Tám triều vua Lý
Văn hóa - Ngày đăng : 08:08, 26/09/2010
(Bộ tiểu thuyết lịch sử 4 tập của Hoàng Quốc Hải. NXB Phụ nữ và nhà sách Vạn Niên 2010)
Bộ tiểu thuyết trường thiên
Từ lâu, độc giả đã biết đến Hoàng Quốc Hải với những tác phẩm, khảo cứu sâu sắc liên quan đến lịch sử: Văn hóa phong tục, Trắng án Nguyễn Thị Lộ… Sự say mê quá khứ, ham muốn tái tạo nó theo từng giai đoạn có diện mạo tinh thần riêng khiến ông trở thành nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Cách đây ít năm, bộ Bão táp triều Trần 4 tập ra đời, ghi nhận công phu lao động dày dặn của nhà văn.
Cho đến mùa thu này, đúng dịp Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi, Hoàng Quốc Hải - ở tuổi ngoại 70 - “bổ sung” vào đấy hai tập mới Đuổi quân Mông Thát và Huyết chiến Bạch Đằng. Một sự xuất hiện lý thú hơn, cũng cùng thời gian, ông hoàn thành kịp Tám triều vua Lý, bộ tiểu thuyết 4 tập phản ánh tinh thần 216 năm triều Lý- vương triều thiết lập vai trò kinh đô cho đô thị của chúng ta.
Tập 1, Thiền sư dựng nước, viết về Thái tổ Lý Công Uẩn khai triều Lý với vai trò đặt nền móng của các thiền sư. Tập 2, Con ngựa nhà Phật, kể về Lý Thái Tông, người hoằng dương Phật Pháp, ban bố bộ Hình luật đầu tiên ở nước ta, giữ nước an dân. Tập 3, Bình Bắc dẹp Nam, xoay quanh chân dung Lý Thánh Tông, vị vua gồm đủ cả văn trị lẫn võ công. Tập 4, Con đường định mệnh, là giai đoạn từ cực thịnh sang xuống dốc. Từ Lý Nhân Tông chiến thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt đến Thần Tông, Anh Tông, Cao Tông, Huệ Tông khủng hoảng, suy vong dần.
Biết mấy công phu
Tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi người viết những công phu kinh người. Đầu tiên là tìm đọc, đối chiếu, so sánh các nguồn sử liệu để tìm ra đâu là sự chân xác nhất. Sau đó, chiếu cái nhìn chủ quan vào để phản ánh quá khứ, sao cho đúng tinh thần lịch sử lại mang được những ý nghĩa mình muốn gửi gắm. Sự lao động không đơn thuần ở tư duy hình tượng, mà còn ở tư cách nhà khoa học, nhà tư tưởng, văn hóa. Vậy nên con đường ấy gian nan, ít có người theo, theo được đến nơi càng ít.
Thông thường, để hiểu lịch sử nước nhà, tác giả tiểu thuyết lịch sử phải nằm lòng Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử chính thống của nhiều triều đại. Khởi soạn khi Nho giáo đã thịnh, Đại Việt sử ký toàn thư mang cái nhìn “có phần” khe khắt với những diễn biến của thời Lý, giai đoạn Phật giáo cực thịnh. Hẳn là không yên tâm với điều ấy và cũng để rộng rãi kiến văn, Hoàng Quốc Hải tìm đến với những nguồn sách khác, rồi tổng hợp, chọn lọc sự tinh túy qua cái “rây” nhìn nhận của mình. Đó là kho sách Viện Viễn Đông bác cổ, tài liệu Phật giáo, các bộ sử chính thống ở những xứ sở liên quan như Trung Hoa, Nhật Bản, Ba Tư. Nhiều năm làm công tác văn hóa, ông đi đó đây, nhặt nhạnh những văn bia, thần tích, gia phả, kho tàng chuyện dân gian… Sự tham chiếu rộng rãi, những tư liệu cả nguyên gốc lẫn thứ cấp cho phép nhà văn cái quyền phát biểu về một giai đoạn lịch sử, lật lên những tầng sâu còn khuất khúc.
Đối với Hoàng Quốc Hải, triều Lý có những “điểm nhấn” - theo cách nói ngày nay - quan trọng nhất: Tam giáo đồng nguyên, văn hóa thấm đậm tinh thần Phật giáo và sự “hồn nhiên” trong dân sinh, nó tạo ra một xã hội có kỷ cương, nhân văn mà lại tôn trọng, hòa trộn vào tự nhiên. Mở khoa thi, đặt cơ sở cho văn hiến Đại Việt, triều đại ấy lại có những cấm kị hợp lẽ: mùa xuân không chặt cây non, mùa cá đẻ không đánh lưới, mùa con thú động hớn không săn bắt. Vai trò của nhà chùa rất quan trọng, tăng lữ không chỉ tu hành mà còn chủ động nhập thế: can dự triều chính, khai trí, chữa bệnh cho dân gian. Đấy là một thời kỳ hiền hòa, thái tử về làng học cách kéo tơ, con người bình thường an tâm sống trong sự ổn định. Trên cái nền ấy, những giá trị được chưng cất thành đạo đức, văn hóa: ý niệm về quốc gia, văn hiến, để rồi tạo nên sức mạnh sinh tồn khi có ngoại xâm.
Người viết tiểu thuyết lịch sử ở ta không nhiều. Quá gian khó! Nhưng cũng như trên đất nước khác, họ có những “trường phái”, với quan niệm khác nhau. Thái Vũ viết Cờ nghĩa Ba Đình tôn trọng sự nghiêm ngặt, chân xác với sự thực lịch sử. Hà Ân trong Người Thăng Long, Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn lại muốn “khêu” lên “cái gì đó” trong đám tư liệu. Dường như Hoàng Quốc Hải thiên về “nhóm” sau. Khi trả lời một cuộc phỏng vấn, ông nói nhà văn không nên trung thành quá với sử liệu (đại ý). Dường như đấy chỉ là cái nền để ông tưởng tượng tiếp, bay bổng với triết lý, sự đắm đuối chân thiện mỹ của mình.
Tiểu thuyết bắt đầu từ đấy chăng? Chỉ biết nhờ thế mà “Tám triều vua Lý” có được những nhân vật - chứ không phải chỉ là ý tưởng, những đoạn văn (như về vợ chồng Sắn - Lan) tươi tắn như hơi thở dân gian.