Không được tùy tiện đón, trả khách

Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 21/09/2010

(HNM) -Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, sau một thời gian có hiệu lực, dư luận cho rằng thông tư làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vận tải tuyến cố định.


Quản lý tốt kinh doanh vận tải cố định góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và bảo đảman toàn giao thông. Ảnh: Trung Kiên

- Thưa ông, sau khi thông tư có hiệu lực, dư luận đã có ý kiến cho rằng việc kinh doanh vận tải tuyến cố định sẽ bị ảnh hưởng. Vụ tiếp nhận thông tin này thế nào?

- Ngay trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các cơ quan quản lý nhà nước đã đặt mục tiêu siết chặt quản lý vận tải nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc cấm các phương tiện vận tải dừng đón, trả khách dọc đường đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 91 của Chính phủ, Thông tư 14 của Bộ GTVT đến Nghị định số 34 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính. Tất cả các xe vận tải chạy tuyến cố định buộc phải tuân thủ quy định đón khách tại bến và trả khách tại bến.

- Điều đó có nghĩa là xe chạy tuyến cố định chỉ được phép chạy từ bến xuất phát đến thẳng bến cuối cùng, không được phép vào các bến dọc đường đón, trả khách?

- Trong thông tư quy định, lái xe, phụ xe sẽ phải thực hiện đúng biểu đồ vận hành đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận; thực hiện đúng hành trình, lịch trình, đón hành khách tại bến xe nơi đi, nơi đến, không đón trả khách dọc đường. Việc làm này sẽ giúp các DN, cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý phương tiện vận tải dễ dàng, hiệu quả hơn. Các cơ quan chức năng sẽ cấp phép cho xe chạy tuyến cố định. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện quy trình cho phép khai thác thử và công bố tuyến có cự ly trên 1.000km; dưới 1.000km do các sở GTVT quyết định. Nếu như trên từng đoạn ngắn đã có tuyến phục vụ bảo đảm tính cạnh tranh và đủ phương tiện vận tải, thì xe chạy tuyến đường dài không nhất thiết tham gia phục vụ từng đoạn ngắn. Ở đây phải nói rõ, quy định không cấm xe chạy tuyến đường dài vào các bến dọc tuyến đón, trả khách, nhưng để vào các bến dọc tuyến, DN phải đăng ký trước và được cơ quan quản lý chấp thuận nếu thấy cần thiết. Ví dụ, xe tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có thể vào bến tại Vinh đón, trả khách nếu cơ quan quản lý kiểm tra và cho rằng cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khi lượng phương tiện phục vụ tuyến ngắn không đủ đáp ứng. Có thể hiểu đơn giản là xe chạy tuyến đường dài có thể vào các bến dọc đường đón khách như tàu hỏa vào các ga dọc tuyến, nhưng phải có lịch trình cụ thể, được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Tất nhiên, khi đi đoạn ngắn sẽ có giá vé chặng. Việc "phân khúc" vận chuyển sẽ tăng tính chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng phục vụ.

- Xe chạy tuyến cố định có được phép đón, trả khách tại các trạm dừng nghỉ không, thưa ông?

- Khi đăng ký hoạt động, DN phải xác định cụ thể điểm đi, điểm đến và các điểm dừng, đỗ theo tuyến đường nhất định. Xe chạy tuyến cố định không được phép đón, trả khách tại các trạm dừng nghỉ. Khách đi trên tuyến cố định bắt buộc phải đi, đến tại các bến xe. Để đồng bộ hóa với Thông tư 14, Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư 24 quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong Thông tư 24 đã quy định hết sức cụ thể về quy mô, mức độ, điều kiện của từng loại bến xe cũng như trạm dừng nghỉ. Hệ thống cơ sở hạ tầng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và từng bước hoàn thiện hệ thống dịch vụ vận tải ở nước ta.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Đức