Chuyện “anh cả”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 26/09/2010
Tin vui là nền kinh tế của Việt Nam ngày càng tập trung với sức mạnh dựa vào công nghiệp. Theo báo cáo đóng thuế, chỉ 200 doanh nghiệp đã đóng tới 80% tổng số thuế của 1.000 doanh nghiệp đóng nhiều thuế nhất.
Tin vui nữa là thành phần kinh tế tư nhân của chúng ta bắt đầu chưa được bao lâu đã vươn lên mau chóng và có những đóng góp mạnh mẽ vào tiềm lực của đất nước. Tỷ trọng đóng thuế của khu vực kinh tế tư nhân so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và nhà nước là như nhau: 1-1-1.
Đó là những tin vui và vì vậy khi biết tin buồn càng cảm thấy xót. Bởi lẽ, không ít tập đoàn kinh tế nhà nước được coi là "anh cả" trong nền kinh tế làm ăn chẳng xứng đáng với quyền mà họ được hưởng.
Nhiều năm qua cả dân tộc, đất nước đã rất cố gắng để có cơ nghiệp hôm nay. Dù chưa nhiều, chưa lớn nhưng cũng đáng để tự hào. Chắc rằng "cơ ngơi" sẽ lớn hơn, mạnh hơn, sẽ cho người Việt cơ hội tự hào hơn trên trường quốc tế nếu như một số tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, tức là một số "anh cả", làm việc tốt và nộp thuế tốt. Thật buồn, khi trong danh sách 10 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất không có những tập đoàn kinh tế nhà nước nổi tiếng: Hàng không, Điện lực…
Các đơn vị này có điều gì giải trình để bớt nộp thuế? Sản phẩm của họ tăng giá liên tục nhưng chất lượng sản phẩm, dịch vụ lại chưa xứng với giá cả...
Đảng ta khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo, nghĩa là kinh tế nhà nước định hướng đi cho cả nền kinh tế, tạo nên sức mạnh của kinh tế quốc gia. Thế nhưng nhiều tập đoàn mạnh của kinh tế nhà nước làm ăn như vậy liệu có thể khẳng định được quyền chủ đạo? Và chính là quyền được trao và trách nhiệm cần có cho anh cả không rõ ràng, không cân xứng nên mới nảy sinh ra những Vinashin.
Ngẫm trong một "gia đình" đã đến lúc suy nghĩ lại về "quyền tự nhiên" và trách nhiệm của người "anh cả". Không phải "phế bỏ" quyền ấy, mà là làm sao để "anh cả" xứng đáng là… "anh cả" theo đúng nghĩa! Nếu không, cả gia đình sẽ vướng, khó lên được vì ông "anh cả" chỉ biết có quyền mà thiếu trách nhiệm và càng lại thiếu có khả năng để thực hiện quyền và trách nhiệm đó.
Chuyện "anh cả" cuối cùng là vì chuyện "gia đình" làm sao ngày càng thịnh vượng.