Phân cấp không phải là chia quyền

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 22/09/2010

(HNM) - Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền được coi là bước tiến trong quản lý nhà nước. Thế nhưng, để phân cấp thành công là cả một nghệ thuật. Bởi phân cấp là để cấp trên bớt quyền nhưng không mất quyền, cấp dưới thêm quyền nhưng không lạm quyền, cuối cùng để công việc chung tốt lên là những đòi hỏi không phải dễ đạt được.


Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đang khảo sát hiệu quả thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội trên địa bàn để chuẩn bị triển khai tiếp cho giai đoạn 2011-2015. Đây là việc làm cần thiết để đánh giá chính xác về kết quả một chủ trương quan trọng, vốn chứa đựng không ít những bất cập hiện nay.

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ, phân cấp, giao quyền là cấp trên chia bớt việc cho cấp dưới thay vì cho rằng, phân cấp còn là cấp dưới giao lại quyền cho cấp trên. Phân cấp cần được hiểu theo hai chiều "có đi, có lại", là việc tổ chức lại phương thức quản lý nhà nước sao cho hợp lý, đem lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện cho phép. Không thể có chuyện, cứ phân cấp, giao quyền xong thì không có chuyện thu lại. Nếu ở thời điểm này, năng lực của cấp dưới chưa đủ, điều kiện chưa đạt, thì cấp trên nên thu lại việc đã phân cấp. Nó cũng giống như việc đi câu, để bắt được cá to, việc kéo, thả phải nhịp nhàng, linh hoạt. Phương châm "nơi nào làm tốt hơn thì giao quyền cho nơi đó" trong phân cấp chính là ở chỗ này.

Hiện nay, có nhiều việc dù thành phố đã phân cấp được vài năm như, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị… nhưng quận, huyện vẫn "kêu trời" vì khó tuyển, khó giữ chân được cán bộ chuyên môn, nên "việc đã phân, nhưng chưa làm được". Hay vấn đề quản lý trạm y tế xã, nếu cứ để Sở Y tế quản lý toàn diện như hiện nay, thì nói như một cán bộ ở huyện Mỹ Đức "trạm xá hỏng bóng đèn cũng phải đợi kinh phí của sở rót xuống". Đến lĩnh vực khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật cũng vậy. Bệnh dịch xảy ra, địa phương phát hiện, muốn "chạy chữa" ngay nhưng vẫn phải chờ ngành dọc phê duyệt. Đây là một số không nhỏ bất cập trong phân cấp hiện nay, đòi hỏi những người "cầm cân nảy mực" phải linh hoạt hơn trong "kéo, thả" sao cho quyền được phân về đúng nơi hợp lý.

Trong phân cấp còn có chuyện, ngành này, đơn vị nọ thấy việc lợi thì tìm cách "ôm", thấy việc kém lợi thì tìm cách đùn đẩy. Vì thế mà phân cấp muốn tăng hay giảm quyền của cấp dưới có lẽ phải "đo" được "sức" của các bên mạnh hay yếu, thiếu hay thừa. Có làm được như thế thì phân cấp đến đâu mới có thể "trúng" đến đó. Phân cấp "trúng" và "đúng" mới gắn được quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị. Mà phân cấp, phân quyền không thể không gắn chặt với trách nhiệm. Chỉ có như thế, "việc được phân, quyền được cấp" mới được tôn trọng thực thi, không bị bỏ lơ hoặc lạm dụng.

Trách nhiệm trong việc phân cấp quan trọng còn phải ở cấp trên. Bài học nhãn tiền về phân cấp quản lý rừng, quản lý biển vẫn còn nóng hổi. Có địa phương tự ý cho nước ngoài thuê rừng, thuê biển, mà Bộ chủ quản không kiểm soát được. Có nghĩa là, phân cấp không thể là "khoán trắng" cho cấp dưới. Cấp trên phân cấp nhưng phải giữ được quyền kiểm tra, giám sát.

Tóm lại, phân cấp dù theo hướng nào thì mục đích cuối cùng phải là hiệu quả công việc tốt lên.

Hà Vũ