Cứ đi rồi sẽ thành đường!

Công nghệ - Ngày đăng : 05:51, 24/09/2010

(HNM) - Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội vừa chuyển giao kết quả của 13 đề tài nghiên cứu KHCN cấp thành phố cho các sở, ngành và doanh nghiệp. Theo TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN, Hà Nội là đơn vị tiên phong của cả nước thực hiện công việc này, vì thế quá trình triển khai còn không ít khó khăn.


Gắn nghiên cứu với sản xuất


Chuyên gia Đức hỗ trợ lắp ráp thiết bị máy phay CNC cao tốc tại xưởng chế tạo của BK Mech.    

Trong số các sản phẩm được bàn giao, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của TP Hà Nội” do Viện Nghiên cứu cơ khí chủ trì; “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy phay CNC cao tốc” của Công ty Cơ điện tử Bách khoa (BK Mech) là những sản phẩm hoàn chỉnh, đạt trình độ tiên tiến có hàm lượng công nghệ cao.

Kỹ sư Trần Đức Quảng, chủ nhiệm đề tài thiết kế máy hút bùn cho biết, đây là sản phẩm mới, lần đầu tiên được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam. Thiết bị này có năng suất hút 40m3/h, nồng độ bùn 60% và hoạt động được cả ở những nơi bùn có chứa rác, phế thải... Đặc biệt, phương án sử dụng tàu hút dưới sông và chuyển bùn vào sà lan hoặc lên xe téc bằng đường ống kín, giúp tiết kiệm khoảng 1/3 kinh phí so với phương án thông thường do không phải dùng thiết bị chuyển bùn trung gian là xe hút chân không. Thiết bị này không những phù hợp với Thủ đô, mà còn có thể áp dụng được ở các đô thị trong cả nước có điều kiện tương tự như sông, hồ thoát nước ở
Hà Nội.

Theo Sở KHCN Hà Nội, một số sản phẩm chuyển giao tuy có hàm lượng khoa học không lớn nhưng giá trị tài chính mang lại có thể đong đếm ngay được. Thạc sỹ Nguyễn Văn Khánh (ĐH Xây dựng Hà Nội), chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thổi rửa và bơm phụt vữa xi măng ở đáy cọc nhằm nâng cao khả năng chịu tải của cọc khoan nhồi trên địa bàn Hà Nội” cho biết, đề tài đã được áp dụng thi công tại 8 công trình và tiết kiệm cho mỗi công trình từ 8 đến 10 tỷ đồng. Trong khi đó, đánh giá về sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết kế chế tạo thiết bị hàn điện - Hàn đối đầu cốt thép trong bê tông nhà cao tầng” (Thạc sỹ Hoàng Đức Long, Viện Nghiên cứu Cơ khí chủ trì), ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Bình Vượng cho rằng, thay vì nối cốt thép khi đổ bê tông bằng phương pháp buộc chồng, nối cơ khí khá tốn nguyên liệu, giải pháp hàn điện xỉ áp lực có chất lượng mối hàn cao, không rỗ, không ô nhiễm môi trường. Cốt thép được hàn đồng tâm nên khả năng chịu lực kéo, chịu nén, chịu uốn của cây thép tăng.

Bất cập vì thiếu cơ chế

Đợt chuyển giao kết quả nghiên cứu vừa qua là năm thứ tư liên tiếp Hà Nội thực hiện công việc này, góp phần tích cực gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh. GS-TSKH Trần Đình Long (Chủ tịch Hội Giống và Cây trồng Việt Nam) cho rằng, Hà Nội chọn các đơn vị nhận chuyển giao là doanh nghiệp, cơ sở y tế... là hướng đi đúng. Trước đây, việc chuyển giao thực hiện giữa các sở, ngành với nhau nên hiệu quả không cao, nhiều kết quả nghiên cứu bàn giao xong lại chịu số phận “chui vào ngăn kéo”.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển giao cũng bộc lộ nhiều bất cập từ cơ chế. Ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ: “Giải pháp mới do chúng tôi đưa ra rất có giá trị nhưng không dễ áp dụng vào thực tế do các công trình thi công bằng vốn ngân sách chịu quy định của quy chuẩn xây dựng. Quy chuẩn này chậm thay đổi nên không có định mức kinh phí cho giải pháp mới, đồng thời là rào cản cho việc ứng dụng công nghệ mới vào thực tế”. Đây cũng là ý kiến nhận được sự đồng thuận của nhiều chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và doanh nghiệp.

TS Lê Xuân Rao cho biết thêm, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu là một trong nhiều khâu nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu KHCN của Hà Nội và quá trình thực hiện bộc lộ hạn chế do thiếu văn bản hướng dẫn từ cấp trên. Thời gian tới, thay vì những công nghệ, thiết bị nhỏ lẻ, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư mạnh theo hướng tạo ra sản phẩm là dây chuyền công nghệ, thiết bị hoàn chỉnh, có sự tích hợp của nhiều lĩnh vực nghiên cứu như cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin…

So với khoảng 100 đề tài nghiên cứu ứng dụng hằng năm được Hà Nội triển khai thì việc chuyển giao kết quả vừa qua chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, những người đi tiên phong luôn gặp phải trở ngại là điều dễ hiểu và cũng từ đây sẽ mở ra cơ hội để có được những thành công sau này. Cứ đi rồi sẽ thành đường là vì thế!

Thế Dũng