Bước phát triển mới trong hợp tác liên nghị viện của các quốc gia Đông Nam Á
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:44, 17/09/2010
Đây không chỉ là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và trong năm 2010, khi Quốc hội nước ta thực hiện nghĩa vụ của một thành viên AIPA theo cơ chế luân phiên, mà còn là dịp để phát huy vai trò của Quốc hội trong kênh hợp tác liên nghị viện ở khu vực Đông Nam Á. Đồng thời Đại hội đồng AIPA-31 còn là sự biểu hiện sinh động của việc triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; chính sách rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, là dịp giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam năng động, cởi mở và thân thiện.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA-31 Nguyễn Phú Trọng tiếp Trưởng đoàn các Đoàn Nghị viện thành viên, quan sát viên đặc biệt AIPA, Tổng Thư ký AIPA. |
Cách đây 33 năm, vào ngày 2-9-1977, trước sự thay đổi của tình hình và nhất là đáp ứng mong muốn phát triển mối quan hệ giao lưu, hợp tác trong khu vực mà khuôn khổ hợp tác liên nghị viện giữa các quốc gia được hình thành với việc ra đời Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (AIPO). Từ năm nước thành viên sáng lập ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, AIPO đã không ngừng lớn mạnh với việc kết nạp thêm Việt Nam (1995), Lào (1997), Campuchia (1999) và gần đây, tại Đại hội đồng AIPA-30 (2009) ở Thái Lan, Bruney đã trở thành thành viên thứ 9 của tổ chức này, còn Mianma hiện vẫn là quan sát viên đặc biệt. Ngoài ra, AIPO có quan hệ đối tác với nghị viện của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia, New Zeland, Papua Niu-ghine, Canada và với Nghị viện châu Âu; trở thành điểm kết nối nghị viện các nước Đông Nam Á, là kênh thông tin và diễn đàn để nghị viện các nước cùng hợp tác, góp phần giải quyết các vấn đề hòa hình, an ninh và phát triển trong khu vực. Thông qua các hoạt động của AIPO và AIPA, nghị viện và nghị sĩ các nước trong khu vực ngày càng có điều kiện gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện, trở nên thân thiện và tin cậy lẫn nhau.
Trong quá trình phát triển đi lên, AIPO cũng không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thiết thực phát huy vai trò của mình để đóng góp ngày càng hiệu quả vào tiến trình hợp tác, liên kết khu vực. AIPO đã đổi tên thành Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) vào năm 2007 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này; đồng thời sửa đổi, bổ sung điều lệ nhằm xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng để cơ quan này có thể đưa ra các sáng kiến và quyết định về chính sách lập pháp chung; xác định rõ hơn vai trò của Ban Chấp hành trong việc chuẩn bị các vấn đề trình ra Đại hội đồng; kiện toàn tổ chức của Ban Thư ký AIPA với việc bổ nhiệm Tổng Thư ký nhiệm kỳ 3 năm và Ban Thư ký chuyên trách có trụ sở tại Giacácta để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của AIPA được đồng bộ và chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, AIPA còn tăng cường việc giám sát thực hiện các nghị quyết đã được ban hành với việc định ra cơ chế báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình thực hiện nghị quyết lên Đại hội đồng AIPA.
Thực tế cho thấy, sự ra đời và phát triển của AIPO nay là AIPA đã có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự đoàn kết, hiểu biết, hợp tác và quan hệ gần gũi giữa các nước trong khu vực cũng như nâng cao hình ảnh và uy tín của AIPA trên trường quốc tế. Mục tiêu xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển luôn là nhu cầu khách quan của các nước. Cùng với ASEAN, AIPA đã phát huy vai trò của mình trong việc tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước; hỗ trợ tích cực chính phủ các nước trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác liên quốc gia; khuyến khích giữ gìn bản sắc dân tộc; hỗ trợ tăng cường năng lực hoạt động của nghị viện các nước thành viên. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị của thế giới có những diễn biến phức tạp, AIPA đang cùng các nước trong khu vực quan tâm và hợp tác ứng phó trước những thách thức lớn như giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và phát triển bền vững; vấn đề an ninh trong khu vực; thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước; bảo đảm môi trường bền vững, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia…
Để giải quyết được những vấn đề nêu trên, sự hợp tác chặt chẽ của nghị viện và chính phủ các nước Đông Nam Á ngày càng có vai trò quan trọng. Về phần mình, AIPA cần phát huy hơn nữa vai trò chủ động trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực; tăng cường tình đoàn kết; tích cực hơn nữa trong việc tạo khuôn khổ pháp lý thích hợp cho việc triển khai thực hiện các sáng kiến liên kết nội khối, nhất là hợp tác kinh tế trong ASEAN; ủng hộ và hỗ trợ hiệu quả hơn chính phủ các nước với những giải pháp có tính khả thi cao nhằm thực hiện thành công những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra. Là tổ chức đại diện cho nhân dân các nước trong khu vực, nghị viện các nước thành viên AIPA có vai trò quan trọng không thể thiếu trong khuôn khổ cơ chế hợp tác chung của ASEAN để cùng nhau xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, Quốc hội nước ta đã gia nhập AIPO vào năm 1995. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Quốc hội nước ta với nghị viện các nước trong khu vực. Là thành viên của AIPO và nay là AIPA, Quốc hội Việt Nam luôn chủ động tham gia đầy đủ các kỳ Đại hội đồng, các phiên họp của các ủy ban chuyên đề và các hoạt động khác của AIPO, tích cực triển khai thực hiện các chương trình hành động và nghị quyết của AIPA. Quốc hội nước ta đã đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm củng cố sự đoàn kết và sức mạnh của AIPA, phản ánh mối quan tâm chung của khu vực và thế giới; từ đó luôn nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các nước thành viên. Sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong khuôn khổ AIPA còn được thể hiện qua việc chúng ta đã đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động của AIPO/AIPA và nhất là hoàn thành tốt chức vụ Chủ tịch AIPO nhiệm kỳ 2001-2002 và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 vào tháng 9-2002.
