Đau lưng có thật đơn giản!
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:09, 18/09/2010
Cấu tạo cột sống
Cột sống bao gồm nhiều đốt sống chồng lên nhau qua một nhân đĩa đệm và được nối với nhau và giữ chặt bằng hệ thống các khớp, dây chằng cũng như gân, cơ bao xung quanh cột sống. Cột sống bảo vệ bên trong nó tủy sống để từ đây cho ra các rễ thần kinh điều khiển vận động hai chân, cũng như các cơ quan của cơ thể.
Thành phần nào trong cột sống có thể gây đau?
Người ta thấy ngoại trừ xương và nhân đĩa đệm là không có thần kinh chi phối nên không gây ra cơn đau khi bị hư hại. Ngoài ra, các thành phần khác đều gây ra cơn đau khi bị hư hại, chẳng hạn như: cảm giác đau căng tức âm ỉ do dây chằng, gân cơ bị căng quá mức do ngồi hay đứng lâu. Hoặc cảm giác đau khi mỗi sáng thức giấc và vận động với cảm giác khó xoay trở thân mình, do tình trạng thoái hóa các mặt khớp xoay của hai đốt sống liền kề, cảm giác này mất đi khi vận động một thời gian. Xương đốt sống khi bị gãy hay bị ung thư “ăn” có thể gây ra cơn đau do màng xương bị thương tổn với các kiểu đau chói hay đau âm ỉ tùy theo thời gian bị tổn thương. Tủy sống hay rễ thần kinh bị chèn ép sẽ gây ra cơn đau theo kiểu lan ra trên đường đi của rễ thần kinh.
Những gì làm cho các thành phần cột sống bị đau?
Ở đây, không đề cập đến cơn ĐL do chèn ép rễ thần kinh vì thoát vị đĩa đệm hay trượt đốt sống, bởi đây là cơn đau điển hình, có hình ảnh rõ ràng để chẩn đoán và điều trị được tương đối dễ dàng bằng thuốc hay phẫu thuật. Chúng tôi muốn nói đến cơn ĐL mà khi chụp phim X-quang lên thường không thấy gì hay có vài hình ảnh gai thoái hóa và được cho thuốc uống nhưng bệnh không giảm (hay có giảm) nhưng lại bị đau khi ngưng thuốc.
Thông thường, đây là kiểu đau âm ỉ, tưng tức, đau vùng thắt lưng ngang với lưng quần, lan ra hai bên mông, có thể chạy dọc lên cột sống thắt lưng hay đau hai bên cơ cột sống. Khi ấn vào các dây chằng liên mấu gai, tức là ấn vào các cục xương trên đường xương sống như cách nói của bệnh nhân (BN) thì gây ra cơn đau khó chịu. Đấm vào cột sống gây cơn đau tức nhưng làm BN cảm thấy dễ chịu. Đây là những BN làm việc văn phòng, ngồi hay đứng bán ở chợ, trong cửa hàng, những người bưng bê hàng hóa hay làm việc đồng áng phải khom lưng nhiều. Một số quý bà nội trợ tưởng là nhàn hạ nhưng lại hay ngồi xổm, khom lưng rửa chén hay làm bếp và nhất là nằm võng ở dưới quê.
Cột sống có những đoạn cong và ưỡn tự nhiên như: cổ ưỡn ra trước, lưng cong ra sau, thắt lưng cong ưỡn ra trước và vùng cùng cụt cong ra sau. Các dây chằng, gân và cơ giúp giữ vững cột sống cũng nhằm mục đích giữ cho cột sống có hình dạng thế này. Thế nhưng các tư thế khom lưng, ngồi gù lưng, nằm võng hay ngồi xổm khiến cho hệ thống gân cơ bị căng. Khổ nỗi là “khổ chủ” không nhận ra điều này. Mới đầu cảm thấy mỏi, đau tức, nghỉ ngơi thì hết. Nhưng ngày nào cũng một tư thế khiến cho gân cơ dây chằng quá tải gây đau triền miên. Sự vôi hóa dây chằng gây ra hình ảnh gai xương.
Như vậy, những động tác làm mất hình dáng bình thường của cột sống như: ngồi gù lưng, đứng khom lưng do vô tình hay cố ý, mang giày cao gót, nằm võng… sẽ gây quá tải trên cột sống, sự thiếu vận động sẽ làm cho các cơ không chịu nổi áp lực lên chúng gây ra những cơn ĐL triền miên. Tuy vậy, những nghiên cứu mới đây cho thấy, những biến đổi trên hệ thống thần kinh trung ương khiến một số người dễ bị ĐL hơn người khác, dù chưa có bằng chứng chắc chắn.
Làm gì cho hết ĐL?
Câu hỏi thật đơn giản nhưng thật phức tạp. Vì bản thân người bệnh luôn đi tìm một nguyên nhân nào đó thật ghê gớm và không chấp nhận một nguyên nhân quá đỗi đời thường. Thuốc men chỉ là một phần. Tập thể dục, vật lý trị liệu và vệ sinh cột sống là một phần tất yếu của việc chống ĐL nhưng vì quá bận rộn nên chẳng mấy ai nghĩ đến để thực hiện. Kết quả là thầy thuốc và BN dễ trở thành quen nhau vì phải gặp nhau nhiều lần dù là... bất đắc dĩ!