Ổ bọ xít tại Nghĩa trang Bồ Đề không phải loài hút máu

Công nghệ - Ngày đăng : 20:31, 25/09/2010

(HNMO)- Sáng 25/9 nhận được tin báo của người dân về việc xuất hiện một ổ bọ xít nghi là bọ xít hút máu người tại nghĩa trang Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Côn trùng trung ương đã cử đoàn công tác mang theo máy móc và phương tiện đến bơm thuốc tiêu diệt.

Bọ xít bám dày đặc trên thân cây tại Nghĩa trang Bồ Đề


Tại hiện trường, bằng mắt thường cũng có thể quan sát hàng trăm con bọ xít màu đen bám vào thân cây dại với mật độ dày đặc. Các cá thể bọ xít này đang trong quá trình sinh trưởng nên có kích thước không đồng đều, có mùi hôi rất khó chịu.

Theo các cán bộ Khoa Hóa thực nghiệm thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Côn trùng TƯ, các cá thể bọ xít mới phát hiện đang trong quá trình trưởng thành, do còn non nên phải bám vào thân cây hút nhựa để duy trì sự sống. Loài bọ xít này hay gây hại cho cây cối và hoa màu của bà con nông dân.

Căn cứ vào các dấu hiệu thực địa, các cán bộ khoa Hóa thực nghiệm đã khẳng định ổ bọ xít do người dân phát hiện chỉ là loài bọ xít thường (tức bọ xít hôi) không gây hại cho người. Theo TS Phạm Thị Khoa - Trưởng khoa Hóa thực nghiệm Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Côn trùng trung ương TƯ, để phân biệt bọ xít thường và loài bọ xít hút máu có những dấu hiệu cơ bản sau: Về địa bàn cư trú bọ xít hút máu sinh sống trong những đống gỗ, đống củi mục gần nhà dân. Về hình thức, bọ xít hút máu có sọc vàng trên lưng chứ không đơn thuần màu đen và màu xanh như bọ xít thường. Bọ xít hút máu không có mùi hôi như bọ xít thường…

TS Khoa đang nghiên cứu ổ bọ xít

TS Khoa cũng khuyến cáo bà con không nên hoang mang về những loại bệnh do bọ xít hút máu mang lại như bệnh Chagas, bệnh ngủ… bởi vì tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận được bất kỳ một trường hợp nào bị lây bệnh do bok xít hút máu đốt. Để minh chứng, TS Khoa cho biết chính chồng của bà từng bị bọ xít hút máu đốt nhiều vết từ năm 2004 và đến giờ vẫn sống khỏe mạnh, lao động bình thường.

Các nhà khoa học khuyến cáo, để phòng chống bọ xít hút máu đốt, người dân nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, gậm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu nên dọn sạch nhà, nhất là phòng ngủ. Diệt bọ xít không khó và rất hiệu quả nhất là vào ban đêm và có thể diệt bằng phương pháp thủ công.

Một trong những loạit thuốc đặc trị bọ xít hút máu hiệu quả

Theo TS Phạm Thị Khoa, hiện đã có thuốc đặc trị loài bọ xít hút máu. Nếu người dân phát hiện ra ở đâu có ổ bọ xít mà chưa nắm vững về phương pháp tiêu diệt cần liên hệ ngay với Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Côn trùng trung ương, địa chỉ tại 245 đường Lương Thế Vinh để đơn vị cử cán bộ và máy móc, phương tiện đến.

Ngân Hạ