Bây giờ, ở Yên Trung…
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:36, 19/09/2010
Tua tủa trên những nóc nhà là cần ăngten bắt sóng truyền hình, đủ thấy đời sống tinh thần người Mường ở Yên Trung (Thạch Thất) đã được cải thiện như thế nào. Và râm ran trong những mái ấm gia đình là bao nhiêu câu chuyện xoay quanh xóa nghèo. Yên Trung bây giờ vui lắm…
Con đường gồ ghề sỏi đá ở Yên Trung ngày nào nay đã được thay bằng đường bê tông. Ảnh: Tuấn Việt |
1. Gần hai giờ chiều. Mặt trời đã hơi ngả về Tây. Nắng thu xiên qua tán cổ thụ hắt bóng xuống vườn đồi của gần năm chục hộ dân thôn Hương khiến bức tranh nông thôn miền sơn cước này được tô thêm những mảng màu của cây trái, của cánh đồng lúa đã chắc hạt và của những con đường bê tông lấp loáng dưới nắng vàng. Đây là thôn duy nhất của xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, cũng là thôn duy nhất cách đây hai năm chưa có điện sinh hoạt.
Trong ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Đông, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hương vang lên tiếng nói cười rôm rả. Rượu đã ngà ngà, ai nấy đều đến độ thăng hoa. Thấy Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thị Liên và Trưởng thôn Hương Nguyễn Văn Định dẫn khách đến bất ngờ, sau phút ngỡ ngàng, Đông nắm tay chúng tôi lắc lắc:
- Các bác thông cảm cho chúng em nhé. Bữa liên hoan nho nhỏ mừng hai lăm hộ hội viên nông dân của xã vừa đi "lĩnh" bò sinh sản theo dự án về. Mọi người chung vui mà!
Chúng tôi ngỏ ý muốn thăm trang trại của Chi hội trưởng nông dân "xem có đúng là mẫu cho các hộ khác học theo không", Nguyễn Văn Đông liền kéo đi ngay. Thoai thoải sườn đồi là vườn cây ăn quả, dưới chân đồi là chuồng trại chăn nuôi lợn và ba ao thả cá. Trang trại rộng hơn 2 hécta của anh đã được quy hoạch thành từng khoảnh hợp lý như vậy.
Đạt - vợ Đông xăm xắn vặn máy bơm, nước phun xối xả vào chuồng lợn. Cô cười rất tươi, ánh mắt ngời hạnh phúc: Nuôi lợn không lãi nhiều, chỉ đủ tiền đóng học cho con gái đang theo cao đẳng dưới Hà Nội và chi tiêu hằng ngày. "Tích" vào số dư của gia đình là mấy ao cá kia, khoảng gần trăm triệu đồng. Trước đây không có điện, phải xách từng xô nước tưới cây trong vườn và vệ sinh chuồng trại cho lợn, vất vả lắm. Có điện có khác!
Từ trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Đông, vươn tầm mắt ra xa, cảm nhận miền sơn cước này đang có những chuyển động khá rõ. Chuyện thôn Hương của hai năm về trước, theo lời kể của Trưởng thôn Nguyễn Văn Định thì có đến 2/3 số hộ nghèo (thôn có 48 hộ); không có điện, không có ti vi; hộ nào có điều kiện một chút thì "kéo" điện từ xã Yên Quang (huyện Kỳ Sơn) về; hộ không có điện muốn xem ti vi phải lo cơm nước rõ sớm rồi khóa cửa kéo nhau đi xem nhờ. Mọi sinh hoạt khác của các đoàn thể cũng cầm chừng… Bước đột phá có thể tính từ khi thôn được thành phố đầu tư xây dựng lưới điện phục vụ dân sinh; sau là các công trình phúc lợi công cộng như nhà văn hóa, trường mầm non được xây mới, bảo đảm cho con em người Mường được đến trường trong điều kiện đủ đầy hơn. Mấy năm về trước, con em của các hộ dân chỉ học tới cấp hai thì nay đã có bốn em theo học cấp ba. Gần 2km đường bê tông tỏa đi ba cụm dân cư cũng đã làm ngắn lại khoảng cách giàu nghèo, thắt chặt nghĩa tình giữa các hộ.
