Người mang quà trung thu tới trẻ thơ
Đời sống - Ngày đăng : 19:13, 20/09/2010
Cứ mỗi độ thu về, đem tới mọi nhà một cái Tết không thể nào quên - Rằm trung thu. Đối với mỗi người dân Việt, đêm Trung thu là nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc không thể thiếu. Dưới ánh trăng, cả nhà sum họp quây quần bên mâm cỗ hoa quả được bày sinh động bởi những bàn tay khéo léo, sáng tạo của thành viên trong gia đình.
Đây cũng là dịp các cụ cao tuổi ngồi cùng nhau đàm đạo, nhâm nhi chén rượu, vừa thưởng trăng vừa sáng tác, ngâm vịnh thơ cho nhau nghe như một thú thanh tao... Còn trẻ em thì tung tăng, hát những bài đồng dao ngộ nghĩnh, đáng yêu. Nhưng điều đặc biệt lôi cuốn trẻ thơ là những chiếc đèn ông sao có gắn nến thắp sáng bên trong. Với các em, đêm Trung thu sẽ kém huyền diệu nếu như vắng bóng những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu.
Chính vì vậy, không biết từ bao giờ, chiếc đèn ông sao đã trở thành biểu tượng của đêm rằm Trung thu, trở thành người bạn thân thiết của trẻ thơ qua nhiều thế hệ. Trong chúng ta, khi trưởng thành cho dù với bao nỗi lo toan cuộc sống, trong sâu thẳm vẫn lưu mãi cảm xúc khó quên khi nhớ về những ngày cùng chúng bạn vui rước đèn ông sao trong tiếng trống ếch rộn ràng của những đêm trung thu thời thơ bé.
Chiếc đèn ông sao còn là món quà không phân biệt đẳng cấp, phù hợp khả năng mọi gia đình từ nông thôn tới thành thị bởi giá thành khá rẻ. Hiện nay, chỉ với 5.000đ-10.000đ, là có thể mua được một chiếc đèn ông sao rất đẹp…
Có một người dáng vóc nhỏ nhắn mang nụ cười trẻ thơ, đã 35 năm nay cần mẫn, tỉ mẩn với công việc tạo ra những chiếc đèn ông sao rực rỡ, góp phần mang cho tuổi thơ một món quà hấp dẫn trong những đêm rằm trung thu... Đó là bác Nguyễn Canh Nhân (55 tuổi) ở xóm Thượng, thôn Thạch Bích, xã Bích Hoà (Thanh Oai).
Mồ côi mẹ từ lúc mới 6 tháng tuổi. Năm lên 4, cha cưới dì hai, tuổi thơ của cậu bé Nhân thiếu tình thương của mẹ. Thương con, cha cậu đã tìm mọi cách bù đắp, nhất là những dịp trung thu, dù khó khăn hay bận rộn công việc, cha vẫn không quên mua cho cậu một chiếc đèn ông sao để vui cùng chúng bạn. Chiếc đèn ông sao dường như đã làm cậu bé mồ côi vơi bớt rất nhiều nỗi tủi thân vì vắng mẹ. Kỷ niệm ấu thơ ấy đã nhen nhóm trong cậu bé mơ ước sau này sẽ tự làm một chiếc đèn ông sao cho riêng mình và cho những bé thơ như cậu.
Mang ước mơ ấy làm hành trang cuộc sống, học xong phổ thông, năm 1969, chàng thanh niên Nguyễn Canh Nhân đã đi khắp nơi học nghề, tìm kế sinh nhai. Được giới thiệu ở làng Bão Đáp (thuộc tỉnh Nam Định) có nghề dán đèn ông sao và làm hoa nhựa, anh đã lặn lội tìm đến tận nơi để xin học nghề. Khi đã nắm bắt được kỹ năng trong từng công đoạn của nghề làm đèn và hoa nhựa, anh trở về quê, bắt tay vào công việc để thỏa nguyện mong ước thời thơ ấu. Nhờ nghề, anh đã nuôi sống bản thân và gia đình.
Thế là từ năm 1970, anh bắt đầu với công việc của mình. Làm một mình không xuể, anh đã vận động mọi người trong xóm cùng giúp sức. Có thời điểm, tổ sản xuất đèn và hoa nhựa của anh có tới vài chục người tham gia… Những năm còn chế độ bao cấp, sản phẩm của họ đều được các công ty Công nghệ phẩm trong và ngoài tỉnh thu mua theo hợp đồng ký kết với số lượng vài nghìn chiếc mỗi đợt. Số còn lại, được đem bán lẻ ở các điểm vui chơi của thiếu nhi và được các em đón nhận nồng nhiệt. Hầu như năm nào cũng vậy, những chiếc đèn ông sao đều bán hết veo, thậm chí không đủ số đèn để cung cấp cho các em…
Đã 35 năm mùa thu trôi qua, từ hồi còn là chàng thanh niên nay đã thành người “có tuổi”, nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cận kề Trung thu, những chiếc đèn ông sao lại được bác Nhân dành cho mối quan tâm đặc biệt. Từ việc mua nguyên liệu chính là nứa, bác cũng phải lựa mua tận Gốt (Chương Mỹ), rồi mang về chẻ khung, vót chuốt cho nhẵn, mượt để làm khung đèn. Còn loại giấy dùng để dán vào khung, bác cũng phải lựa mua loại tốt nhất như giấy của Tiệp để đảm bảo màu đèn không bị phai. Chính vì vậy, những chiếc đèn ông sao do gia đình bác làm ra chưa bao giờ bị ế. Bác cho biết, nhiều năm không đủ đèn bán cho khách hàng. Chỉ mới vào đầu dịp trung thu năm nay, bác đã phải tiếp rất nhiều lượt khách đến cất buôn, mỗi lượt họ mua tới cả nghìn chiếc. Dự định trong những ngày tới, sẽ bán được nhiều hơn nữa…
Nhờ bác truyền dạy, đến nay, nhiều người ở trong làng đã thạo nghề, tự lập riêng tổ sản xuất tại gia đình. Công việc này dễ làm và phù hợp với mọi lứa tuổi, vừa tranh thủ được sức lao động nhàn rỗi ở địa phương, vừa tạo ra một nguồn thu đáng kể cho các hộ gia đình. Hộ anh Nguyễn Văn Quang là một ví dụ: Mỗi dịp Trung thu, gia đình anh như một xưởng sản xuất đèn ông sao với số lượng tới vài nghìn chiếc…
Ngoài những dịp làm đèn ông sao cho đêm trung thu, nguồn thu chính của gia đình bác Nhân vẫn là công việc nhà nông và làm hoa nhựa trang trí. “Cho dù những nghề khác cho thu nhập khá hơn, tôi cũng không bao giờ bỏ nghề làm đèn ông sao. Bởi, những chiếc đèn ông sao luôn là bạn thân thiết của trẻ thơ. Rồi đây, tôi sẽ tìm cách cải tiến để những chiếc đèn ông sao đẹp hơn, sinh động hơn và cũng đậm đà hồn dân tộc Việt hơn nữa để phục vụ các em nhỏ. Tôi tin rằng, cho dù bên cạnh những đồ chơi hiện đại khác, chiếc đèn ông sao vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng trẻ thơ mọi thời đại như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam…”. Khi chia tay, bác Nhân đã tâm tình và chúng tôi cũng tin như thế…