Vũ điệu của vàng

Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 27/09/2010

(HNM) - Liên tiếp phá kỷ lục, vàng đã tiến thẳng tới đỉnh cao vào cuối tuần qua khi chốt phiên với giá 1.297 USD/ounce, tiệm cận mức 1.300 USD/ounce, cho dù đã có lúc vượt qua ngưỡng cản tâm lý quan trọng này. Tăng giá liên tiếp trong 8 tuần liền, hướng đi của vàng đang khiến nhiều người liên tưởng tới một cơn bão dữ dội, cuốn mọi thứ vào vòng xoáy của nó.

Vàng hiện đang có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư.


Bầu không khí "nóng" hiếm thấy trên các sàn giao dịch vàng trên khắp thế giới thể hiện xu thế mua khá rõ, là lời khẳng định cho sự cuồng nhiệt của giới đầu tư với kim loại đặc biệt này. Tuy nhiên, ẩn chứa sau sự sôi động đó là tâm tư trĩu nặng lo âu trước thực trạng kinh tế toàn cầu còn đầy rối ren và tiềm ẩn nhiều bất trắc. Dư âm từ tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 21-9 về khả năng tái sử dụng các biện pháp bơm tiền nhằm vực dậy tăng trưởng cho kinh tế Mỹ, đã tiếp sức cho những bước tiến xa bất ngờ của giá vàng. Quyết định tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức không thể thấp hơn, từ 0 đến 0,25%, vào tháng thứ 20 liên tiếp của FED lại làm giảm sức hấp dẫn mong manh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác. Quy luật nghịch - đảo giữa đồng tiền mạnh nhất thế giới và kim loại quý được tái lập. Làn sóng nghi ngờ nguy cơ bất ổn của tiền giấy đã khiến các luồng vốn rút khỏi "vịnh tránh bão" mà đồng bạc xanh từng chiếm giữ để chuyển sang "bến đỗ an lành" là vàng đang được cho là có độ rủi ro thấp nhất trong thời điểm hiện nay. Khi những thông tin về thị trường tín dụng bấp bênh, thị trường nhà đất suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao đến khó tin... vẫn liên tiếp được đưa ra, đã phác lên bức tranh toàn cảnh nhiều khoảng tối của nền kinh tế thế giới. Cơn sốt kim loại quý đã đưa giá vàng mau chóng vượt qua 6 kỷ lục chỉ trong hai tuần và cộng thêm tới 1,7% giá trị vào tuần qua.

Người ta cũng đã nói tới những lý do khác để giải thích cho vũ điệu sôi động của vàng như: cán cân cung - cầu đang thay đổi do sản lượng từ các mỏ khai thác đang giảm trong khi nhu cầu sở hữu kim loại quý tăng nhanh, hay yếu tố mùa vụ của giá vàng thường bắt đầu vào tháng 9… Tuy nhiên, rất khó lý giải tại sao quỹ tín thác vàng SPDR, một nhân tố điều tiết giá có trọng lượng trên thị trường, liên tục xả hàng trong tuần qua vẫn không thể ghìm được cơn phi mã của kim loại quý. Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yếu tố tâm lý và số đông mới đóng vai trò chủ đạo trong các giao dịch vàng thời gian gần đây. Hầu hết giới đầu tư đều tin vào khả năng vàng đem đến một rào cản chống lại cả lạm phát lẫn giảm phát mà nhiều chính phủ đang mải miết tìm cách đối phó. Vàng đã chứng minh được sức mạnh trong việc lưu giữ giá trị tài sản ổn định trong nỗi sợ hãi của thị trường. Nó cũng khẳng định vai trò là một phần thanh khoản quốc tế và được chấp nhận như một loại tiền tệ an toàn trong lịch sử giao thương truyền thống của loài người.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2008 đến nay, khi cơn bão khủng hoảng tài chính lan rộng và tấn công mạnh vào các thị trường, giá vàng gần như đã tăng gấp đôi trong hành trình tăng gấp 5 lần của hơn 10 năm qua, bắt đầu từ tháng 9-1999 từ mức 251 USD/ounce. Cũng chỉ trong 2 năm qua, 81,6 tỷ USD đã được đưa vào các quỹ tín thác (ETF) đầu tư vàng, cao gấp 8 lần so với giá trị của các quỹ này vào tháng 3-2006. Điều đó phản ánh một thực tế là nguồn vốn của vàng không phải là dòng tiền nóng từ cảm hứng nhất thời mà là một chiến lược đầu tư có tính toán.

Cũng có thể từ lý do đó mà lời cảnh báo từ áp lực chốt lời khi vàng vượt qua những ngưỡng cản kỹ thuật đã không được các nhà đầu tư đang hào hứng với kim loại quý quan tâm nhiều. Xu thế mua vào khi giảm giá đang khiến chu kỳ điều chỉnh của vàng ngày càng ngắn lại, mặc dù các chuyên gia cho rằng quy luật này nếu xảy ra cũng sẽ gây ngỡ ngàng không kém đà tăng chóng mặt như vừa qua. Song cho đến lúc này, nhiều dự báo vẫn ủng hộ cho nhịp tăng dài nhất của vàng trong 9 thập kỷ qua. Giá trị của vàng là ở mức giá người ta trả để mua cho thấy một thực tế: niềm tin với kim loại quý có vẻ đang lớn hơn niềm tin vào các biện pháp kinh tế của nhiều chính phủ.

Vân Khanh