Văn học viết về Hà Nội: Hội ngộ nghìn năm

Văn hóa - Ngày đăng : 08:14, 26/09/2010

(HNM) - Trước Đại lễ mừng Thủ đô nghìn tuổi, tại Hà Nội diễn ra một hội sách lớn mang tên Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần III. Trong đó sách về Thăng Long - Hà Nội đã trở thành tâm điểm, một cuộc hội ngộ những tấm lòng, những cái nhìn và tình yêu của nhiều thế hệ người viết với mảnh đất Kinh kỳ sâu sắc.

Cuốn thư in toàn văn Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ bằng ba thứ tiếng Việt, Hán, Anh tại gian trung tâm rộng 400m2 của Triển lãm - hội chợ.


Hội ngộ
Sách viết về Hà Nội từ xưa tới nay đã tạo thành một dòng riêng với rất nhiều thể loại. Nhưng trong dịp nghìn năm có một này, cuộc hội ngộ của sách Hà Nội có nhiều màu sắc thú vị.

Sách Hà Nội có hầu khắp các khu vực trong cuộc trưng bày sách quy mô vừa qua tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Mỗi đơn vị một vẻ, một cách làm. Nhà sách Thăng Long (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh) ra quân quy mô với 107 đầu sách của nhiều NXB, nhiều khổ, nhưng đồng loạt bìa đỏ, gáy nâu, mũ xanh với hàng chữ “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Sức tiêu thụ còn phải lâu dài, nhưng công phu và nghiêm túc thì đã rõ. Gần như những lĩnh vực, đề tài tiêu biểu về Hà Nội đều thấy ở đây như lịch sử, văn hóa, ẩm thực, âm nhạc…, thậm chí cụ thể hơn như Danh nữ Thăng Long - Hà Nội, Thần đồng Thăng Long - Hà Nội, Những thảm họa xảy ra ở Thăng Long - Hà Nội… Bạn đọc cầm tác phẩm viết về Hà Nội trên tay dù là bộ tiểu thuyết non 800 trang, hay những cuốn vừa phải một hai trăm trang cũng cảm nhận được sự trân trọng, ít nhiều có cái tinh tế Hà Nội.

Dịp này, đơn vị xuất bản sách chính trị của cả nước là “nhà” Chính trị quốc gia - Sự thật cũng góp 15 ấn phẩm về Hà Nội rất đặc trưng với các đề tài lịch sử, địa linh - nhân kiệt… Bên cạnh những công trình công phu, nghiên cứu của các giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân…, thì cũng có tác phẩm đáp ứng thời sự như “Ngô Bảo Châu - Rạng danh trí tuệ Việt Nam” phối hợp với Báo Vietnamnet thực hiện.

Một nét đáng chú ý nữa là nhiều công trình đồ sộ về Hà Nội kết tinh lao động của tác giả trong một thời gian dài đã chọn thời điểm này ra mắt công chúng. Tám triều vua Lý - bộ tiểu thuyết trường thiên của Hoàng Quốc Hải do NXB Phụ nữ ấn hành được quảng bá với mô hình lớn tại triển lãm, được các nhà sách lớn như FAHASA đưa về trưng ở vị trí trung tâm. “Nhà” Trẻ cũng dành một buổi để giới thiệu về ấn phẩm đặc biệt “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” có đánh số từ 1010 đến 2010, của tác giả Nguyễn Vinh Phúc.

Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dự kiến ra mắt trong dịp Đại lễ với 80 đầu sách và ngay trong cuộc trưng bày lớn của sách Việt Nam vừa qua, hơn 40 đầu sách đã xuất hiện trước công chúng, trong đó có những cuốn còn chưa kịp đóng áo, khoác bìa. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, còn bạn đọc quan tâm tới Hà Nội thì cảm thấy thú vị khi bắt gặp Hà Nội tưởng như đã quen thuộc dưới cái nhìn mới mẻ, hoặc qua nguồn tư liệu tiếng nước ngoài như  Hà Nội - Tiểu sử một đô thị của William S.Logan, Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954 của TS.Đào Thị Diến…

Nhiều thế hệ cùng nghĩ về Hà Nội
Bên cạnh những tác phẩm tái bản với tên tuổi những tác giả lớn viết về đất Thăng Long - Hà Nội 10 thế kỷ qua, có thể nhận thấy rất nhiều tác giả trẻ cũng đã dành sự trăn trở, yêu thương cho Hà Nội qua những ấn phẩm nhỏ xinh. Tuy không đồ sộ, nhưng những cuốn sách 200-300 trang này tạo được những nét duyên trong làng sách viết về đất, người Kẻ chợ. Một nhà sách ở phố Đinh Lễ cho biết bộ 3 tác phẩm tiểu luận, tản văn của Nguyễn Trương Quý (NXB Trẻ) gồm “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Hà Nội là Hà Nội” đang rất “chạy”. Nhóm Yêu Hà Nội nào đó và NXB Thanh Niên đã tuyển và cho ra mắt “Blog Hà Nội”, mà trong đó có những trang rất đỗi đời thường, xúc động như Em mang theo gì khi xa Hà Nội?... Đọc để thấy thế hệ 7X, 8X, 9X cũng như cha anh, họ đã sống, đã trăn trở và đã yêu Hà Nội thế nào…

Muôn nẻo đường sách về Hà Nội. Mỗi người sẽ đọc nó với một tâm thế khác nhau. Như một bạn đọc Hà Nội đã mua tới 3 cuốn sách “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” dày hơn 1.000 trang, có số thứ tự trùng với những sự kiện trọng đại của dòng họ, gia đình, trong đó có một cuốn được đặt trang trọng lên bàn thờ họ.

Sách là như thế, có thể chưa thể tiêu thụ ầm ầm được ngay, nhưng qua sách đã thấy tấm lòng nhiều thế hệ đang viết, đang nghĩ về Hà Nội.

Tất nhiên, để sách đến với bạn đọc, ngoài việc có giá trị nội dung, chuẩn về hình thức thì còn cần đến nghệ thuật phát hành. Để tạo ra những điểm “đặc biệt” cho bộ sách dày và giá trị của tác giả Nguyễn Vinh Phúc, NXB Trẻ đã công phu đánh số thứ tự ý nghĩa, mời tác giả ký trực tiếp 1.001 bản sách (mà thực tế nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc phải ký tổng số 2.050 bản).

Nhiều nhà nghiên cứu, bạn đọc đánh giá cao một số đầu sách trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã xuất bản, song lại cũng băn khoăn, sách không có giá, vậy tới đây sẽ phát hành tới bạn đọc thế nào. Phải chăng sách làm ra, việc cần nhất sau đó chính là làm cho công chúng quan tâm, mua sách và đọc sách.

Hà Nội tự hào có công trình “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” mà GS. Trần Nghĩa gọi là bộ “Tùng thư” đồ sộ. Từ thời điểm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội này, tủ sách cần được tiếp tục bổ sung xứng với tầm vóc và ý nghĩa của công trình mà thành phố đã xác định từ khi khởi động.

Đó cũng là cách để Hà Nội mãi mãi đồng hành cùng con cháu mai sau!

Thi Thi