Ngày mai rồi sẽ đến ai?
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:11, 23/09/2010
Bài 1: Trăn trở những con số
Sinh mạng con người là vô giá. Tổn thất về người do TNGT không bao giờ có thể đo đếm được. Trong một bài viết cách đây 3 năm, tờ Ashahi (Nhật Bản) đã so sánh, số người tử vong, bị thương tật do TNGT ở Việt Nam tương đương tổn thất thời chiến tranh.
Một ca tai nạn giao thông được cấp cứu tại Khoa Cấp cứu ngoại, BV Đa khoa Thanh Hóa. |
Nỗi đau dưới những mái nhà
Không khí trong nhà anh Nguyễn Văn D. (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) vẫn nặng nề, u ám. Nỗi đau ầng ậng trong đôi mắt những người còn sống. Mới hôm mùng 9-9 vừa rồi, D. đi xe máy thì tông vào ô tô. D. được người dân đưa nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi chấn thương sọ não, ngực hở, tràn máu lồng ngực... và đã không qua khỏi. Ban đầu, do không xác định được nhân thân, bác sĩ đành ghi vào y bạ cái tên "Vô danh"... Sau đó, người nhà D. cũng nhận được hung tin. Mới 24 tuổi, D. đi làm mấy năm nay, vừa tự lập vừa phụ giúp gia đình. Cái nạn của đứa con ập xuống bất ngờ quá, bố D. suốt ngày lau nước mắt rồi hút thuốc lào sòng sọc. Còn bà mẹ, từ hôm D. nằm xuống, vẫn chưa gượng dậy nổi.
Với chị Thúy (xã Thanh Hà, Thanh Liêm, Hà Nam), những ngày này là quãng thời gian long đong, chật vật nhất. Mới đây thôi, chồng chị, anh Vũ Minh T. bị tai nạn trên đường đi làm. Anh T. bị chấn thương sọ não, gãy xương sườn, xương đòn... Sau khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, do tình trạng của anh quá trầm trọng, bác sĩ đành phải cho chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Giờ, sinh mạng anh T. không còn bị đe dọa nhưng theo tiên liệu của các bác sĩ, để hồi phục hoàn toàn, để có một cuộc sống bình thường, anh phải mất rất nhiều thời gian nữa, phải tiếp tục vật lộn với số phận. Trong khi đó, anh T. lại là lao động chính của gia đình. Một nách hai con, giờ chị Thúy bạc mặt đôn đáo chạy khắp nơi lo tiền thuốc men chạy chữa cho chồng...
TNGT không trừ ai, người bị tai nạn hầu hết trong độ tuổi lao động. Nỗi ám ảnh trở nên khó nguôi ngoai nhất là ở những người còn quá trẻ. Cách đây chưa lâu, khi em Đỗ Thị T. (Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định) cùng chú ruột đi Hà Nội thì bị ô tô đâm vào. T. bị nghiến nát hai chân, vỡ xương chậu... Một tương lai tương sáng bị đóng sập lại. Mới 18 tuổi, giờ đây T. sẽ phải sống cả quãng đường dài phía trước trong cảnh tàn phế. Rồi cháu Trần Đình L. (xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam), trên đường đi học về, bị xe máy đâm chấn thương sọ não, chấn thương vùng bụng...
Theo GS Vũ Khiêu, trong khi phương tiện giao thông tăng chóng mặt thì cơ sở hạ tầng lại không theo kịp, dù vậy đáng quan tâm nhất lại là văn hóa ứng xử. Việc ứng xử có lí, có tình đã được thể hiện rõ rệt trong văn hóa giao thông của ông cha, đó là ra đường thì nhường người già, phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ người khuyết tật... Nhưng nay, người tham gia giao thông tranh nhau vượt lên, không ai nhường ai, gây ra ùn tắc, tai nạn... Đây không chỉ là yếu kém về văn hóa giao thông mà thực sự là sự suy thoái trong ứng xử giữa người với người. Để xây dựng, cần phải thực hiện cùng lúc hai biện pháp: Trừng phạt và giáo hóa. |
Nỗi ám ảnh của các bác sĩ
Ông Đinh Công Chính, Đội trưởng Đội Tự quản trật tự ATGT xã Thanh Phong (huyện Thanh Liêm) - địa bàn có QL 1A chạy qua - dáng người chắc nịch, nước da đen giòn, ăn to nói lớn. Nom bề ngoài đã thấy ông là người mạnh mẽ nhưng giọng ông chùng hẳn xuống khi "liệt kê":
- Mấy năm nay, tai nạn (xảy ra trên địa bàn xã) dù giảm dần nhưng cũng có hàng chục vụ nghiêm trọng mỗi năm, không ít nạn nhân đã tử vong. Đặc biệt, chỉ từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 10 vụ.
