Mấu chốt vẫn là "liên kết 4 nhà"
Kinh tế - Ngày đăng : 07:41, 20/09/2010
Nông dân lãi 50%
Thu hoạch lúa tại Chương Mỹ. Ảnh: Nguyệt Ánh
Theo Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, năm 2010, bước đầu đưa vào trồng lúa chất lượng cao ở 7 HTX các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ với diện tích 1.270ha (vụ xuân 600ha, vụ mùa 670ha) đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê của các HTX, năng suất bình quân mỗi vụ đạt 50-56 tạ/ha, sản lượng đạt 3.300 tấn, hiệu quả sản xuất lúa hàng hóa cao hơn lúa thường gần 7 triệu đồng/ha/vụ, với năng suất này nông dân trồng lúa chất lượng cao đã có lãi 50%.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ nhiệm HTX Đồng Phú, Chương Mỹ cho biết: Vụ xuân năm 2010, xã Đồng Phú sản xuất 100ha lúa chất lượng cao ở vụ xuân bằng hai giống Bắc Thơm số 7 và SH2, hai giống lúa trên kết quả thu hoạch đạt trên 5 tấn/ha với giá trị đạt 37,5 triệu đồng/ha trong khi đó lúa thương phẩm chỉ đạt 30 triệu đồng/ha. Vụ mùa 2010, HTX cũng trồng tập trung trên 100ha lúa chất lượng cao gồm các giống Bắc thơm số 7, T10, Nàng xuân, Nếp NV1. Đến nay, số diện tích lúa trên đã chuẩn bị vào thu hoạch, năng suất dự kiến rất cao và điều quan trọng hơn là HTX đã chủ động ký hợp đồng với một số công ty lương thực bao tiêu cho xã viên từ đầu vụ.
Tăng cường liên kết "4 nhà"
Thực tế Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, mặc dù đã đạt được kết quả cao nhưng cũng còn có những khó khăn nhất định như: Quy hoạch đất đai hạ tầng cơ sở vùng sản xuất lúa hàng hóa chưa đồng bộ. Công tác tổ chức, quản lý của các HTX chưa đủ mạnh, tư duy kinh tế thị trường, xúc tiến thương mại còn yếu nên việc tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao còn chưa đều. Đặc biệt, thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất, bảo quản ở các địa phương còn chưa làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bán lẻ VNF1 đánh giá, hiện nay, vấn đề cần quan tâm nhất đối với các vùng sản xuất lúa của Hà Nội là việc tổ chức thu mua lúa chất lượng cao của nông dân như thế nào cho thuận lợi, dễ dàng. Nếu để tự DN trực tiếp thu gom của dân sẽ rất khó khăn vì nông dân không đồng loạt thu hoạch một ngày, còn giao cho các đầu mối trung gian thu mua thì còn nhiều bất cập. Đại diện Công ty TNHH Xuân Lộc cho rằng: Thay đổi nhận thức nông dân có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết bền chặt giữa "4 nhà". Hiện nay, nhà DN, Nhà nước, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm trước những cam kết với nông dân, trong khi yêu cầu người nông dân thực hiện đúng cam kết không dễ. Đã có vùng trồng lúa được DN hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện, đầu tư nhưng tới vụ thu hoạch, nông dân vẫn bán hàng ra ngoài.
Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội nhận định: Sau hai vụ thử nghiệm cho thấy các giống lúa chất lượng cao đưa vào đều phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của nông dân, năng suất, chất lượng bảo đảm. Mặc dù các DN và các HTX đã có sự ký kết giao thương sản phẩm, DN lo đầu ra sản phẩm, nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng nên yên tâm gắn bó. Tuy nhiên, để phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, TP nên ban hành các chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi, động viên khuyến khích nông dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết đầu tư trong sản xuất bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ lúa. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, nâng cao thu nhập cho nông dân...