Thách thức với tiêu chí "nâng cao thu nhập"

Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 20/09/2010

(HNM) - Nghị quyết Trung ương Đảng về xây dựng nông thôn mới (NTM) xác định tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm của xã NTM so với mức bình quân chung của nhân dân các xã khác trên địa bàn thành phố phải cao hơn 1,5 lần (khoảng 13-14 triệu đồng/người/năm).


Trong khi đó bình quân thu nhập đầu người của các xã thuần nông hiện mới đạt khoảng 9 triệu đồng. Đây là một trong những tiêu chí khó khăn nhất, bởi muốn đạt được phải có lộ trình với bước đi cụ thể.

Xuất phát điểm rất thấp


Chăn nuôi bò sữa ở Sóc Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bảo Lâm

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện tại Hà Nội còn 401 xã thuộc khu vực nông thôn, chiếm 88,3% đất với gần 4 triệu cư dân sinh sống, nhiều nơi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn thấp, đặc biệt là các xã vùng núi như Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, để đạt các tiêu chí về nâng cao thu nhập sẽ là một thách thức không nhỏ bởi xuất phát điểm về kinh tế của các địa phương rất thấp. Diện tích đất bình quân trên nhân khẩu ở các huyện này còn thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mặc dù thời gian qua, một số địa phương đã đưa vào đồng đất một số loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao nhưng sản lượng còn phân tán, chất lượng không đồng đều, quy mô sản xuất không ổn định nên vẫn gặp những khó khăn trong việc nâng cao mức thu nhập của người dân khi xây dựng NTM. Ngoài những vấn đề nêu ở trên, việc thanh niên đến tuổi lao động đều đi học hoặc đi làm xa khiến xã thiếu hụt lực lượng lao động có chất lượng.

Ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 là 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, hiện nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế toàn huyện mới chỉ đạt 20% so với tiêu chí chung. Theo số liệu vừa điều tra, lao động trong nông nghiệp của huyện chiếm tới 73%, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 40%. Tỷ lệ này cũng là tất yếu khi Mỹ Đức là một địa bàn thuần nông, toàn huyện chỉ có xã Phùng Xá - xã điểm trong xây dựng NTM của huyện là có nghề truyền thống. Thời gian qua, huyện cũng đã mở nhiều lớp dạy nghề như nghề thêu, mây tre giang đan nhưng đều không phát huy hiệu quả.

Bà Trần Thị Kim Thúy, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho rằng: Để tăng thu nhập cho nông dân từ sản xuất nông nghiệp là hết sức khó khăn. Mặc dù huyện đã tích cực đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhưng thu nhập từ 2 vụ lúa, 1 vụ đông kết hợp với chuyển đổi các mô hình trang trại, thu nhập bình quân trên 1ha canh tác mới đạt 59 triệu đồng/ha. Để đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM, bình quân 1ha canh tác phải đạt trên 100 triệu đồng. Muốn làm được cần phải có thời gian. Đặc biệt, hiện nay việc đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, hay việc dồn điền đổi thửa ở một số xã đang gặp nhiều vướng mắc.

Đầu tư vốn cho nông nghiệp

Ông Lê Thiết Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất cần một kế hoạch dài hơi, không dễ thực hiện trong "một sớm, một chiều". Ông Cương cho rằng, phải hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào để nâng cao thu nhập. Ngay như tiêu chí về tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm xuống còn 25%. Điều này cũng nảy sinh một vấn đề nan giải: Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ chuyển sang làm nghề gì khi từ trước tới nay họ chỉ biết làm ruộng.

Giải quyết vấn đề này, về giải pháp trước mắt, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội cho rằng: Thành phố cần tiếp tục đầu tư cho nông dân sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Ở các huyện thuần nông, cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn càng đòi hỏi chính quyền các xã phải năng động, định hướng cho nông dân nên sản xuất sản phẩm nào cho hiệu quả và tạo điều kiện cho nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó là đầu tư vốn cho các địa phương khôi phục, phát triển ngành nghề giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.

Về giải pháp lâu dài, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy lợi, quy hoạch, thiết kế lại đồng ruộng phải được ưu tiên và có sự đầu tư thỏa đáng... Không chỉ đầu tư về vốn, các thủ tục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần được giảm nhẹ và cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là dự án về sản xuất rau an toàn, chăn nuôi thủy sản... Mặt khác, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp ở các huyện thuần nông từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn, mang tính hàng hóa. Tăng cường đào tạo cho nông dân về khoa học, kỹ thuật, đặc biệt về kinh tế thị trường để họ biết và tự đưa ra quyết định nên sản xuất sản phẩm gì, số lượng, chất lượng và bán ở đâu để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất…

Ngọc Quỳnh