Ba tuần trước, hai học sinh đi qua đoạn đường này thì bị tai nạn. Một cháu tử vong tại chỗ, một cháu được đưa đi cấp cứu song không qua khỏi. Có những vụ ám ảnh ông Chính mãi không thôi. Chẳng hạn, hồi năm 2008, một chiếc xe con chạy hướng Hà Nội - Ninh Bình đã đâm vào một lúc 5 cháu học sinh. Bốn cháu được cứu sống, nhưng một trong số đó chịu cảnh tàn tật. Có vụ, ông Chính và các cứu hộ viên tự nguyện quần đùi, cởi trần đưa nạn nhân đi viện; có ca ông Chính phải tất tả chạy đi thuê máy cắt để phá dỡ đầu máy ô tô đưa nạn nhân ra... - Chậm một phút thì nạn nhân chết, nhanh một phút thì họ được sống. - Ông Chính ngậm ngùi.
Bác sĩ Phan Thanh Phong, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam từng tiếp nhận rất nhiều ca bị TNGT. Nhiều ca đã để lại trong anh những chua xót, day dứt bởi tình trạng bi đát, thậm chí tuyệt vọng của họ khi vào viện: Đấy có thể là một cháu nhỏ, một người đang là trụ cột gia đình... Trung bình một ngày, Khoa Cấp cứu bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 nạn nhân, ngày cao điểm lên tới hơn 40 trường hợp, hầu hết là do TNGT. Trong số này, 5% bị đa chấn thương hoặc các chấn thương nặng như sọ não, gãy xương đùi, chấn thương bụng kín, chấn thương ngực... Anh Phong ngậm ngùi: Chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm trường hợp tử vong trên đường vận chuyển...
Bác sĩ Lưu Ngọc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, đã có 26 năm công tác trong ngành. Tiếp nhận, chứng kiến, trực tiếp cứu chữa người bị TNGT đã trở thành... chuyện thường ngày của anh. Cảm giác bị sốc mỗi khi tiếp nhận người bị nạn không còn bởi lí do rất đơn giản như anh nói là "nếu chúng tôi sốc, bệnh nhân... chết trước" nhưng ám ảnh nghề nghiệp đối với anh và đồng nghiệp đều nặng nề. Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu ngoại tiếp nhận 10-12 ca bị TNGT trong giờ trực (ngoài giờ, người bị nạn được chuyển thẳng đến các khoa khác), thường là nghiêm trọng. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong 8 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 1.499 ca bị TNGT, trong đó có 3 ca tử vong.
Vụ tai nạn này xảy ra khi người lái xe tải chuyển hướng đột ngột, không quan sát còn người đi xe máy cố vượt. |
Những con số đau xót
Theo ông Bùi Đức Tĩnh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam - nơi có hai tuyến đường trọng điểm chạy qua là QL 1A, 21A- từ năm 2006 đến nay, số vụ TNGT trên địa bàn đã tương đối... "nằm trong vòng kiểm soát". Tuy nhiên, cũng chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 73 vụ, cướp đi 69 sinh mạng, làm 32 người bị thương. Điều chua xót nữa là không ít trong số người bị thương phải chịu cảnh tàn tật. Nhưng nếu như "tham chiếu" với báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, con số này có vẻ... hơi ít. Chưa kể, nhiều trường hợp bị TNGT được... đưa thẳng về nhà.
QL 1A là tuyến đường huyết mạch của cả nước, cũng là tuyến đường mà "kẻ sát nhân hàng loạt" công khai hoành hành dữ dội nhất. Hầu như không địa phương nào có QL 1A đi qua lại không đứng trong "danh sách đen" về số vụ tai nạn. Ông Nguyễn Thanh Tố, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, cho hay, trong 8 tháng đầu năm nay, địa phương này đã có 167 người nằm xuống, 80 người bị thương nặng vì TNGT.
Nếu như trung bình mỗi ngày của năm 2009, TNGT đã cướp đi 32 sinh mạng, làm bị thương khoảng 22 người thì trung bình mỗi ngày của 7 tháng đầu năm 2010, cũng 32 người nằm lại trên các cung đường, 28 người bị thương vì TNGT. Theo Ủy ban ATGT quốc gia, 7 tháng đầu năm 2010, cả nước có gần 8.000 vụ TNGT, tăng hơn 10% về số vụ so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, có 30 địa phương tăng về số người chết vì TNGT, chẳng hạn Thừa Thiên Huế tăng 31%, Điện Biên tăng 44,4%, thậm chí Bạc Liêu tăng 70%, Lai Châu tăng... 92,7%... Số người tử vong còn cao, không đạt "chỉ tiêu" giảm 5% (số vụ và số người chết) như Trưởng ban ATGT quốc gia yêu cầu.
Sinh mạng con người là vô giá. Tổn thất về người do TNGT không bao giờ có thể đo đếm được. Trong một bài viết cách đây 3 năm, tờ Ashahi (Nhật Bản) đã so sánh, số người tử vong, bị thương tật do TNGT ở nước ta tương đương tổn thấp trong thời chiến tranh. Neil Nguyen, chuyên gia người Mỹ gốc Việt, trong một chủ đề về Việt Nam, đã rất cám cảnh: - Chúng ta không thể làm gì với các thảm họa thiên nhiên khó lường trước nhưng có hàng nghìn cái chết có thể phòng tránh được bởi TNGT. Hàng nghìn người thương vong bởi tai nạn hằng năm đã để lại vết thương khó lành cho người thân, gia đình họ và là tổn thất không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.
Rất chua xót!