Tham gia tích cực vào các hoạt động của AIPO/AIPA, chúng ta cũng thu nhận được nhiều kinh nghiệm bổ ích và lợi ích thiết thực. Trước hết, Quốc hội nước ta đã góp phần thực hiện thành công chính sách đối ngoại rộng mở của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạo môi trường chính trị thuận lợi cho việc triển khai thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của đất nước. AIPO/AIPA thực sự là diễn đàn quan trọng để Việt Nam bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề mà khu vực và quốc tế đang quan tâm, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia. Cơ chế hợp tác liên nghị viện của AIPA cũng góp phần tăng cường hữu nghị, sự biểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các đại biểu Quốc hội nước ta với các nghị sĩ của các nước, cũng như giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nói chung. Sự tham gia của Quốc hội nước ta trong AIPA đã tạo ra cơ hội và có thêm điều kiện để chúng ta chia sẻ, vận động và giải thích về những vấn đề có liên quan đến Việt Nam, vượt qua những thành kiến, khác biệt về thể chế chính trị giữa các nước để tạo ra thái độ thân thiện, cởi mở, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Cũng từ việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động của AIPA mà các đại biểu Quốc hội nước ta có thêm cơ hội trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng pháp luật, công tác giám sát và hoạt động nghị viện, nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Thông qua các hoạt động của AIPA, chúng ta còn có điều kiện góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, giới thiệu những nét đặc sắc về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đảm đương vai trò Chủ tịch AIPA trong nhiệm kỳ 2009-2010 là thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Đây là năm bản lề đối với Hiệp hội khi hiến chương ASEAN có hiệu lực vào cuối năm 2008 đã xác định mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới của khu vực là xây dựng một cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vào năm 2015. Quốc hội nước ta đã đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động trong nhiệm kỳ 2009-2010 như Hội nghị chuyên đề của AIPA về vai trò của nữ nghị sĩ trong quy trình lập pháp (12-2009); bổ nhiệm Tổng Thư ký mới của AIPA (2-2010); Hội nghị về hậu khủng hoảng kinh tế - tài chính và phát triển bền vững (3-2010), về phòng chống hiểm họa ma túy (4-2010); và vào đầu tháng 9-2010 này, Quốc hội nước ta đã tham dự Hội nghị tham vấn Chủ tịch Quốc hội các nước G20 tại Canada đại diện cho AIPA nói lên tiếng nói của nhân dân và nghị viện trong khu vực về những vấn đề lớn của thế giới. Đặc biệt, theo sáng kiến của chúng ta, lần đầu tiên đã diễn ra cuộc họp chính thức giữa lãnh đạo nghị viện AIPA với những người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Việt Nam vào tháng 4-2010. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển quan trọng để phối hợp tốt hơn giữa AIPA và ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế. Đây chắc chắn sẽ là một trong những nội dung quan trọng của Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 với mục tiêu nhằm xác định những giải pháp, hình thức cụ thể để tăng cường mối quan hệ giữa hai tổ chức này.
Với chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN”, Đại hội đồng AIPA-31 lần này sẽ tập trung vào việc đối thoại về vấn đề hòa bình, hợp tác, an ninh của khu vực, góp phần đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống; xử lý những vấn đề về an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang có những tác động tiêu cực đến các quốc gia thành viên; các vấn đề xã hội, bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ, quyền lợi trẻ em, bảo đảm và giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc; đưa ra các nghị quyết thiết thực góp phần khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; phát triển bền vững; tăng cường phối hợp giữa AIPA và ASEAN; củng cố liên kết nội khối; tăng cường hợp tác với các đối tác quan sát viên của AIPA và tiếp tục bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPA… Với việc chuẩn bị tích cực, chu đáo về mọi mặt của nước chủ nhà, Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 chắc chắn sẽ góp phần đưa hợp tác liên nghị viện trong khu vực lên tầm phát triển mới.
Ngày khai mạc trọng thể Đại hội đồng AIPA-31 cũng chính là ngày kỷ niệm 15 năm Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPO/AIPA. Điều này cho thấy chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là ưu tiên phát triển quan hệ với các nước trong khu vực đã được triển khai thực hiện thành công, hiệu quả. Chủ trương đúng đắn đó đã làm cho Việt Nam ngày càng trở nên gần gũi, tin cậy hơn đối với các nước ở Đông Nam Á; phản ánh mong muốn, nhu cầu hợp tác và phát triển của chúng ta với nhân dân các nước ASEAN, phù hợp với xu thế của thời đại.
Việc giữ chức Chủ tịch AIPA và đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 vào đúng dịp nước ta đang chuẩn bị nhiều hoạt động chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một vinh dự của Quốc hội Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Đặc biệt, với việc đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch của ASEAN và Chủ tịch của AIPA trong năm 2010 này, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để góp phần thúc đẩy sự gắn kết giữa AIPA và ASEAN. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng và tin tưởng rằng, Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 sẽ được tổ chức thành công, thảo luận và đề ra nhiều quyết sách có giá trị nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nghị viện các nước, giúp các nước tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh, kinh tế, xã hội của khu vực cũng như thế giới, đưa hợp tác nghị viện của khu vực lên một tầm phát triển mới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Qua đó AIPA-31 sẽ để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định; một nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc; con người Việt Nam thân thiện, hữu nghị; một Quốc hội Việt Nam năng động và đang đổi mới.