Đánh giá toàn diện trước khi quyết định

Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 19/09/2010

(HNM) - "Không nên vội vàng, cần đánh giá toàn diện hoạt động của HĐND và có sự chuẩn bị chu đáo nếu chính thức triển khai" là ý kiến chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong ngày 18-9, khi Chính phủ đề nghị nhân rộng việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Chính phủ đề xuất 2 phương án

Sau một năm rưỡi triển khai tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, TP, chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường được Chính phủ khẳng định là đúng đắn. Ông Trần Văn Tuấn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, việc làm này đã tạo được một bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Trong thời gian hoạt động thí điểm, kinh tế tăng đáng kể.

Những kết quả này đã khẳng định chủ trương thực hiện thí điểm là đúng đắn, phù hợp khách quan về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Chính phủ đề nghị QH xem xét lựa chọn hai phương án. Hoặc là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 liên quan đến HĐND ngay tại kỳ họp QH tới để thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5-2011. Trong trường hợp chủ trương trên không được lựa chọn, nên mở rộng thực hiện thí điểm thêm 20 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, cả hai phương án trên không nhận được sự đồng thuận của các ủy viên UB TVQH.

Chưa đủ cơ sở khoa học

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình cho rằng, mới có hơn một năm thí điểm mà đánh giá là bỏ HĐND thì quyền làm chủ của dân được tăng cường, hiệu lực bộ máy tốt hơn trước... thì e chưa đủ cơ sở khoa học.

Còn theo Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận, đúng là trong hơn một năm qua, công tác tổ chức thực hiện thí điểm về cơ bản tốt, bảo đảm yêu cầu về tiến độ đề ra. Mặc dù vậy, chỉ có thể khẳng định mặt tích cực trên hai phương diện: đó là, tại các địa phương tiến hành thí điểm, bộ máy chính quyền vẫn cơ bản được vận hành tốt, góp phần bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước được thông suốt và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương; việc chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chủ tịch, ủy viên UBND huyện, quận, phường, người đứng đầu được chọn cấp phó… đã tạo điều kiện cho sự điều hành tập trung và thuận lợi hơn cho việc điều động, luân chuyển cán bộ. Nhưng không vì 2 yếu tố này mà có thể phủ nhận hoàn toàn những đóng góp rất đáng trân trọng của HĐND quận, huyện, phường có từ lâu nay, là xuất phát từ cơ cấu tổ chức "Nhà nước của dân, do dân và vì dân". Trên thực tế, từng người dân không thể tự mình làm chủ mà phải thông qua người đại diện cho mình là đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp để thực hiện quyền lực của mình với cơ quan nhà nước. Nay nếu bỏ HĐND huyện, quận, phường thì về lý luận là quyền này của dân bị bỏ trống... Mặt khác, nếu nói không có HĐND thì KT-XH phát triển nhanh hơn, thì 65 năm qua, HĐND là nơi cản trở sự phát triển đất nước?

Cần thận trọng trong đánh giá

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Trương Hùng Anh, sẽ thiếu thuyết phục khi nhiều nội dung được đánh giá tích cực đều gắn với việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, "xem HĐND như là trở ngại". Ông Trương Hùng Anh đặt vấn đề: Tại sao chỉ thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường mà không làm ngược lại là bổ sung quy định pháp luật, tăng cường cán bộ, điều kiện cho HĐND cấp này mạnh lên. Theo ông Anh, chính quyền vững mạnh phải trên cơ sở xây dựng cả HĐND và UBND vững mạnh, không nên vì làm chưa tốt ở một khâu nào đó mà đã vội cho rằng tổ chức đó là thừa, trung gian, hình thức, cản trở và không thấy được vai trò quyết định, vai trò giám sát, phát hiện, đôn đốc thúc đẩy KT-XH phát triển của tổ chức đó.

Thực tiễn thí điểm ở 10 tỉnh, TP vẫn còn vướng mắc, lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân thay thế cho vai trò của HĐND. Chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra hữu hiệu để thay thế chức năng giám sát của HĐND đối với hoạt động của UBND và các cơ quan tư pháp, nhất là giám sát việc chi tiêu ngân sách nhà nước ở địa phương. Việc giao cho HĐND cấp tỉnh giám sát đối với hoạt động của UBND, TAND, VKSND huyện, quận ở những địa phương thực hiện thí điểm cũng nảy sinh nhiều bất hợp lý, hiệu quả chưa như mong muốn. Mặt khác, việc thí điểm chưa trọn vẹn một năm ngân sách nên thiếu mô hình đối chứng, nhiều đánh giá còn chủ quan, nếu vội vàng nhân rộng sẽ nhiều phát sinh khó lường.

Do đó, theo hầu hết các ủy viên UBTVQH, vấn đề quan trọng cần triển khai hiện nay là, trên cơ sở kết quả bước 1 cần kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc để bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp của những nơi đang thí điểm. Việc nhân rộng mô hình này, kéo theo là sửa đổi Hiến pháp cần được nghiên cứu kỹ và lấy thêm ý kiến của nhân dân vì đây là vấn đề lớn liên quan đến quyền làm chủ của người dân. Để có được những kết luận chính xác, khách quan thì không nên chỉ rút kinh nghiệm ở những nơi thí điểm bỏ HĐND mà phải tổng kết cả những nơi không bỏ HĐND rồi so sánh lợi hại, thiệt hơn mới khách quan.

Quyết định cuối cùng còn phải chờ Bộ Chính trị, TƯ Đảng và QH, song Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chúng ta thực hiện thí điểm trong điều kiện chưa sửa Hiến pháp để tổng kết, rút kinh nghiệm; nếu được sửa Hiến pháp mới triển khai ra đại trà.

Hà Phong