Gắn biển công trình 1000 năm TL cho dự án s/x Gốm Chu Đậu

Xã hội - Ngày đăng : 15:24, 21/09/2010

(HNMO) – Có vai trò quan trọng trong việc phục hồi dòng gốm cổ quý giá, đã thất truyền hơn 500 năm; quảng bá và tiêu thụ rộng rãi ra thị trường nội địa và thế giới, công trình đầu tư mở rộng giai đoạn II Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, (đặt tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã được UBND TP Hà Nội quyết định gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào sáng 21/9.

(HNMO) – Có vai trò quan trọng trong việc phục hồi dòng gốm cổ quý giá, đã thất truyền hơn 500 năm; quảng bá và tiêu thụ rộng rãi ra thị trường nội địa và thế giới, công trình đầu tư mở rộng giai đoạn II Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, (đặt tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã được UBND TP Hà Nội quyết định gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào sáng 21/9.

Đến dự buổi lễ có ông Lê Quang Nhuệ - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội; bà Nguyễn Thị Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương…


Đ/C Lê Quang Nhuệ - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội trao quyết định công trình kỷ niệm 1000 năm TL-HN cho lãnh đạo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và Xí nghiệp Gốm Chu Đậu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lưu – Giám đốc Xí nghiệp Gốm Chu Đậu cho biết: Từ năm 2010, Xí nghiệp gồm Chu Đậu đã được Tổng Công ty Thương mại Hà Nội phê duyệt cho phép đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II.

Ở giai đoạn này, Xí nghiệp đã xây mới xưởng sản xuất số 2 với 1.500 m2 nhà xưởng, 720m2 nhà đổ rót, 200m2 nhà kho thành phẩm, nhà café và ăn nhanh 51,41m2. Bên cạnh đó là xây dựng không gian Nhà Thư pháp rộng 10.000m2 (với nhà thờ Tổ nghề gốm, Nhà Bát giác, Nhà Thư pháp, đường đi bộ, sân vườn), xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, Xí nghiệp còn chỉnh trang Khu nhà Trưng bày sản phẩm với hàng vạn chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng phục vụ khách hàng.


Gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm TL-HN cho dự án Gốm Chu Đậu.

Công trình được khởi công từ ngày 21/5/2010, đến nay sau 120 ngày xây dựng đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, kỹ - mỹ thuật và đi vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

Đáng chú ý, song song với dự án mở rộng sản xuất, các mặt hàng quà tặng phục vụ Đại lễ như đĩa gốm 1000 chữ Long lớn nhất Việt Nam đã được Xí nghiệp chú trọng sản xuất. Hơn nữa, việc tái hiện làng Gốm Chu Đậu tại con đường gốm sứ trên đê sông Hồng, Hà Nội với diện tích 70m2 thực hiện để chào mừng Đại lễ cũng đã hoàn thành.


Các quan khách xem đĩa gốm 1000 chữ Long lớn nhất Việt Nam làm quà tặng phục vụ Đại lễ.

Vui mừng trước sự kiện công trình sản xuất Gốm Chu Đậu được gắn biển chào mừng Đại lễ, bà Nguyễn Thị Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói: Một trong những làng nghề cổ nổi tiếng của tỉnh là nghề gốm, trong đó, Gốm Chu Đậu mới được khôi phục lại trong những năm gần đây song đã thực sự nổi tiếng trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Từ xa xưa (thế kỷ 14 – 17), tại Chu Đậu – Nam Sách, nơi hội tụ khí thiêng đất Việt, nơi gặp gỡ và giao lưu của 6 con sông vùng Đông Bắc đã tạo nên một làng nghề cổ truyền thống thấm đẫm cốt cách, tâm hồn Việt.

Ngay từ thế kỷ XV, Gốm Chu Đậu đã nổi tiếng từ kiểu dáng đến hoa văn, họa tiết, màu men vô cùng độc đáo, thể hiện trình độ tinh xảo cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, nhất là Gốm Hoa lam… Trong những sản phẩm của Gốm Chu Đậu còn lưu lại đến ngày nay, có thể kể đến một tác phẩm độc đáo đang được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Topkapisaray Istabul Thổ Nhĩ Kỳ là Bình Tỳ bà Gốm Hoa lam. Màu sắc, hoa văn, chất liệu… trên bình đã thể hiện sự khéo léo tài hoa, kỹ thuật tinh xảo biểu tượng của sự trường tồn của Gốm Việt Nam nói chung và Chu Đậu nói riêng.

Với nhận thức sâu sắc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biến những giá trị văn hóa thành hàng hóa xuất khẩu với giá trị cao, khôi phục và phát triển sản xuất tại các làng nghề truyền thống, kết hợp sản xuất kinh doanh với du lịch làng nghề nhằm tôn vinh thương hiệu hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam, giới thiệu và quảng bá hàng hóa với bạn bè năm châu trên thế giới, từ năm 2000 tỉnh Hải Dương đã có chủ trương đầu tư dự án, khôi phục và phát triển làng nghề gốm sứ Chu Đậu.


Phong phú các sản phẩm Gốm Chu Đậu mang hồn đất Việt.

Theo đó, từ năm 2001, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội là doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận việc phục hưng và phát triển lại vùng làng nghề Gốm Chu Đậu. Dòng Gốm Chu Đậuđã được hồi sinh và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ… Từ năm 2005đến 2010, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu sản xuất tăng trưởng bình quân 125%, thu nhập người lao động được nâng cao, tạo việc làm cho 250 lao động địa phương. Thương hiệu Gốm Chu Đậu HAPRO đã trở thành quen thuộc, thân thiết với nhiều khách hàng Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quang Nhuệ - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đánh giá: “Dự án đầu tư mở rộng Xí nghiệp Gốm Chu Đậu giai đoạn II là một trong những dự án quan trọng không chỉ của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội mà còn mang ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nghề làm Gốm truyền thống của Việt Nam nói chung và của Hải Dương nói riêng, vì vậy để quản lý và khai thác tốt các hạng mục của dự án này, tôi đề nghị các đồng chí cần phải nghiên cứu, vận dụng tốt công tác quản lý, đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân tay nghề cao, tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi chuyên sâu hơn nữa trong lĩnh vực đồ gốm cũng như thư pháp để có thể cho ra đời những sản phẩm mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam”…

Lan Hương