Món quà ý nghĩa mừng Đại lễ
Thể thao - Ngày đăng : 08:02, 26/09/2010
Các VĐV tham gia Giải chạy Báo Hànộimới. Ảnh: Nhật Nam |
Tăng cả chất và lượng
Mùa giải này diễn ra vào năm 2010 đầy đặc biệt nên yêu cầu tổ chức giải cao hơn hẳn các mùa giải trước. Kinh nghiệm, những bài học tổ chức giải trong 36 năm qua (trong đó có cả Giải việt dã Báo Hà Tây cũ), đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành thuộc Ban chỉ đạo đã được áp dụng và rút kinh nghiệm trong lần tổ chức thứ 37 này. Ban chỉ đạo giải chạy thành phố sớm được thành lập, Ban chỉ đạo các quận, huyện cũng sớm hình thành để triển khai công việc hiệu quả nhất.
Trước lễ phát động giải, ngày 20-6, nhiều phần việc của giải đã hoàn tất. Điều đáng mừng là, Giải chạy Báo Hànộimới là một điển hình về xã hội hóa hoạt động thể thao và năm nay, ý nghĩa to lớn cũng như uy tín của giải đã thuyết phục được nhà tài trợ kim cương - Công ty Hisamitsu. Bên cạnh một nhãn hàng nổi tiếng với sản phẩm dành cho vận động viên là cao dán Salonpass này, giải còn nhận được sự tài trợ của 10 doanh nghiệp khác, bảo đảm thành công cho một giải đấu mang tính xã hội hóa cao như Giải chạy Báo Hànộimới. Ở các quận, huyện, cán bộ trung tâm TDTT ngày mưa, ngày nắng xuống từng cơ sở để vận động và hướng dẫn các đơn vị vào cuộc.
Sáng 25-9, quận Đống Đa, đơn vị cuối cùng trong 29 quận, huyện đã tổ chức thi chung kết Giải chạy Báo Hànộimới tại sân thể thao Hoàng Cầu với sự tham gia của hơn 400 VĐV từ 42 đơn vị. Các VĐV dự tranh ở 6 nội dung với kết quả cá nhân (giải nhất) như sau: Khối THCS: nữ - Nguyễn Thị Hương (Trung Phụng), nam - Lưu Hồng Duy (Quang Trung); khối THPT: nữ - Bùi Thanh Nga, nam - Nguyễn Ngọc Sơn (cùng thuộc THPT Đống Đa); khối công nhân viên chức - lực lượng vũ trang: nữ - Phạm Thị Lan (phường Láng Hạ), nam - Nguyễn Minh Thành (phường Khương Thượng). Trước đó, tại các cuộc thi chạy kiểm tra cấp cơ sở ở quận Đống Đa, đã có 11.385 người tham gia, gần gấp đôi chỉ tiêu của thành phố giao (6.000 người). |
Đến ngày 25-9, cuộc thi chung kết cấp quận, huyện đã hoàn tất. 29 quận, huyện, đơn vị cơ sở đã chủ động kinh phí tổ chức thi chạy tại đơn vị cho cán bộ, công nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên, chiến sĩ… theo hướng "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tại nhiều nơi, giải thưởng cho VĐV xuất sắc không thua kém giải cấp thành phố. Cũng từ trách nhiệm của những người tổ chức giải, từ sự đam mê thể dục, thể thao, từ ý thức với Thăng Long - Hà Nội nên đã có hơn 184.000 sinh viên, học sinh thuộc 660 trường, gần 90.000 người thuộc 742 đơn vị xã, phường, thị trấn, cơ sở lao động sản xuất và đơn vị vũ trang tham gia và đạt tiêu chuẩn chạy phổ thông, vượt xa chỉ tiêu đề ra (hơn 150%). Nhiều đơn vị tổ chức tốt giải chạy cấp cơ sở như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thường Tín...
