Điện thoại di động: Con dao hai lưỡi
Xã hội - Ngày đăng : 07:38, 19/09/2010
Em Trần Minh Hiếu, học sinh lớp 8, Trường THCS Ái Mộ
Trong lớp em rất nhiều bạn có ĐTDĐ. Tuy nhiên, các bạn ấy chủ yếu sử dụng điện thoại để nghe nhạc, xem phim, lướt web, chơi game hoặc chát chít, gọi điện cho bạn bè chứ rất ít khi dùng điện thoại để liên lạc với bố mẹ hay thầy, cô. Vậy mà, nhiều bạn khi xin bố mẹ mua ĐTDĐ đều lấy lý do là để tiện liên lạc trao đổi bài vở với thầy, cô và để bố mẹ quản lý con tốt hơn. Em nghĩ, việc học sinh sử dụng ĐTDĐ không xấu nhưng phải sử dụng đúng mục đích. Ngay khi vào năm học mới, các cô, chú trong nhà cũng bảo nếu em cần thì sẽ mua cho 1 chiếc ĐTDĐ. Em nói rằng, con còn nhỏ chưa cần dùng ĐTDĐ.
Em Đoàn Đức Chiến, học sinh lớp 12
Hiện nay, ĐTDĐ hay còn gọi là "dế" đang trở thành vật bất ly thân của nhiều học sinh. Nhiều bạn đã không tiếc tiền đầu tư, nâng cấp để "dế" trở thành món đồ trang sức ấn tượng. "Dế" càng đắt tiền thì các tính năng sử dụng càng hiện đại. Nhiều bạn đã không sử dụng những tính năng hiện đại của ĐTDĐ để phục vụ cho học tập mà chỉ chơi game, xem phim cấm, quay phim và chụp những bức ảnh không lành mạnh. Với những gì tai nghe mắt thấy, em không tin rằng đa số học sinh sử dụng ĐTDĐ như mục đích ban đầu là để tiện cho việc liên lạc với người thân, cô giáo.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Trường THCS Ngọc Lâm
Việc sử dụng ĐTDĐ trong giới học sinh đã không còn là chuyện lạ nữa. Các em được trang bị một "chú dế" là để cha mẹ dễ quản lý con mình hơn… Nhưng nhiều gia đình cho con dùng ĐTDĐ hiện đại, song lại sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ làm ảnh hưởng đến học tập. Có những học sinh ngồi trong lớp không tập trung học bài, chỉ sử dụng điện thoại để vào internet và chát. Dù trường tôi đã nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng nhiều em vẫn cố tình vi phạm. Các em không biết rằng, làm như thế là rất thiếu tôn trọng giáo viên và ảnh hưởng đến bạn bè. Thậm chí, có học sinh khi bị thầy, cô giáo tịch thu điện thoại còn tỏ thái độ vô lễ. Theo tôi, phụ huynh có trách nhiệm rất lớn trong việc hướng dẫn con trẻ sử dụng ĐTDĐ hữu ích, phù hợp. Trường học chỉ có thể cấm học sinh không sử dụng ĐTDĐ trong giờ học chứ không thể kiểm soát ở ngoài trường. Do vậy, thỉnh thoảng phụ huynh cũng cần kiểm tra nội dung "bên trong" ĐTDĐ nhưng nên làm một cách tế nhị và đưa ra những lời khuyên bổ ích để trẻ tránh xa những tác hại do việc sử dụng ĐTDĐ gây ra.