Kịch bản hay vẫn hiếm hoi
Văn hóa - Ngày đăng : 07:02, 19/09/2010
"Bột" để gột nên "hồ" mà không chất lượng thì đạo diễn dù có tài đến mấy cũng không thể dựng được vở hay. Thiếu kịch bản hay là một thực tế, song vì sao nên nông nỗi này?
Nếu mỗi đoàn sân khấu một năm chỉ dựng một vở thì hơn 100 đoàn trên cả nước cần trên 100 kịch bản. Và để các đoàn lựa chọn được kịch bản ưng ý, số lượng kịch bản cần có phải gấp mấy lần. Ý thức được điều này nên hằng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam mở 2 trại viết dành cho các tác giả chuyên nghiệp. Ngoài ra nhiều ngành như dầu khí, than, quân đội, nông thôn, giao thông... cũng mở trại viết để có kịch bản cho ngành. Có năm, cả nước mở tới 6 trại viết. Vậy mà suốt 7 năm qua, Hội NSSK Việt Nam không chọn nổi một giải A trong số trên dưới 100 kịch bản gửi về. Dĩ nhiên, cũng không giới thiệu được nhiều kịch bản chất lượng cho các đoàn dàn dựng. Những tác giả không tiếng tăm, dù rất yêu nghề và trại nào cũng có mặt nhưng chất lượng kịch bản nào cũng... nhàn nhạt.
Các tác giả tên tuổi một thời tung hoành như Hoài Giao, Tất Đạt, Sỹ Hanh... giờ đã cao tuổi và không còn cầm bút. Lớp sau một chút gồm Nguyễn Anh Biên, Chu Thơm, Lê Quý Hiền, Nguyễn Quang Lập, Lê Hoàng… vẫn viết và kịch bản của họ vẫn được các nhà hát dàn dựng. Song công bằng mà nói, không ít kịch bản trong số được dàn dựng đã không vượt qua những sáng tác trước đó của họ.
Thế hệ 8X làm mưa làm gió trên văn đàn trong những năm qua và không ít người thành danh thì không mấy ai viết kịch nói. Khoảng 10 năm trở lại đây, hình như chỉ có một nhà văn trẻ viết kịch bản sân khấu được đạo diễn Lê Hùng dựng ở Nhà hát Tuổi Trẻ với cái tên "Diễm 50 đô". Kịch nói còn không ai động bút thì nói gì đến viết kịch bản cải lương, tuồng, chèo. Đâu chỉ xây dựng hình tượng kịch, xung đột và tính cách nhân vật mà ca từ làm sao để diễn viên hát không phô, không cứng. Với chèo, còn phải biết thế nào là đào lệch, đào thương...
Mới đây, Đoàn Chèo Quân đội dựng lại "Bài ca giữ nước" (Tào Mạt) ngoài việc tham gia liên hoan những vở diễn lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội còn diễn cho khán giả các tỉnh, thành xem. Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại "Cô gái đội mũ nồi xám" (Lưu Quang Vũ), phần để kỷ niệm 22 năm ngày mất của nhà viết kịch tài hoa nhưng phần khác do thiếu kịch bản hay. Khi chúng ta vẫn chưa có chiến lược đào tạo, chưa khuyến khích các nhà văn chuyển sang viết kịch bản... thì chắc chắn kịch bản hay còn hiếm dài dài.