Dù số người tham gia chạy cấp cơ sở đông như vậy nhưng chất lượng vẫn được bảo đảm. Hầu hết VĐV đều đạt chỉ tiêu chạy phổ thông, không có chuyện chạy hình thức. Nhiều cán bộ Trung tâm TDTT quận, huyện đã không giấu được niềm vui vì phát hiện được nhiều VĐV có tố chất bên cạnh những VĐV đã được nhắm đến từ trước cuộc thi chung kết. "Cứ đà này, năm nay Gia Lâm khó giữ được ngôi nhất toàn đoàn trước sự tiến bộ của nhiều đoàn khác" - một chuyên gia điền kinh đánh giá như vậy. "Chất" tăng còn được thể hiện ở khâu tổ chức các cuộc chạy kiểm tra cũng như vòng chung kết cấp quận, huyện. Sự trang trọng trong các lễ khai mạc, sự tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn, sự phối hợp giữa các ngành trong Ban chỉ đạo cấp quận, huyện để ngày thi chung kết diễn ra suôn sẻ, nhất là những quận, huyện không có SVĐ phải thi ngoài đường hoặc công viên là điều rõ nét.
"Chất" tăng còn thể hiện ở cảm xúc của những người tham gia, về những gì mà giải chạy mang lại cho họ. Điển hình là câu chuyện ở Công ty In báo Nhân Dân. Chuyện là sau vài năm gián đoạn, năm nay, Công ty In báo Nhân Dân mới "tái xuất" ở Giải chạy Báo Hànộimới. Kết thúc buổi chạy kiểm tra, một VĐV nói rằng: "Không có những buổi chạy như thế này, anh chị em công nhân chúng tôi hiếm có dịp gắn kết để hiểu nhau hơn. Tôi chỉ mong năm nào cũng được chạy". Có lẽ, không có phần thưởng nào dành cho những người tổ chức giá trị hơn những lời tâm sự chân tình kia.
Các VĐV tham gia giải chạy Báo Hànộimới - Vì hòa bình. Ảnh: Viết Thành |
Sẵn sàng cho ngày thi chung kết
Những thành công ở giai đoạn 1 là động lực để Ban chỉ đạo, Ban tổ chức giải chạy cấp thành phố quyết tâm tổ chức ngày thi chung kết, diễn ra ngày 3-10 xung quanh hồ Hoàn Kiếm, an toàn hiệu quả, xứng đáng là một trong 10 hoạt động lớn của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thách thức không ít, số VĐV tham dự lên đến gần 2.000 người - gần gấp đôi mọi năm (trong đó có gần 200 VĐV từ 17 tỉnh, thành khác, hơn 300 VĐV nước ngoài) sẽ khiến lực lượng trọng tài cực kỳ vất vả. Rồi lượng khách mời đông đảo (trong đó có 10 đại sứ các nước Anh, Brunây, Xuđăng, Cuba, Mianma, Angiêri, Australia, Campuchia, Lào, Italia) sẽ khiến BTC phải có phương án tiếp đón sao cho mỗi người đều thấy ấm lòng khi ra về. Các khâu tổ chức khác liên quan như an ninh, y tế, môi trường… cũng phải được nâng cấp so với các năm trước. Nghi thức thắp sáng đài đuốc tại Tượng đài Lý Thái Tổ trong khuôn khổ chương trình "Hành trình rước đuốc về Thăng Long lịch sử", ký cờ hòa bình cũng được tính toán kỹ để bảo đảm suôn sẻ. Thậm chí giả thiết trời mưa trong buổi lễ khai mạc tổ chức thế nào cũng được tính đến.
Những cuộc họp của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức trong những ngày sắp diễn ra giải đã giải quyết hầu hết những vấn đề trên và tất cả đều hy vọng vào một ngày thi chung kết thành công, phát huy truyền thống của giải cũng như kết quả tốt đẹp đã có trong giai đoạn I.