Chia vùng phải dựa vào mức sống
Đời sống - Ngày đăng : 07:51, 23/09/2010
Việc chia lại lương tối thiểu vùng theo đặc thù từng địa phương sẽ góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn số 1791 gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, phân vùng địa bàn áp dụng mức tiền lương tối thiểu trong các loại hình DN trên địa bàn các tỉnh. Theo công văn, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đánh giá lại việc thực hiện lương tối thiểu vùng thuộc địa phương. Căn cứ để đánh giá là điều kiện kinh tế xã hội, mức độ phát triển của thị trường lao động, tiền công lao động theo thị trường, trong đó có tính đến yếu tố thu hút đầu tư. Trên cơ sở rà soát đó, địa phương có những đề xuất về thay đổi vùng cho phù hợp với tình hình phát triển và mức tiền công, tiền lương của địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết năm 2007, Viện Khoa học lao động và xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện một nghiên cứu cụ thể làm căn cứ để thực hiện chính sách cải cách tiền lương trong giai đoạn 2008-2012. Nghiên cứu này đã chỉ ra sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng rất lớn. Ví dụ năm 2006, mức chi tiêu bình quân của người Hà Nội là 12,309 triệu đồng/năm, của người dân TP HCM là 13,604 triệu đồng/năm, Đồng Nai gần 7 triệu đồng/năm, các vùng khác dưới 5 triệu đồng/năm. Như vậy nếu chỉ quy định một mức lương tối thiểu chung thì không hợp lý. Chính vì vậy, năm 2008, lương tối thiểu được quy định theo bốn vùng địa lý khác nhau dựa trên nghiên cứu về mức sống. Tuy nhiên, ở thời điểm đó việc quy định các vùng thực hiện lương tối thiểu mang tính áp đặt, nên tới nay đã phát sinh nhiều vấn đề không hợp lý. Lần này, các tỉnh tự xếp mình vào nhóm thực hiện tiền lương tối thiểu nào và phân vùng trong nội bộ địa phương nhằm giúp các địa phương đánh giá sát hơn về tình hình thu nhập, mức sống của từng khu vực nhỏ.
Để làm được việc này, các tỉnh, thành phố phải có những số liệu cụ thể về thu nhập bình quân theo đầu người, chỉ số giá sinh hoạt, nhu cầu thu hút đầu tư, cân đối nhu cầu lao động. Ông Phạm Minh Huân cũng cho biết, các địa phương được quyền đề xuất mức lương tối thiểu song phải tuân thủ một số nguyên tắc như chỉ được tăng một bậc và phải căn cứ cụ thể vào các chỉ số, mặt bằng mức sống tại địa phương, Bộ sẽ làm cân đối tổng thể và trình Chính phủ phân vùng lại. Có thể có địa phương sẽ không có sự thay đổi và có địa phương sẽ tăng từ vùng có lương tối thiểu thấp lên vùng cao. Với việc đề xuất nâng vùng lương tối thiểu từ vùng thấp lên vùng cao, tức là lương tối thiểu sẽ tăng hai lần, vừa tăng theo tỷ lệ tăng lương tối thiểu chung vừa tăng thêm một lần đổi vùng. Làm như vậy chắc chắn sẽ có phản ứng từ DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Song có một thực tế, theo kết quả điều tra 1.500 DN của Bộ LĐ-TB&XH vào năm 2009, dù bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng 98% DN đều trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định. Chính vì vậy, việc nâng vùng có thể sẽ không ảnh hưởng lớn đến DN trong khi đó sẽ bảo đảm được mức sống cho người lao động, nhất là ở những khu vực thị trấn, thị tứ, vùng giáp ranh.
Theo lộ trình tăng lương, nếu các địa phương có những đề xuất cụ thể, sát sao, việc tăng lương tối thiểu có thể được thực hiện từ 1-1-2011 với mức tăng khoảng 12%.
Mức lương tối thiểu trả cho lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Hiện nay, lương tối thiểu của DN trong nước chia làm 4 mức, tương đương với 4 vùng. Các mức lần lượt là: 800.000; 740.000; 690.000 và 650.000 đồng một tháng. Đối với lao động làm việc trong DN FDI, mức lương tương ứng với 4 vùng lần lượt là: 1.200.000; 1.080.000; 950.000 và 920.000 đồng một tháng. |