Nông dân Hà Nội: Vay vốn thoát nghèo

Kinh tế - Ngày đăng : 07:34, 17/09/2010

(HNM) - Xác định rõ một trong những nguyên nhân chính khiến nông dân (ND) đói, nghèo là do thiếu vốn sản xuất, những năm qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) thành phố triển khai hiệu quả chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo.


Những đồng vốn hữu ích


Nông dân làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng ở huyện Hoài Đức.Ảnh: Thái Hiền

Gia đình ông Phùng Hữu Cường ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì là một hộ điển hình thoát nghèo nhờ vay vốn ngân hàng. Những năm trước đây, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, 8 nhân khẩu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Năm 2008, gia đình ông Cường được vay ngân hàng 20 triệu đồng thông qua Hội ND. Có vốn, có lao động, ông Cường đã đầu tư nuôi 10 con bò thịt. Nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi, lại sẵn nguồn thức ăn nên chỉ trong một năm, đàn bò thịt đã được bán, đủ hoàn trả ngân hàng cả gốc và lãi. Ông Cường cho biết, trong năm nay, gia đình ông sẽ xây dựng thêm 150m2 chuồng trại, dự kiến tăng đàn lên khoảng 20 con bò thịt.

Gia đình anh Vũ Danh An ở thị trấn Quốc Oai có hoàn cảnh tương tự. Suốt nhiều năm, 5 miệng ăn chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp và chiếc máy nổ bỏng thuê. Cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn khi đất nông nghiệp phải bàn giao cho Nhà nước thực hiện các dự án phát triển CN, đô thị. Năm 2008, được vay vốn ngân hàng, anh An đầu tư mua thêm 2 máy nổ bỏng để vừa nổ thuê vừa nhập nguyên liệu về nổ thành bỏng rồi bán buôn cho khách hàng. Hiện tại, mỗi ngày gia đình anh sản xuất 3 tạ bỏng (gồm bỏng ngô và bỏng gạo). Không chỉ giải quyết được việc làm cho lao động trong gia đình, cơ sở sản xuất của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, nhiều hộ ND đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ đồng vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH thành phố thông qua chương trình ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng qua Hội ND thành phố. Đến nay, các cấp hội ND Hà Nội đã lập được 2.478 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ngân hàng với tổng dư nợ 790,7 tỷ đồng (tăng 84,1 tỷ đồng so với đầu năm 2010) cho 76.644 hộ vay, trong đó riêng cho vay hộ nghèo chiếm khoảng 50% dư nợ. Hầu hết các hộ nghèo được vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Nâng cao hiệu quả chương trình

Bà Vũ Thúy Lan, Chủ tịch Hội ND TP Hà Nội cho biết: Để đồng vốn cho vay hộ nghèo phát huy hiệu quả, hằng năm Hội ND các quận, huyện kết hợp với chi nhánh Ngân hàng CSXH tổ chức tập huấn tín dụng, công tác quản lý nguồn vốn tín dụng và các chủ trương, chính sách cho vay cho đội ngũ cán bộ hội ND, tổ trưởng tổ TK&VV ngân hàng. Qua đó, giúp cán bộ hội, tổ trưởng ngày càng nắm vững nghiệp vụ, kỹ năng thẩm định, kiểm tra, quản lý nguồn vốn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của Ngân hàng CSXH. Đồng thời, các cấp hội tăng cường phối hợp với ngân hàng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gốc, lãi đúng quy định; đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nợ quá hạn giảm hẳn, từ 2% (năm 2004) xuống còn 0,4%.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng quá trình triển khai chương trình này còn gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Văn Sỹ, Chủ tịch Hội ND huyện Quốc Oai nhận định, đối tượng được vay là hộ nghèo, nên làm thế nào để giúp họ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, trả gốc và lãi đúng kỳ hạn là điều các cấp Hội ND luôn trăn trở. Trên thực tế, không những thiếu vốn, thiếu lao động, hầu hết các hộ nghèo thiếu kinh nghiệm, cách thức tổ chức trong sản xuất, kinh doanh, trong khi đó số vốn vay hộ nghèo thấp (bình quân 10 triệu đồng/hộ), thời gian vay ngắn nên các hộ được vay chỉ đầu tư sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của hội ND cấp cơ sở đối với các tổ, hộ vay vốn ở một số nơi còn hình thức, chưa thường xuyên; trình độ của đội ngũ cán bộ hội nhận ủy thác không đồng đều, năng lực, kỹ năng ghi chép sổ sách còn yếu... dẫn đến những sai sót đáng tiếc trong quá trình triển khai. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đồng vốn vay, Hội ND các xã, phường, thị trấn nên phân công cán bộ, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi hướng dẫn cách làm ăn, các hộ nghèo được vay vốn sử dụng đồng vốn có hiệu quả; đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT cho hội viên; cung cấp thông tin thị trường để hội viên nắm và vận dụng trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, cán bộ tín dụng ngân hàng thường xuyên tổ chức tập huấn, chấn chỉnh những tồn tại theo phương châm "cầm tay chỉ việc" giúp các tổ TK&VV hoạt động tốt hơn.

Thu Hằng