều 30-9 với lễ dâng hương và đêm nghệ thuật "Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội" tại đền Vua Đinh, Lê (truyền hình trực tiếp trên VTV1). Ngày 1-10, sẽ là lễ tiễn Vua dời đô từ bến sông Hoàng Long (Hưng Yên), dừng chân ở Yên Lệnh - Phố Hiến (Hưng Yên) và đến bến Chương Dương Độ (Hà Nội) vào ngày 2-10.

* Lễ hội Văn hóa quận Hai Bà Trưng diễn ra cùng ngày tại cổng chính Công viên Thống Nhất với sự tham gia của gần 1.000 người trong lễ diễu hành biểu dương lực lượng, lễ rước đuốc, màn trống hội Thăng Long và chương trình nghệ thuật đặc biệt. Cùng với Lễ hội Văn hóa, quận Hai Bà Trưng còn tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Đại lễ như triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội; biểu dương người cao tuổi mẫu mực; hội thi "Dấu ấn ngàn năm"…

* Ngày 26-9, khoảng 1.700 người đã đi bộ vì hòa bình xung quanh hồ Hoàn Kiếm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Việt Cường và Nhóm PV Báo Hànộimới