Vì một tương lai thịnh vượng hơn
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:26, 24/09/2010
Sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 11-2009, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ II có ý nghĩa quan trọng cho cả Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Mỹ đang tìm cách dấn thân toàn diện hơn vào châu Á, trong đó khối ASEAN có vai trò nổi bật. Thái độ quyết đoán của Mỹ tại khu vực này trong nhiệm kỳ của Tổng thống B.Obama đang khẳng định một cam kết ở mức cao của Washington trong quan hệ Mỹ - ASEAN như một ưu tiên trong chính sách đối ngoại hiện nay của Nhà Trắng.
Chương trình nghị sự thượng đỉnh lần này có chủ đề "Duy trì sự ổn định khu vực". Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, do Mỹ đề xuất, sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông hàng hải, ổn định trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do buôn bán ở vùng biển Đông. Đặc biệt, hợp tác thương mại, đầu tư sẽ là chủ đề được Hội nghị quan tâm. Mỹ sẽ thảo luận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với một số quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã trải qua hai vòng đàm phán.
Trước đây, dù là cường quốc ở Thái Bình Dương, nhưng Mỹ chưa có một chiến lược châu Á toàn diện. Cách tiếp cận của Mỹ với châu Á thời gian qua được nhận ra là chỉ tập trung chủ yếu vào khu vực Đông Bắc Á - Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, với ASEAN, Mỹ chưa bao giờ có một chiến lược rõ ràng. Đây là nguyên nhân căn bản khiến ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á không được mở rộng. Không chỉ có vậy, trước sự nổi lên nhanh chóng của hai người khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ, quyền lợi của Mỹ ở khu vực châu Á đang vấp phải cạnh tranh gay gắt. Một điều không kém phần quan trọng, với vị trí địa - chính trị quan trọng, có nền kinh tế mở và đang phát triển, có dân số đông (hơn 600 triệu người) và một thị trường khá lớn, ASEAN đang ngày càng hấp dẫn các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ 1-2010, Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc đã có hiệu lực. ASEAN cũng đã ký Hiệp định tự do thương mại với Australia, New Zealand, ký FTA với Ấn Độ. 3/8 thành viên đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là các nước ASEAN và 1/3 các nước thành viên APEC cũng thuộc khối này. Thêm vào đó, ASEAN đang trở thành "điểm đến" của thế giới với sự có mặt của những vùng kinh tế và nhiều nước lớn. Mỗi động thái diễn ra tại đây đều có sức lan tỏa và tác động tức thì đến không gian địa lý toàn cầu. Rõ ràng, chiến lược toàn diện của Mỹ với châu Á sẽ khó hoàn thiện nếu thiếu một kế hoạch được xác định rõ ràng với ASEAN, nơi những nước quan trọng nhất khu vực châu Á- Thái Bình Dương gặp gỡ và cạnh tranh.
Vì thế, kể từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống B.Obama đã từng bước điều chỉnh chiến lược theo hướng gia tăng hơn nữa tầm ảnh hưởng vốn có của Mỹ tại châu Á. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, nước Mỹ nhận thấy rằng, can dự sâu hơn vào khu vực ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, với tất cả các đối tác sẽ có lợi hơn trong giải quyết các vấn đề song phương lẫn đa phương; đồng thời theo sát các ảnh hưởng đang không ngừng tăng từ các cường quốc tại khu vực này.
Trên bình diện lợi ích an ninh và chiến lược, ASEAN có 2/5 nước là đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á là: Philippines và Thái Lan. Singapore cũng là một cầu cảng quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với Mỹ. Ngoài ra, Indonesia và Việt Nam cũng chia sẻ những lợi ích chung và đang trên đường hướng tới mục tiêu hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ thời gian tới.
Bên cạnh đó, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, eo biển Malacca và biển Đông, lại nằm trong khu vực này. Nơi đây cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào với hệ sinh học thuộc diện đa dạng nhất trên thế giới. Hơn thế, Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 4 khi chiếm 153 tỉ USD đầu tư của Mỹ, chỉ sau NAFTA (Thị trường tự do Bắc Mỹ gồm: Mỹ, Canada, Mexico), Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản; nhiều gấp ba lần mức 45 tỉ USD vào Trung Quốc và gần 10 lần mức 16 tỉ vào Ấn Độ. Có thể nói, ASEAN được coi là hòn đá tảng trong chiến lược ổn định của Mỹ tại khu vực châu Á. Nhận ra điều này, Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ đã có một sáng kiến quan trọng mang tên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm tạo lập một nền tảng vững chắc cho sự liên kết kinh tế trong khu vực; đồng thời tạo một bản lề mới để mở cánh cửa đang đóng của các vấn đề còn tồn đọng trong khu vực và của thế giới trong tương lai.
ASEAN đang hướng tới mục tiêu một Cộng đồng hợp tác chặt chẽ vào năm 2015 sẽ càng cần thiết trở thành một đối tác quan trọng hơn với Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng cần một ASEAN hùng mạnh trên lộ trình ổn định và thịnh vượng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ II diễn ra tại New York hôm nay đang tiến thêm một bước mới trong lộ trình đó.