Mất mùa riêng vì rầy nâu hại lúa

Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 19/09/2010

(HNM) - Mấy ngày nay, nông dân ngoại thành Hà Nội mất ăn, mất ngủ vì nạn rầy nâu hoành hành. Tuy chính quyền và nông dân quyết liệt chống rầy, nhưng một số địa phương vẫn không tránh khỏi một mùa vụ thất bát. Từ huyện Mỹ Đức có thể rút ra kinh nghiệm, nếu không tuân thủ đúng khung thời vụ sản xuất và kiến thức phòng trừ sâu bệnh nông cạn, thì điệp khúc "mất mùa riêng" sẽ tiếp tục xảy ra.

Gặt chạy rầy

Còn khoảng 1 tuần nữa mới thu hoạch lúa mùa, thế nhưng một số hộ gia đình ở các thôn Trinh Tiết, Thượng Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức buộc phải thuê mướn người gặt vội được hạt thóc nào hay hạt nấy. Ông Đào Xuân Trịnh, thôn Trinh Tiết than thở: "Gia đình cấy 1 mẫu lúa thì 6 sào bị rầy nâu phá, coi như mất trắng. Chẳng nhẽ cấy rồi không gặt vì tỷ lệ thóc lép nhiều, năng suất chỉ đạt khoảng 40-60kg thóc/sào. Có thu hoạch về cũng chỉ để nuôi gà, nuôi lợn, chứ người không thể ăn được vì hạt lúa đắng ngắt. Trong khi đó, thu nhập chính của gia đình chỉ biết trông cậy vào 1 mẫu ruộng này". Chỉ vào mấy thửa ruộng tại cánh đồng Hậu Tự, nằm kề cận thửa ruộng nhà ông Trịnh đang thu hoạch, ông Vũ Hoài Nam, thôn Thượng Tiết ngán ngẩm cho biết, chỉ cần một mồi lửa, cả cánh đồng lúa bị rầy nâu phá hại sẽ thành tro.

Nông dân Mỹ Đức bên ruộng lúa cháy rầy.

Theo thống kê của huyện Mỹ Đức, trong tổng số hơn 7.300ha lúa mùa năm nay, tính đến nay, toàn huyện có tới 50-60% diện tích bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, trong đó có hơn 300ha bị nhiễm nặng. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Kim Thúy, rầy nâu gây hại nhiều nhất ở các xã Đại Hưng, Hùng Tiến, Hợp Tiến, An Phú, Hợp Thanh, Xuy Xá, Tuy Lai, thị trấn Đại Nghĩa và tập trung vào những diện tích lúa cấy muộn 2-3 ngày so với khung thời vụ.

Để phòng trừ nạn rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa, UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập Ban chỉ đạo chống rầy và ban hành 3 công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn bà con cách phòng trừ. Mặt khác UBND huyện phân công cán bộ kỹ thuật về cơ sở để cùng với nông dân triển khai biện pháp phòng trừ sâu bệnh; những cánh đồng có mật độ rầy cao từ 3.000 con/m2 trở lên được cắm cờ trắng để nông dân khẩn cấp dùng các biện pháp kỹ thuật trừ rầy. Mặc dù đã nỗ lực cứu lúa nhưng việc khống chế dịch rầy nâu hại lúa ít hiệu quả.

Kiến thức phòng trừ sâu bệnh hạn chế

Nguyên nhân dẫn đến việc khống chế rầy nâu kém hiệu quả là do kiến thức phòng trừ sâu bệnh của người dân còn hạn chế trong khi một số HTX nông nghiệp chủ quan. Bà Đỗ Thị Thanh, thôn Thượng Tiết cho biết, khi phát hiện rầy hại lúa mật độ khoảng 2.000 con/m2, theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, bà con đã mua thuốc phòng trừ rầy bằng các loại thuốc nội hấp nhưng phun tới lần thứ 3 mà rầy vẫn không chết. Ông Vũ Văn Hồng, thôn Thượng Tiết, xã Đại Hưng nghi ngờ mua phải thuốc trừ rầy rởm.

Trước việc phòng trừ rầy nâu kém hiệu quả, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tiếp tục có văn bản hướng dẫn, trong đó nhấn mạnh biện pháp trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc đặc hiệu và biện pháp thủ công, hạn chế việc sử dụng các loại thuốc nội hấp như trước đây nên phần nào đã khống chế, không để phát sinh ra diện rộng. Tuy vậy, do các HTX NN chủ quan không thực hiện nghiêm túc các thông báo, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn đã dẫn tới cảnh nhiều hộ dân ở các xã phía Nam huyện Mỹ Đức bị mất mùa riêng. Mặt khác, để xảy ra thiệt hại này có một phần trách nhiệm của cơ quan chuyên môn. Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc nội hấp để trừ rầy nhưng theo cán bộ Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, thì nông dân chỉ nên dùng thuốc trừ rầy nội hấp khi sâu bệnh ở giai đoạn sâu cuốn lá, đến khi sâu nở thành rầy thì phải dùng chủng thuốc đặc hiệu mới có kết quả. 

 Sở NN&PTNT cho biết, tính đến trung tuần tháng 9, diện tích lúa mùa toàn thành phố bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng là 19.970ha, tăng khoảng 10% so với tuần trước (trong đó: nhiễm nhẹ 12.281ha, nhiễm trung bình 4.824ha, nhiễm nặng 2.859ha).

Hoài Thu - Phương Thảo