Ván bài kép liệu có trắng tay?
Thế giới - Ngày đăng : 07:03, 23/09/2010
Vấn đề tỷ giá đồng NDT đã gây sóng gió trong mối quan hệ Mỹ - Trung. |
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ duy trì áp lực đối với Bắc Kinh về vấn đề tiền tệ và thương mại thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với khúc mắc dai dẳng trong quan hệ vốn nhiều trắc trở giữa hai cường quốc. Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về tỷ giá đồng NDT hồi tuần trước, ông chủ Nhà Trắng cho rằng "đồng bạc hồng" vẫn được định giá thấp hơn thị trường và Trung Quốc đang thực thi chiến lược nhỏ giọt trong điều chỉnh chính sách tiền tệ sau cam kết bước ngoặt hồi tháng 6. Việc Tổng thống B.Obama có kế hoạch sẽ đưa vấn đề tỷ giá tiền tệ và thương mại Trung Quốc ra thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 11 tới phát đi tín hiệu về khả năng Mỹ quyết tâm gia tăng sức ép nhằm chấm dứt sự can thiệp mà Washington cho là đáng kể của nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Động thái của người đứng đầu nước Mỹ được đưa ra vào thời điểm bầu không khí chính trị tại xứ Cờ hoa đang tăng nhiệt với mùa bầu cử giữa kỳ, khi vấn đề tỷ giá đồng NDT và các tranh chấp thương mại đang ngày càng trở thành điểm nóng. Từ nhiều năm nay, Mỹ luôn bảo lưu quan điểm Trung Quốc cố tình duy trì tỷ giá đồng nội tệ thấp giả tạo nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong các giao dịch thương mại với đối tác bên kia bờ Thái Bình Dương. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới khoản thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước và cướp đi việc làm của nhiều người Mỹ trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục. Không ít nhà lập pháp và doanh nghiệp Mỹ đang sôi sục với những lời kêu gọi Washington thực hiện các biện pháp trả đũa thương mại Bắc Kinh vì chính sách mà họ tin rằng đã ngáng trở sự hồi phục sức mạnh Mỹ vào thời điểm nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gượng dậy sau bão khủng hoảng. Nhiều tính toán cho thấy đồng NDT mạnh lên sẽ mang lại cơ hội tạo thêm khoảng nửa triệu việc làm tại Mỹ trong vòng 2 năm tới, mà không làm tăng gánh nặng nợ công hay thâm hụt ngân sách. Cùng với lá đơn kiện Trung Quốc đối xử không công bằng với các nhà cung cấp thép và các dịch vụ thanh toán điện tử của Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hồi tuần trước, những diễn biến dồn dập gần đây đang đưa Mỹ - Trung tiến gần hơn tới bờ vực của một "cuộc chiến" tiền tệ và thương mại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ này khó xảy ra trong tương lai gần.
Với mối quan hệ kinh tế song phương được chứng minh là rất hiệu quả thời gian qua, sự phụ thuộc lẫn nhau tất yếu giữa 2 nước chắc chắn khiến cả người Mỹ và Trung Quốc ý thức được rằng bất kỳ lời đe dọa hay trừng phạt nào sẽ không có lợi do kéo theo làn sóng bảo hộ và những cú sốc hệ lụy.
Trái ngược với sự nôn nóng của Washington, Bắc Kinh vẫn tỏ ra thận trọng trong các bước đi tiền tệ và nhấn mạnh việc gây sức ép về tỷ giá chỉ dẫn đến những hiệu ứng ngược trong quan hệ hai nước. Không quá khó hiểu tại sao Trung Quốc không muốn nhanh chóng cởi bỏ nút thắt NDT. Ngoài lý do đồng tiền mạnh sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu và gây hại tăng trưởng kinh tế, sự nâng giá của đồng NDT còn đồng nghĩa với sự sụt giá của đồng USD. Như vậy, nếu đồng USD mất giá, gần 900 tỷ USD trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ sẽ bị thu hẹp đáng kể giá trị và đương nhiên Bắc Kinh không mong muốn đối mặt với rủi ro này.
Sau những thập kỷ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đang nổi lên trên nhiều phương diện và khiến người Mỹ nhận ra rằng thách thức từ quốc gia châu Á này không thuộc về tương lai xa mà đang diễn ra. Thực tế đó cũng đe dọa vị trí siêu cường của Mỹ trên sân khấu chính trị thế giới. Trên bàn cờ quốc tế đã xuất hiện những nhân tố kinh tế mới không thể xem thường. Nhà Trắng đang đứng trước một ván bài kép khi kết quả như mong muốn không thể đến từ sự trừng phạt và cũng khó đạt được từ những nỗ lực hợp tác mềm.