Đã xuất hiện ở đây những mô hình làm kinh tế hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng trở lên - điều mà vài năm về trước chỉ là mơ. Người tiên phong là vợ chồng Đông - Đạt, nói như Chi hội trưởng nông dân này thì "làm cái anh phụ trách nông dân ở thôn, phải đi trước thì hội viên của mình mới theo chứ!"; sau là hộ anh Nguyễn Văn Thịnh làm nghề xay xát, hộ anh Nguyễn Văn Môn chăn nuôi gia súc gia cầm; nhiều hộ được vay vốn chăn nuôi, trồng rừng hiệu quả. Đếm đầu ngón tay, cả thôn chỉ còn vài hộ nghèo. Trên con đường xây dựng nông thôn mới, thôn Hương còn đổi mới hơn nữa. Nhận xét về thôn Hương, lãnh đạo xã Yên Trung cũng thừa nhận: Việc xóa nghèo ở đây nhanh và hiệu quả hơn một số thôn khác của xã.
2. Chủ tịch UBND xã Yên Trung có cái tên khá lạ: Nguyễn Tiến Buông.
- Cũng sắp buông công việc rồi đấy, năm chín tuổi rồi mà! Chà chà, bận quá thể, từ sáng tới giờ chúng tôi cắt cử nhau xuống các thôn để giải quyết việc thủy lợi cho các hộ dân. Vất vả nhất khâu này đấy!
Trên gương mặt Chủ tịch xã còn lộ rõ sự mệt mỏi không phải vì tuổi tác mà vì "tàn dư" của bệnh sốt rét "tha" từ những năm bảy mươi thế kỷ trước ở chiến trường Quảng Trị rồi miền Đông Nam bộ về, nay chưa dứt khiến nước da ông tái xám. Hỏi chuyện về ông, ông nói gọn: Gần ba chục năm làm cán bộ xã, bắt đầu là chân xã đội phó (1982) rồi suốt từ tám tư đến giờ, hết chủ tịch đến bí thư, hai chức này "xoay" tôi đến bây giờ đấy! Tên là Buông mà nào đã buông được!
Chả trách nào cách ông so sánh con số, cách ông hồi tưởng bằng những hình ảnh giữa cũ và mới trong con mắt nhìn nhận của một "lão tướng" có thâm niên trụ cột của xã đã giúp chúng tôi hình dung rõ về những bước đổi mới của nông thôn Yên Trung. Thuộc xã vùng sâu vùng xa của huyện Lương Sơn, (Hòa Bình), đời sống của hơn 800 hộ dân Yên Trung (trong đó 85% số hộ là người Mường) chủ yếu trông vào ruộng, nương và trồng rừng, thu nhập rất thấp. Chỉ cách đây vài ba năm, thôn Hương, thôn Lặt, thôn Tơi... đều rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Điện sinh hoạt không có, nước sạch chưa vào; đường đến các thôn gập ghềnh sỏi đá. Các cơ sở giáo dục xuống cấp, trẻ nhỏ phải đi học rất xa... Nghĩa là không có một công trình nào trị giá trăm triệu chứ chưa nói đến tiền tỷ đầu tư cho nông thôn Yên Trung. Những thiếu hụt ấy khiến cho Yên Trung lúng túng, khó tìm được mối gỡ để phát triển.
Hợp nhất về Thủ đô sau gần hai năm, diện mạo nông thôn Yên Trung đã đổi thay rõ. Điện được kéo về cả 7/7 thôn, tivi bắt sóng. Đài truyền thanh xã hoạt động; thôn Luồng, thôn Đồng Bối, thôn Sổ đã được nghe đài bốn cấp, theo đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên. Các thôn còn lại - theo Trưởng đài Truyền thanh huyện Thạch Thất, hiện đang đầu tư lắp đặt, chỉ nay mai, hệ thống truyền thanh sẽ tới tất cả các hộ dân Yên Trung.
