Của rẻ, giá đắt
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:16, 25/09/2010
Tuần rồi, sau khi cơ quan chức năng công bố thông tin về vụ việc liên quan đến những sai phạm của ông Tô Nghiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân Vinashin, thì dư luận lại một lần nữa giật mình về việc đầu tư của một số dự án lớn. Để xây dựng Nhà máy Điện diezen Cái Lân, theo yêu cầu phải mua thiết bị mới, nhưng vị lãnh đạo này lại mua thiết bị cũ đã qua sử dụng, có thiết bị đã han gỉ, thậm chí một số lớn thiết bị là từ một nhà máy cũ của Trung Quốc tháo dỡ ra… Nhưng đó là "cố ý làm trái", còn thực tế xảy ra nhiều trường hợp "thiếu trách nhiệm" trong phê duyệt, đấu thầu các dự án, vì ham rẻ để "báo công", vì ham rẻ để có khoản dư dật…
Tại một cuộc hội thảo cách đây hơn một tháng, một ủy viên của Ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đưa ra con số giật mình: Có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Thực tế này, mới chỉ nhìn ở góc độ kinh tế và chất lượng công trình đã thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại. Ví như dự án Nhà máy Điện diezen Cái Lân, hơn 35 triệu USD đầu tư để mua "sắt vụn", rồi hàng trăm tỷ đồng thua lỗ do nhà máy không hoạt động được.
Thực tế, chính từ tâm lý "ham của rẻ" mà dẫn đến hiện tượng nhiều dự án nhiệt điện và xây dựng rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Đáng nói là sau khi giành được dự án, nhà thầu mới "lộ nguyên hình" yếu kém năng lực dẫn đến thi công chậm, bị đội vốn… Lúc ấy mới ngã ngửa, thay không được, bỏ không xong. Đành bấm bụng. Thôi thì tốn thêm đã đành, nhưng chất lượng công trình lại kém đi. Hơn thế, trong lúc nhà thầu nhởn nhơ, còn ta thì thiệt đơn thiệt kép: nhà thầu trong nước mất cơ hội việc làm; nhiều thiết bị, vật tư do nhà thầu nhập vào khiến cho nhập siêu tăng lên, mà hàng hóa, nguyên liệu nội địa thì ế ẩm. Rồi dây chuyền, công nghệ chất lượng kém, cũng cho ra sản phẩm kém chất lượng…
Vậy là "rẻ hóa đắt". Giá thầu rẻ nhưng chất lượng không cao thì không thể là rẻ. Chi phí phụ phát sinh từ hàng kém chất lượng chắc chắn không dễ tính toán. Và cái tư duy cứ giá rẻ là trúng thầu đã "khẳng định" được hậu quả của nó. Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Cho dù vì bất cứ lý do gì thì cũng đã đến lúc cần có những hàng rào bảo vệ hàng trong nước. Nhà nước cần có quy định chặt hơn trong cơ chế đấu thầu, khuyến khích các doanh nghiệp dùng hàng nội. Còn một khi phải chọn nhà thầu ngoại thì phải có quy chế, không nhất thiết cứ phải có giá thấp là thắng thầu, và có quy định tỷ lệ nội địa hóa. Cũng cần có những quy định rõ ràng trong điều kiện lựa chọn nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu EPC, với các tiêu chí như năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý dự án. Chỉ khi ấy mới yên tâm về đồng vốn bỏ ra sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất mà không thiệt thòi như hiện nay.