Được đầu tư kinh phí, các công trình phúc lợi công cộng mọc lên; người Mường có thêm nhiều niềm vui: trường mầm non cho các thôn Hương, thôn Lặt, thôn Tơi; trạm y tế xã; phòng học cao tầng cho trường tiểu học, THCS đã được đưa vào sử dụng. Thay con đường xưa gồ ghề sỏi đá là 4 tuyến đường bê tông như cánh tay nối từ trung tâm xã đến các thôn; một trạm biến áp mới cũng vừa được đưa vào sử dụng cùng nhiều công trình khác được xây dựng với tổng đầu tư kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Tất cả khoác lên Yên Trung tấm áo mới của đổi thay, đưa số hộ nghèo từ trên 200 hộ xuống còn 110 hộ (theo tiêu chí mới).
Quanh những câu chuyện về xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới, biết là Yên Trung đang triển khai chương trình phát triển kinh tế xã hội với những giải pháp cụ thể trong năm 2010 này. Một mặt, Yên Trung đề nghị với TP Hà Nội hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm trụ sở làm việc của xã, đường giao thông, nâng cấp đường điện và nhà văn hóa cho các thôn còn lại; đặc biệt là đầu tư xây dựng thêm các công trình thủy lợi. Bởi nói như ông Chủ tịch Nguyễn Văn Buông, mấy chục năm làm cán bộ chủ chốt, hơn ai hết, ông hiểu rõ khâu vất vả nhất của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp là thủy lợi; phụ thuộc thời tiết, hạn hán úng ngập, không có công trình thủy lợi điều tiết nên năng suất cây trồng thấp. Khắc phục được khâu này sẽ giúp Yên Trung giảm nghèo hiệu quả hơn. Mặt khác, Yên Trung tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái - một thế mạnh mà hiện mới có Công ty Xây dựng Phú Bình đầu tư xây dựng Khu Thác Bạc - Suối Reo.
Và theo đánh giá của Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Văn Nhàng, xã Yên Trung có nhiều lợi thế. Huyện đang chỉ đạo thực hiện tại đây một số mô hình khuyến công, khuyến nông cho hiệu quả kinh tế cao như trồng thanh long ruột đỏ, trồng chuối tiêu hồng, trồng hoa, rau sạch và mở các lớp may công nghiệp, điện dân dụng cho nông dân. Gần ba chục hécta đất đã được xã quy hoạch thực hiện các mô hình này. Về văn hóa, huyện cũng vừa đầu tư cho Yên Trung hơn 60 triệu đồng sắm hai dàn cồng chiêng, khôi phục lại các làn điệu dân ca dân tộc Mường bằng việc xây dựng mỗi thôn một đội văn nghệ, mỗi thôn một đội bóng chuyền, cả xã hai đội cồng chiêng ở thôn Lặt và thôn Tơi.
Yên Trung bây giờ đúng là đã khởi sắc thật rồi - khởi sắc từ sự đầu tư đồng bộ để từng bước vươn lên.
3. Tài xế xe buýt tuyến Yên Trung - Mỹ Đình Nguyễn Văn Hải cười rõ tươi và trò chuyện rất thoải mái:
- Lần sau các bác lên Yên Trung nhớ nháy máy cho em, em đưa các bác đến tất cả nơi nào muốn và đưa về đến chốn Hà thành. Nói thật với các bác, trước đây khách từ Hà Nội lên Yên Trung, từ Yên Trung về Hà Nội còn lèo tèo nhưng càng ngày càng đông hơn. Cứ "bắt" được nhiều khách là cánh lái xe chúng em vui rồi!
Những chuyến xe đi về ngày ngày kéo Yên Trung gần lại Thủ đô; đồng nghĩa với khoảng cách giàu nghèo sẽ dần được xóa. Câu chuyện của tài xế Hải khiến chúng tôi mường tượng một Yên Trung rồi đây sẽ trở thành "phên giậu" vững chắc cả về kinh tế và văn hóa ở phía Tây nam của Thủ đô Hà Nội.